Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lại một ngày nữa đại dịch COVID-19 khiến thế giới bàng hoàng khi số ca nhiễm vọt lên trên 590.000, trong đó gần 27.000 người tử vong. Số ca tử vong tại Italy lập kỷ lục mới với 919 người/ngày, trong khi Mỹ ghi nhận thêm trên 15.000 người nhiễm mới, vượt qua ngưỡng 100.000 ca.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, Pháp ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tính đến 6h sáng 28/3, theo thống kê của trang worldometers.info, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 590.713 người, trong khi số ca tử vong là 26.970 người. Trên thế giới đã có 132.490 ca phục hồi sức khỏe.
Mỹ đối mặt "cơn lốc" dịch, trên 100.000 ca nhiễm
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 16.217 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lên 101.652 ca. Nước này cũng có thêm 292 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.587 người. Với số ca nhiễm mới liên tục tăng vọt qua các ngày, Mỹ đã vượt và bỏ xa Trung Quốc, nơi khởi phát và từng là điểm nóng dịch, trở thành "ổ dịch" lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng thành phố New York tới nay đã có ít nhất 25.573 ca mắc COVID-19.
Thị trưởng Bill de Blasio cho biết thành phố đã nhận 2.500 máy thở trong tuần qua, nhưng vẫn cần thêm 15.000 chiếc, trong khi bang New York cần thêm 30.000 máy thở. Trước tình hình đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đảm bảo thêm 100.000 máy thở trong vòng 100 ngày tới. Rạng sáng 28/3, ông Trump đã chỉ định Cố vấn kinh tế Peter Navarro làm người điều phối Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhằm huy động các nguồn lực sản xuất phục vụ chống đại dịch như trong thời chiến.
Hạ viện Mỹ ngày 27/3 (rạng sáng 28/3 giờ VN) đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" (CARES Act) có qui mô 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump đã ký phê chuẩn.dự luật này.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Gói cứu trợ 2.000 tỷ USD sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, dự luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa COVID-19...
Tổng thống Trump ký phê chuẩn đạo luật CARES trong một sự kiện bị truyền thông Mỹ chỉ trích là không tuân thủ giãn cách xã hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã thông qua tuyên bố tình trạng đại thảm họa đối với bang Illinois. Trước đó, ông cũng ra tuyên bố tương tự đối với các bang New York, California, Florida, Washington và Louisiana.
Italy trải qua ngày tang tóc, 919 người tử vong
Trong 24 giờ qua, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy xác nhận nước này có thêm 5.959 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 86.498 trường hợp. Như vậy, sau 5 tuần dịch bệnh bùng phát tại Italy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua Trung Quốc, hiện ghi nhận 81.342 trường hợp theo số liệu cập nhật từ Đại học Johns Hopkins.
Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do COVID-19 là 9.134 trường hợp, tăng 919 ca - con số tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh bắt đầu. Số bệnh nhân điều trị thành công là 10.950 trường hợp (tăng 589 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 26.029 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.732 ca phải điều trị tích cực và 36.653 trường hợp cách ly tại nhà. Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 37.298 trường hợp (tăng 2.409 ca), và số ca tử vong tăng 541 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 5.402 trường hợp.
Liên quan đến độ tuổi tử vong do dịch COVID-19, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cho biết độ tuổi trên 70 chiếm trên 80% số ca tử vong, độ tuổi 60-69 chiếm 11,2%, độ tuổi 50-59 chiếm 3,6%, trong khi đó, độ tuổi 40-49 chiếm 1% và độ tuổi 30-39 chỉ chiếm 0,2%. Phần lớn số ca tử vong đều kèm theo các bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, thận.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch ISS Silvio Brusaferro cho rằng dịch bệnh COVID-19 tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm mặc dù ghi nhận sự suy giảm đáng kể trên đường cong biểu đồ dịch bệnh. Chủ tịch ISS khẳng định virus SARS-CoV-2 không được tạo ra trong phòng thí nghiệm và các giả thuyết khác về dịch bệnh đều không có cơ sở khoa học.
Anh: Số ca nhiễm tăng gấp đôi sau 3-4 ngày; Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế nhiễm bệnh
Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove ngày 27/3 cho biết, "theo những đánh giá khoa học tốt nhất" thì tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nước này tăng gấp đôi cứ sau mỗi 3-4 ngày.
Thủ tướng Anh Boris Johnson sau cuộc họp tại nhà số 10 Phố Downing ở London ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tới 6h sáng 28/3, Anh có thêm 2.885 ca nhiễm mới, tổng số 14.543 bệnh nhân, trong đó 759 người đã tử vong, tăng thêm 181 ca trong vòng 24 giờ qua.
Cùng ngày giới chức Anh xác nhận Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Anh Mark Hancock đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ tự cách ly nhưng vẫn tiếp tục điều hành chính phủ thông qua hình thức trực tuyến. Cũng theo Thủ tướng Johnson, các triệu chứng bệnh của ông là "nhẹ".
Tại Pháp, một bệnh nhân nữ 16 tuổi mắc COVID-19 đã tử vong ở ngoại ô thủ đô Paris, trở thành bệnh nhân trẻ tuổi nhất tử vong do COVID-19 tại nước này bởi phần lớn các ca tử vong đều là người cao tuổi và có bệnh nền.
Tây Ban Nha: Số ca tử vong cao thứ hai thế giới
Dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha diễn biến ngày càng phức tạp khi nước này ghi nhận tới 773 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca tử vong trong đại dịch COVID ở Tây Ban Nha đã lên tới con số 5.138 người, chỉ đứng sau Italy. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên 65.719 ca, tăng thêm 7.933 ca so với một ngày trước đó. Tuy vây, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tỷ lệ nhiễm mới có dấu hiệu chậm lại với mức tăng 14% trong 24 giờ qua, so với mức 18% ghi nhận một ngày trước đó.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, Tây Ban Nha ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ổ dịch đầu tiên của NATO tại Litva
Ngày 27/3, nhiều quốc gia tham gia sứ mệnh tăng cường sự hiện diện quân sự của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các nước tiền đồn (vùng Baltic và Ba Lan), đã thông báo về những trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong binh sĩ của họ ở Litva. Hà Lan cho biết một số quân nhân của nước này đóng tại Litva đã mắc COVID-19.
Trong khi đó, Đức, quốc gia chỉ huy tiểu đoàn này, thông báo có 66 trường hợp nghi mắc COVID-19. Tiểu đoàn đầu tiên của NATO xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 có quân số 1.200 binh sĩ, với nhiều quốc tịch khác nhau như Croatia, Na Uy, CH Séc, Luxembourg, Hà Lan và Đức.
Ailen phong tỏa toàn quốc
Thủ tướng Ailen Taoiseach Leo Varadkar rạng sáng 28/3 (giờ VN) tuyên bố đất nước bước vào giai đoạn phong tỏa toàn quốc kéo dài đến lễ Phục sinh, 12/4, nhằm đối phó với dịch bệnh. Theo đó "mọi người dân sẽ phải ở yên trong nhà trong mọi tình huống". Thủ tướng Varadkar nhấn mạnh chỉ những lao động thiết yếu, bao gồm nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe mới được di chuyển đến chỗ làm việc. Ireland hiện có 2.121 ca nhiễm bệnh, 22 ca tử vong.
Đức: Thượng viện thông qua gói 1.200 tỷ USD cứu trợ dịch COVID-19
Ngày 27/3/2020, Thượng viện Đức đã thông qua gói cứu trợ dịch COVID-19, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch này. Trước đó, ngày 25/3, Hạ viện Đức cũng đã phê chuẩn gói cứu trợ kinh tế này và văn kiện sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4 tới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Dresden, Đức ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Tổng cục y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người. 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi.
Ngày 27/3, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cũng thông báo quyết định kéo dài lệnh cách ly diện rộng thêm 2 tuần - tức đến ngày 19/4, nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh dịch Covid-19.
Chính phủ Thụy Điển tiếp tục giới hạn số lượng người được phép tập trung, hội họp là 50 người, thay vì 500 người như trước. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 28/3. Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phải nộp phạt hoặc ngồi tù lên tới 6 tháng.
Trong khi đó, Chính phủ liên bang của Thụy Sĩ đã trao quyền cho nhà chức trách các địa phương tạm thời đóng cửa hoặc hạn chế các lĩnh vực kinh tế nếu cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tương tự, Chính phủ Nga ban bố sắc lệnh đóng cửa tất cả các quán cà phê và nhà hàng và các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này từ ngày 28/3 cho đến ngày 1/6, đồng thời yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.
Chính phủ Hungary sẽ áp đặt việc thắt chặt đi lại của công dân nước này trong khoảng thời gian từ ngày 28/3 đến ngày 11/4, nhằm tạo ra sự dãn cách xã hội giúp giảm thiểu sự lây lan đại dịch.
Giới chức Bồ Đào Nha nâng cảnh báo và ứng phó với dịch COVID-19 lên cấp độ 3 - cấp độ cao nhất ở nước này. Theo đó, chính phủ sẽ huy động toàn bộ hệ thống y tế công lẫn tư nhân để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ ở nhà, người có các triệu chứng vừa phải đến các trung tâm y tế, những ca nặng đến bệnh viện, và chỉ những ca nguy kịch mới được nhập viện. Các trung tâm y tế và bệnh viện sẽ có khu vực dành riêng điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, Pháp ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc: Ca lây nhiễm nội địa đầu tiên sau 3 ngày
Ngày 27/3, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận ca lây nhiễm nội địa đầu tiên sau 3 ngày không ghi nhận ca mới trong nước nào. Trong số 55 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 26/3 đó 54 ca là người nhập cảnh từ nước ngoài và một ca lây nhiễm trong nước ở tỉnh Chiết Giang. Trong nỗ lực ngăn tình trạng "nhập khẩu virus", kể từ 0h ngày 28/3, Trung Quốc tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài đã có thị thực và giấy phép cư trú tại nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài có thẻ du lịch thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); ngừng miễn thị thực cho các nhóm khách du lịch từ ASEAN) nhập cảnh Quảng Tây... Trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, hoặc có thị thực hạng C không bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
Hàn Quốc phát hiện ổ dịch mới ngay tại bệnh viện
Thành phố Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc hồi giữa tháng 1/2020, ngày 27/3 thông báo phát hiện ổ dịch COVID-19 mới tại bệnh viện Miju, với 61 bệnh nhân của bệnh viện có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Tại thời điểm phát hiện dịch COVID-19 bùng phát tại đây, bệnh viện có 350 bệnh nhân và nhân viên y tế. Cơ quan y tế thành phố Daegu cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở bệnh viện nói trên có khả năng còn tăng do nhiều người chưa có kết quả xét nghiệm.
Các nhân viên y tế tại bệnh viện Miju ở thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 27/3/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Iran: Thêm 144 ca tử vong do COVID-19
Bộ Y tế Iran ngày 27/3/2020 xác nhận nước này có thêm 144 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.378 người. Phát biểu trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, người phát ngôn của Bộ Y tế Iran - ông Kianoush Jahanpour cũng cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã xác nhận 2.926 trường hợp mới mắc COVID-19, nâng tổng số người bị nhiễm bệnh lên 32.332 trường hợp".
Thành viên của Hội Lưỡi liềm đỏ Iran kiểm tra thân nhiệt các tài xế ở ngoại ô thủ đô Tehran ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù, Afghanistan trả tự do cho 10.000 tù nhân chủ yếu là phụ nữ, vị thành niên và những người bị ốm.
Hãng tin ANI dẫn thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết ngày 27/3, nước này đã xác nhận thêm 160 ca nhiễm bệnh COVID-19, mức cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 887 người, trong đó có 20 ca tử vong
Nhân viên cứu hỏa phun thuốc khử trùng nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 tại bang Bangalore, Ấn Độ ngày 24/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Philippines: Tổng tham mưu trưởng quân đội mắc COVID-19
Ngày 27/3/2020, Philippines thông báo Mỹ đã hủy các cuộc diễn tập quân sự thường niên với nước này để tập trung đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cuộc tập trận mang tên "Vai kề vai" (Balikatan 2020), theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 4-15/5 tại Philippines với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ hai nước, bị hủy bỏ.
Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Felimon Santos Jr đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là xác nhận từ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người cũng đang bị cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm của Tướng Santos.
Xe quân sự tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines "Balikatan" tại sân bay San Jose ở tỉnh Antique, Philippines, ngày 14/4/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Singapore, theo nguồn tin từ tờ Straits Times ngày 27/3, Hội nghị Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh cấp cao khu vực do Singapore tổ chức - sẽ không diễn ra từ ngày 5-7/6 như kế hoạch do tình hình dịch bệnh. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Đối thoại Shangri-La thường niên bị hủy bỏ kể từ khi diễn đàn này được bắt đầu tổ chức vào năm 2002.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận 153 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đây là mức tăng cao kỷ lục về số người nhiễm mới trong vòng một ngày ở quốc đảo này, qua đó nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 1.046 trường hợp. Indonesia cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong mới do COVID-19, đưa tổng số trường hợp tử vong ở nước này lên con số 87, cao nhất ở Đông Nam Á.
Trước những diến biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã đề nghị nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) chuẩn bị cho một "kế hoạch thời chiến" để chống đại dịch COVID-19. Ông Guterres đề nghị một cơ chế ứng phó kết hợp trong G20; các nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội, bao gồm các gói kích thích; và một tầm nhìn phát triển bền vững để đảm bảo một sự phục hồi lành mạnh của nền kinh tế thế giới.
Nguồn Báo Tin tức