Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 25/3: Thế giới trên 18.600 người tử vong, Mỹ nguy cơ trở thành 'tâm dịch' mới
Thứ tư: 09:21 ngày 25/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 25/3, thế giới đã đón nhận “kỷ lục buồn” khi số người tử vong vì dịch COVID-19 trong ngày được ghi nhận ở mức cao nhất, Mỹ nguy cơ trở thành “tâm dịch” mới và Olympic 2020 bị hoãn.


Ảnh: Gulf News

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tới nay đã xuất hiện tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 2.091 người thiệt mạng và 38.816 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới lên trên 417.600 người. Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19 đã khiến 18.605 người tử vong.

Với nhiều nước phương Tây, như Mỹ hay Nhật Bản, mùa hoa anh đào nở được coi là tín hiệu mùa Xuân tới, là những ngày tươi đẹp, mang đến niềm vui và hy vọng. Tuy nhiên, điều đó năm nay đã không còn bởi sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 xảy ra tại châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%.

Bà Harris nhận định trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh tại Mỹ, quốc gia này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới. Theo bà, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng đang diễn biến rất nhanh và số ca nhiễm mới và tử vong sẽ sớm tăng mạnh.

Tính đến rạng sáng 25/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 53.996 trường hợp mắc COVID-19 và 685 ca tử vong, tăng 132 trường hợp so với một ngày trước đó. Mỹ trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới bởi dịch COVID-19, sau Trung Quốc và Italy. Thành phố New York là điểm dịch "nóng" nhất tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump tuyên bố bất kỳ ai đi khỏi thành phố này cũng nên tiến hành cách ly 14 ngày.

Tổng thống Trump cũng đã thừa nhận khó khăn trong việc đặt mua nguồn cung vật tư y tế thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông cho biết chính phủ liên bang đang gặp khó khăn trong việc giúp các bang đặt mua khẩu trang và máy trợ thở.

Bất chấp tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rất nguy cấp như vậy, Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua được dự luật cứu trợ khẩn cấp do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất.

Dự luật nếu được thông qua và ban hành thành luật sẽ mở đường cho việc Chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế theo chương trình hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bất đồng giữa các chính đảng trong Quốc hội Mỹ đã gây khó cho cuộc chiến chống dịch bệnh của nước này.

Nước Mỹ đang xáo trộn nặng nề vì dịch COVID-19. Ảnh: baltimoresun

Tại Nhật Bản, sự kiện được chờ đợi nhất trong năm là Thế vận hội Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) đã phải hoãn vì dịch COVID-19. Ngày 24/3, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và Nhật Bản đã nhất trí hoãn tổ chức sự kiện thể thao được cả thế giới mong đợi này sang năm 2021, lùi 1 năm so với kế hoạch hiện nay.

Thông tin trên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố sau cuộc báo điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, trong đó hai bên nhất trí hoãn Olympic 2020 sang năm 2021 vì sự bùng phát của dịch COVID-19. IOC cho hay Olympic Tokyo không thể diễn ra trong năm nay và sẽ được tổ chức không muộn hơn mùa Hè 2021. Tên kỳ đại hội “Olympic Tokyo 2020” được đề nghị giữ nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: DW

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết tính đến hết ngày 24/3 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.193 người, chưa kể 710 ca mắc trên tàu Diamond Princess được cách ly tại cảng Yokohama. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm các trường hợp trên tàu du lịch này.

Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu cho biết Nhật Bảnsẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ 18 nước châu Âu và Iran. Đây là biện pháp kiểm soát biên giới phạm vi rộng nhất mà Nhật Bản áp dụng cho đến nay nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các nước châu Âu nói trên gồm Andorra, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Italy, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vatican. Theo đó, người nước ngoài từng đến những nước trên trong vòng 14 ngày trước khi đến Nhật Bản sẽ không được nhập cảnh.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Mulhouse, Pháp, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Châu Âu - tâm dịch hiện nay của thế giới – ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 24/3 đã vượt 200.000 người, trong đó Italy với 69.176 ca nhiễm và Tây Ban Nha với 39.885 ca đã chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm tại khu vực này. Với trên 200.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 10.732 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xếp thứ hai là châu Á.

Tại Italy, tâm điểm của dịch COVID-19 ở châu Âu, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ngày 23/3, nước này ghi nhận thêm 5.249 ca nhiễm mới, giảm so với 5.560 ca trong ngày 22/3, trong khi số ca tử vong tăng 743 ca lên con số 6.820.  

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 514 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.696 người, tăng 23,5% so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tăng gần 20% lên 39.673 trường hợp.

Chính phủ Anh thông báo nước này trong 24h qua đã có thêm 87 ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 422 người. Tính tới ngày 25/3, Anh ghi nhận 8.077 ca mắc COVID-19, tăng hơn 1.400 ca so với mức 6.650 ca trong ngày 23/3.

Hạ viện Anh đã thông qua dự luật khẩn cấp mới trao thêm quyền hạn cho chính phủ nước này trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việc dự luật chống virus SARS-CoV-2 được thông qua chỉ trong 1 ngày cho thấy quốc gia châu Âu này đang khẩn trương ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại nước này.

Theo dự luật SARS-CoV-2 dài 329 vừa được thông qua, cảnh sát được trao quyền đóng cửa các sự kiện và buộc mọi người về nhà, sử dụng quyền hạn can thiệp vào cuộc sống ở Anh chưa từng được áp dụng kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong khi đó, các nhân viên cảnh sát, y tế và di trú được phép bắt giữ những người từ chối tuân theo chỉ dẫn y tế, cảnh sát và nhân viên công vụ có quyền cưỡng chế việc thực thi các hạn chế về y tế công cộng. Những đối tượng vi phạm có thể chịu mức phạt 1.000 bảng Anh (1.155 USD).

Nhân viên y tế chuẩn bị đón bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến được dựng lên tại trung tâm triển lãm và hội nghị Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 21/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức cũng là quốc gia châu Âu bị dịch bệnh tấn công mạnh. Ngày 24/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố chính phủ nước này sẽ quay trở lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 qua đi.

Phát biểu trên đài truyền hình DZF, Bộ trưởng Altmaier nêu rõ nước Đức đang sử dụng tiền dựa trên những điều kiện thị trường vốn thuận lợi, khi người dân tin tưởng vào chính phủ. “Cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế châu Âu cũng đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (812,25 tỷ USD) nhằm giảm thiểu các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế. Đó là một loạt biện pháp hỗ trợ các công ty trong khủng hoảng và Bộ trưởng Almaier cũng tái khẳng định chính phủ sẵn sàng mua cổ phần của các công ty chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Tính tới ngày 25/3, Đức ghi nhận có 32.986 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 157 người tử vong.

Ấn Độ phong tỏa toàn quốc trước sự bùng phát của dịch COVID-19. Ảnh: Fijivillage

Ngày 24/3, Chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc để đối phó với dịch COVID-19 trong vòng 21 ngày, tính từ nửa đêm 24/3.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân Ấn Độ hãy nghiêm túc thực hiện lệnh này, đồng thời cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc ra khỏi nhà trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh biện pháp giãn cách xã hội sẽ áp dụng với tất cả mọi người.

Theo quyết định trên, khoảng 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ phải ở trong nhà, thực hành giãn cách xã hội, các cơ sở công cộng, vui chơi giải trí sẽ tạm thời đóng cửa. Ông Modi cho biết thêm Chính phủ Ấn Độ đã phân bổ 2 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng y tế và đảm bảo hệ thống này đủ hiệu quả để đối phó với mối đe dọa của COVID-19.

Iran vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á, ngoài Trung Quốc. Ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết số ca tử vong tại nước này tăng 122 ca trong vòng 24 giờ qua lên tổng cộng 1.934 ca. Số ca được xác nhận mắc bệnh COVID-19 tại Iran tăng 1.762 ca trong cùng khoảng thời gian này, nâng tổng số bệnh nhân lên 24.811 người. 

Cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã kêu gọi đánh giá khẩn cấp lại các lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia đang phải đối mặt với khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như Iran, tránh khiến cho các hệ thống y tế vốn đang bị quá tải này bị sụp đổ.

Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch toàn cầu này hồi tháng 12/2019, tiếp tục đã thuyên giảm của dịch bệnh. Trong vòng 24h qua, quốc gia tỷ dân này tiếp tục không ghi nhận ca mắc bệnh mới. Tới sáng 25/3, Trung Quốc có tổng công 81.171 ca mắc COVID-19, trong đó 3.277 người tử vong.

Theo China Daily và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, phần lớn các khu vực của tỉnh Hồ Bắc sẽ chấm dứt lệnh hạn chế đi lại từ rạng sáng 25/3, trong khi thành phố Vũ Hán dự kiến dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 8/4.

Các nhà hàng đang rục rịch mở cửa trở lại, các tuyến đường giao thông liên tỉnh được khôi phục và hoạt động sản xuất tại các nhà máy dần trở lại bình thường, nhiều tập đoàn quốc tế lớn trong đó có Apple đã rục rịch mở cửa trở lại tại Trung Quốc. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường tại quốc gia châu Á này.

Người dân tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chuẩn bị bắt chuyến tàu tới Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông để trở lại làm việc, ngày 23/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á tới hết ngày 24/3 đã ghi nhận thêm 490 ca mắc bệnh COVID-19 mới và 12 người thiệt mạng. Dịch bệnh đã xuất hiện tại tất cả các nước thành viên ASEAN, buộc các chính phủ phải khẩn cấp hành động.

Ngày 24/3, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến dịch bệnh tăng mạnh, diễn biến leo thang, đặc biệt là tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cũng đã xuất hiện tại tất cả các quốc gia trong khu vực, sau khi Lào và Myanmar ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên.

Hết ngày 24/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 4.583 ca mắc COVID-19, trong đó có 490 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này hiện là 111 người, tăng 12 người so với một ngày trước đó. Tới nay, cũng đã có 436 người được điều trị thành công và xuất viện.

Người dân Thái vệ sinh các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, đền chùa để phòng dịch COVID-19. Ảnh: The Jakarta Post

Ngày 24/3, Chính phủ Thái Lan quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ rạng sáng 26/3 để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID019) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra tại nước này.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Thái Lan đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong vòng 1 tháng nhằm áp đặt những biện pháp nghiêm ngặt để kiềm chế và ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2. Theo lệnh tình trạng khẩn cấp trên, người dân cần phải hết sức cẩn thận khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Những người vi phạm sẽ bị bắt giữ và xét xử. Bên cạnh đó, những người nâng giá bán các mặt hàng một cách phi lý cũng sẽ bị xử lý.

Tới chiều 24/3, Thái Lan đã ghi nhận thêm 106 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên con số 827, trong đó có 4 người tử vong và 7 người hiện trong tình trạng nguy kịch.

Tại Myanmar, Bộ Y tế và Thể thao nước này thông báo Myanmar đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo thông báo, 2 công dân Myanmar vừa trở về từ Mỹ và Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, bệnh nhân nam 36 tuổi từ Mỹ về nước hôm 13/3 được điều trị cách ly tại bang Chin do sốt cao và một bệnh nhân nam 26 tuổi từ Anh về nước hôm 22/3 được đưa vào phòng cách ly ở Yangon để điều trị sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Lào ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Ảnh: THX

Chiều 24/3, Lào cũng đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tại cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế nước này đã thông báo 2 ca đầu tiên mắc bệnh COVID-19. Như vậy, Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á xác nhận có người mắc COVID-19.

Tại Philippines, ngày 24/3 nước này đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 35, nhiều thứ hai khu vực sau Indonesia. Trong vòng 24h qua, Philippines cũng ghi nhận thêm 90 ca mắc COVID-19 mới và hiện nước này đã có 552 người nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Malaysia tới thời điểm này vẫn là quốc gia Đông Nam Á có số người mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 1.624 ca, tăng 106 ca so với ngày 23/3. Malaysia cũng ghi nhận 15 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập, ngày 22/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Dịch bệnh cũng diễn biến theo chiều hướng xấu đi ở châu Phi. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 24/3 thông báo quốc gia Bắc Phi này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau kể từ ngày 25/3.

Biện pháp này sẽ được thực thi trong thời gian 2 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập ngày 23/3 cho biết số ca nhiễm COVID-19 tại nước này hiện đã lên đến 366 ca.

Tại Nam Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày, từ 24h00 ngày 26/3 đến 24h00 ngày 16/4 tới, trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục