Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều năm qua, trên tuyến biên giới còn 4 chốt biên phòng xa xôi luôn trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt.

Nhiều năm qua, trên tuyến biên giới tỉnh ta còn 4 chốt biên phòng xa xôi luôn trong tình trạng thiếu điện sinh hoạt. Hiện nay, chuyện ấy đã trở thành quá khứ: Cuối năm 2011, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tây Ninh đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho các chốt biên phòng này.
Từ Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), chúng tôi phải mất gần một giờ đi ô tô xuyên qua hơn 20 km đường rừng trên đồi 81 mới đến được Chốt Biên phòng Cần Lê, thuộc Đồn Biên phòng Tống Lê Chân. Chốt Cần Lê gồm hai lực lượng biên phòng và dân quân cùng phối hợp làm nhiệm vụ quản lý một khu vực biên giới ở ấp Con Trăn (xã Tân Hoà) cầu Sài Gòn 2 sang huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là chốt có vị trí xa nhất và hẻo lánh nhất trên suốt 240km đường biên giới ở Tây Ninh. Trung uý Trương Thanh Đẳng, Chốt trưởng Chốt Cần Lê cho biết: Chốt được thành lập từ rất lâu. Vì vị trí của chốt cách đồn biên phòng quá xa nên không thể kéo điện lưới quốc gia tới được, nhiều năm nay, các chiến sĩ ở đây chỉ sử dụng điện sinh hoạt bằng máy phát điện chạy dầu. Nhưng vì số nhiên liệu cung cấp cho máy nổ có giới hạn nên mỗi ngày chỉ được nổ máy từ 19- 21 giờ để sinh hoạt buổi tối xem thời sự trên tivi rồi tắt máy. Từ tháng 10.2011, được cấp trên trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời đến nay, đời sống vật chất và tinh thần các anh em ở Chốt Cần Lê này được thay đổi, nâng cao hẳn lên. “Anh em sử dụng điện thắp sáng, quạt máy đỡ nóng nực và mở tivi xem thoải mái, sinh hoạt tinh thần phong phú thực sự góp phần cho anh em an tâm công tác”, Trung uý Trương Thanh Đẳng vui vẻ nói. Chiến sĩ Nguyễn Huỳnh Cân, cũng cho biết: “Trước đây, khi còn ở đồn biên phòng, nghe nói trong chốt này không có điện thấy cũng sợ. Ở đây, những ngày thời tiết nóng phải ra ngoài bìa rừng hoặc mé sông Sài Gòn giăng võng nghỉ. Giữa rừng, thiếu điện buổi tối dễ buồn và thường ngủ sớm. Nay có điện rồi, không còn những khó khăn ấy nữa”.
![]() |
Các chiến sĩ Chốt Biên phòng Cần Lê bảo quản cẩn thận hệ thống pin năng lượng mặt trời |
Rời Chốt Cần Lê, chúng tôi tiếp tục vượt hơn 40km nữa để đến xã Tân Lập, huyện Tân Biên thăm Chốt Biên phòng Cứ 24 thuộc Đồn Biên phòng Chàng Riệc. Chốt này đã thành lập hơn 20 năm, nhưng cũng ngần ấy thời gian, các chiến sĩ ở đây phải chịu cảnh mỗi đêm chỉ có 2 giờ có điện phát ra từ chiếc máy dầu. Trung uý Nguyễn Văn Bắc, Chốt trưởng Chốt Biên phòng Cứ 24 chia sẻ: “Máy phát điện ở đây quá cũ nên lúc chạy được lúc không”. Ban đêm, ngoài giờ chạy máy nổ xem tivi, các anh em có sinh hoạt gì thêm thì sử dụng đèn dầu hoặc làm nhiệm vụ thì dùng đèn pin. “Từ khi có pin năng lượng mặt trời cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đồng thời, nhờ có pin năng lượng mặt trời mỗi tháng chúng tôi còn tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng vì không phải mua dầu cho máy phát điện như trước nữa”, Trung uý Bắc cho biết thêm.
Có điện, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ các Chốt Biên phòng Cây Gõ (Đồn Biên phòng Tân Phú), Cầu Khỉ (Đồn Biên phòng Tân Bình) cũng hết sức phấn khởi. Thiếu uý Nguyễn Hoài Sơn, Chốt trưởng Chốt Cây Gõ đùa vui: “Hiện giờ, ở đây còn sướng hơn thành thị vì không sợ bị cúp điện”. Chốt trưởng Chốt Cây Gõ còn cho biết thêm, hệ thống pin năng lượng mặt trời này rất tốt, những ngày mưa dầm, không có nắng vẫn tích điện đủ tiêu dùng trong hai ngày. Buổi tối, ở Chốt Biên phòng Cầu Khỉ, chúng tôi gặp Đại uý Phạm Mạc Thuần, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Bình đến sinh hoạt với anh em chiến sĩ. Đại uý Thuần vui vẻ chia sẻ: “Trước đây không có điện, những lúc nóng nực, các chiến sĩ phải di tản vào rừng nghỉ ngơi, dễ bị muỗi chích, dẫn đến bệnh sốt rét. Nay có điện rồi, anh em ngủ trong phòng, đảm bảo sức khoẻ, nhất là đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của anh em”.
Thiếu tá Tạ Ngọc Thuyên, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh cho biết: Mỗi bộ pin mặt trời có giá hơn 96 triệu đồng, được sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, có thể vận hành trong mọi điều kiện thời tiết, đảm bảo điện năng tiêu thụ liên tục 24/24 giờ với công suất tối đa 1KvA/800W. Tính đến nay 100% đồn, chốt biên phòng trong tỉnh được trang bị đầy đủ điện sinh hoạt, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ đóng quân giữa rừng sâu có cuộc sống tốt hơn.
Đại Dương