Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vì vô số lý do, nguyên nhân khác nhau, giáo viên hoặc chủ động hoặc bị ép phải nâng điểm cho học sinh. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là tình trạng chạy theo chỉ tiêu, trực tiếp nhất là các chỉ tiêu được ghi trong nghị quyết hội nghị cán bộ công nhân viên chức đầu năm học.
Thí sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.
TỪ LỚP 10…
Như tin đã đưa, Sở GD-ĐT đã công bố điểm thi tuyển (kết hợp xét tuyển) vào lớp 10 năm học 2019-2020. Nhìn tổng thể, điểm thi của thí sinh không cao. Ở 11 trường THPT tuyển sinh bằng hình thức thi kết hợp với xét tuyển cho thấy, số lượng thí sinh đạt điểm 8 không nhiều (tính cả ba môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh). Nhiều thí sinh dự thi điểm rất thấp, không hiếm trường hợp làm bài chưa đạt nửa điểm.
11 trường tổ chức thi kết hợp với xét là những trường ở khu vực trung tâm của huyện, thành phố. Thí sinh đăng ký dự thi vào những trường này cũng được nhìn nhận là có học lực khá, giỏi. Thế nhưng kết quả bài làm cho thấy, có thí sinh dự thi 3 môn nhưng không môn nào được quá 4 điểm. Đơn cử, tại hội đồng thi Trường THPT Lý Thường Kiệt, điểm thi của một thí sinh ba môn lần lượt là 0,75, 3, 3,5.
Căn cứ quy chế, thí sinh này bị điểm liệt vì có môn 0,75 điểm. Tương tự, tại Hội đồng coi thi Trường THPT Quang Trung, có thí sinh không môn nào vượt quá điểm 3, cụ thể điểm lần lượt của ba môn thi là 0,75, 3 và 3. Ở các hội đồng coi thi khác, tình hình cũng tương tự. Trong khi căn cứ vào điểm xếp loại học lực ở cấp trung học cơ sở, những thí sinh dự thi tối thiểu cũng đạt trung bình, nhiều thí sinh khá nhưng điểm thi lại là điểm 0.
Nếu như điểm thi vào 11 trường THPT đại trà thấp có thể hiểu phần nào, thì điểm thi vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha mới đáng nói. Kết quả điểm thi cho thấy, rất nhiều thí sinh dự thi vào trường này bị điểm liệt. Trong số hơn 600 thí sinh dự thi vào trường chuyên, có hơn 100 trường hợp bị điểm liệt môn chuyên, tức điểm bài làm không quá 2 điểm. Toán là một trong những môn thi có nhiều điểm liệt, thí sinh dự thi vào lớp chuyên Toán nhưng chỉ được vỏn vẹn 0,25 điểm (chưa được nửa điểm).
Theo quy chế, ngoài môn chuyên, thí sinh dự thi vào trường chuyên phải thi ba môn không chuyên giống như những thí sinh dự thi vào các trường phổ thông khác. Theo kết quả chấm thi, có rất nhiều thí sinh có điểm thi của cả ba môn không chuyên đều dưới 5 điểm. Thậm chí có nhiều thí sinh không môn thi nào đạt điểm 4. Theo quy chế, để được dự thi vào Trường THPT chuyên, ở lớp 9, thí sinh phải có học lực tối thiểu từ loại khá trở lên. Thực tế, căn cứ hồ sơ, học bạ, phần lớn thí sinh dự thi vào trường chuyên được xếp loại học lực loại giỏi.
Cũng cần nhắc lại, chuyện thi vào trường chuyên nhưng bị điểm liệt không phải là điều mới mẻ gì. Hiện tượng này đã có cách nay từ rất lâu. Thực ra, trong một kỳ thi tuyển sinh, với hàng trăm, thậm chí cả ngàn thí sinh dự thi, tính cạnh tranh khá cao, chuyện một vài thí sinh bị điểm liệt là bình thường. Nhưng khi dự thi vào trường chuyên mà có hàng chục, thậm chí cả trăm thí sinh bị điểm liệt thì khó có thể coi là bình thường.
Nhiều năm trước, sau khi kết quả điểm thi tuyển sinh đầu cấp THPT được công bố chi tiết (có tên tuổi, số báo danh, tên trường trung học cơ sở thí sinh học trước đó), nhiều trường đã “làm công tác tư tưởng” bằng cách khuyên học sinh không nên dự thi vào trường chuyên. Lý do, nếu thi vào trường chuyên bị điểm liệt, hiệu trưởng nhà trường khó thoái thác trách nhiệm và phải giải trình với cấp trên.
Kiểu “phân luồng” này được thực hiện một cách âm thầm, số thí sinh dự thi vào trường chuyên những năm sau đó có giảm nhưng không nhiều. Như kỳ thi năm nay, số lượng thí sinh dự thi vào trường chuyên tuy không cao như nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng cũng gần 700 em. Như vậy, trường chuyên vẫn có đủ nguồn tuyển, thí sinh nào không trúng tuyển thì chuyển hồ sơ về xét tuyển ở trường khác.
Song, điều đáng nói (dù không mới) nhưng không thể thờ ơ, đó là tại sao được xếp loại giỏi về học lực ở cấp trung học cơ sở nhưng khi thi tuyển đầu vào cấp trung học phổ thông lại bị điểm liệt? Câu trả lời được giới chuyên môn đưa ra từ lâu: khâu kiểm tra, đánh giá xếp loại không khách quan, thiếu độ tin cậy. Vì vô số lý do, nguyên nhân khác nhau, giáo viên hoặc chủ động hoặc bị ép phải nâng điểm cho học sinh.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp là tình trạng chạy theo chỉ tiêu, trực tiếp nhất là các chỉ tiêu được ghi trong nghị quyết hội nghị cán bộ công nhân viên chức đầu năm học. Cuối năm học, nếu các chỉ tiêu không đạt, trong nhà trường sẽ xảy ra bao nhiêu chuyện, họp hành, khiếu nại, thắc mắc không ngừng.
…ĐẾN LỚP 12
Cũng liên quan đến điểm số, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng lấy cả điểm bình quân học lực ở lớp 12 để tính vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, khâu kiểm tra, đánh giá ở cấp học này ngày càng thiếu độ tin cậy. Những năm trước, điểm trung bình ở lớp 12 chiếm 50% tổng số điểm xét công nhận tốt nghiệp. Sau một số năm áp dụng, dư luận xã hội cho rằng cần xem lại cách lấy kết quả học lực năm lớp 12 tính vào kỳ thi THPT quốc gia. Vì kể từ khi áp dụng, học sinh THPT đạt học giỏi “tăng đột biến”.
Tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, trong đó có nhiều người làm trong ngành, bắt đầu từ kỳ thi THPT năm nay, Bộ GD-ĐT hạ tỷ lệ điểm năm lớp 12 từ 50% xuống còn 30%. Đúng ra, đã thi là chỉ tính điểm thi, không nên lấy điểm học lực trung bình của năm cuối cấp để làm cái phao cứu sinh cho thí sinh, vì độ tin cậy thấp. Để dẫn chứng, xin đơn cử kết quả điểm môn Lịch sử lớp 12 của một trường trung học phổ thông ở Tây Ninh, năm học 2018-2019.
Để bạn đọc tiện theo dõi, xin nói rõ, ở bậc học phổ thông nói chung, lớp 12 nói riêng có ba loại điểm, điểm hệ số 1 gồm điểm kiểm tra miệng, bài kiểm tra 15 phút; điểm hệ số 2, là những bài kiểm tra có thời lượng 1 hoặc 2 tiết, tuỳ môn học và sau cùng, bài kiểm tra cuối học kỳ (không phải thi học kỳ như nhiều tờ báo vẫn gọi). Trong ba chế độ điểm nêu trên, điểm miệng 15 phút do giáo viên bộ môn tự thực hiện tất cả các khâu; điểm bài kiểm tra hệ số 2 (1 hoặc 2 tiết) do nhà trường ra đề thống nhất cho toàn khối; đề kiểm tra cuối học kỳ lớp 12 do Sở GD-ĐT ra thống nhất cho toàn tỉnh.
Trở lại với kết quả đánh giá, kiểm tra tại một trường THPT nêu trên, đối chiếu các điểm số dễ dàng nhận thấy, các chế độ điểm có sự chênh lệch rất lớn. Trong đó, điểm kiểm tra miệng và bài kiểm tra 15 phút do giáo viên bộ môn tự thực hiện có điểm rất cao. Đặc biệt, trong cột điểm dành cho kiểm tra miệng, rất nhiều học sinh (ở ba lớp học) đều đạt điểm 10. Tương tự, trong cột điểm kiểm tra 15 phút, không một học sinh nào dưới điểm trung bình.
Tuy nhiên, sang cột điểm hệ số 2 (đề do trường ra chung cho toàn khối 12) thì điểm bài làm bắt đầu giảm. Nhưng giảm mạnh nhất là bài kiểm tra cuối học kỳ lớp 12 do Sở ra chung cho tất cả các trường. Có học sinh điểm kiểm tra miệng, bài kiểm tra 15 phút, kể cả bài kiểm tra hệ số 2 điểm rất cao, trong đó có một điểm 10 nhưng khi làm đề chung chỉ được 2,5 điểm. Mặc dù bài kiểm tra cuối học kỳ điểm rất thấp nhưng kết quả cuối năm, điểm bình quân của em học sinh đó vẫn gần 6,0, vì đã có điểm do giáo viên bộ môn cứu vớt.
Nêu ra một vài ví dụ như trên để thấy, khâu kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông (thật ra không riêng gì phổ thông) ngày càng thiếu độ tin cậy. Xét theo tâm lý lứa tuổi nói riêng cũng như tâm lý con người nói chung, việc một học sinh được xếp loại giỏi về học lực nhưng đi thi tuyển sinh bị điểm liệt là điều khá khó chịu không chỉ với người học mà còn cả với người thân của em đó. Tình trạng điểm ảo, đánh giá, xếp loại sai lệch đã kéo dài nhiều năm. Các cấp quản lý giáo dục, giáo viên không phải không biết chuyện này…
VIỆT ĐÔNG
>> Danh sách điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020.