Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 18.12, tại Khách sạn Sunrise (TP. Tây Ninh), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở NN&PTNT Tây Ninh tổ chức diễn đàn thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thịt bò chất lượng cao.
Đại biểu tham dự diễn đàn.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Chăn nuôi; Tham tán thương mại Úc tại Việt Nam; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước; Chi cục Chăn nuôi và thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, tổng đàn bò của cả nước tăng nhẹ, tốc độ tăng trưởng trung bình là 2,7%/năm. Trong đó, đàn bò lai tăng trung bình 4,3%/năm, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn bò giai đoạn này đạt gần 60% do các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ, chú trọng vào công tác cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo và hỗ trợ bò đực giống để phối giống trực tiếp ở những nơi chưa thể thực hiện thụ tinh nhân tạo.
Từ năm 2019–2020, chăn nuôi bò thịt tiếp tục phát triển, theo ước tính của Cục Chăn nuôi, trong năm 2020, số lượng đàn bò tăng khoảng 3% và sản lượng thịt bò tăng khoảng 4,3% so với năm 2019. Phát triển chăn nuôi bò thịt được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh bị dịch tả lợn Châu Phi nhưng chưa có vắc xin thương mại.
Đàn bò thịt tập trung nhiều nhất ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, tiếp theo là vùng trung du và miền núi phía Bắc. Số lượng bò thịt ở hai khu vực này chiếm gần 60% tổng đàn bò và 53% về sản lượng thịt bò của cả nước. Khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long phân bố tương đối đồng đều về tổng đàn và sản lượng thịt bò và thấp nhất là khu vực Đông Nam bộ.
Các tỉnh có sản lượng thịt bò cung cấp cho thị trường cao nhất cả nước năm 2019 lần lượt là: Bình Định (30.244 tấn), Gia Lai (22.295 tấn), Quảng Ngãi (19.849 tấn), Thanh Hóa (17.929 tấn), Nghệ An (17.014 tấn), Bến Tre ( 16.599 tấn), Phú Yên (16.530 tấn), Đăk Lăk (13.131 tấn), Quảng Nam (10.995 tấn), Hà Nội (10.048 tấn). Sản lượng thịt bò của 10 tỉnh này chiếm 49,2% sản lượng thịt bò của cả nước.
Qua đánh giá, chăn nuôi bò thịt đang dần chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn. Đầu tư xã hội cho nguồn lực phát triển chăn nuôi tăng, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước. Quy mô đàn, năng suất và sản lượng sản phẩm gia súc ăn cỏ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng về sản lượng của các sản phẩm luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, chứng tỏ năng suất chăn nuôi gia súc ăn cỏ ngày càng được cải thiện.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu.
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng vật nuôi. Tỷ lệ bò lai trong sản xuất đại trà tăng cao. Việt Nam đã có mặt hầu hết các giống bò thịt chất lượng có khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt; kỹ thuật chuồng trại, nhất là các kiểu chuồng chống nóng hiện đại cho bò thịt đã được phổ cập trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp ở hầu hết các địa phương.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt, trong đó, có chính sách về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thiên tai, kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, các chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm các loại gia súc ăn cỏ ở trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, tháng 10.2020, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg tạo nhiều động lực cho ngành chăn nuôi bò thịt phát triển bền vững. Ngoài các chính sách của Trung ương, các địa phương đã có các chính sách riêng về hỗ trợ chăn nuôi như hỗ trợ cải tạo giống bò, cải tạo chuồng trại, xử lý môi trường...
Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là chăn nuôi bò phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn thức ăn thô xanh từ hệ thống canh tác, trong khi nước ta không có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên. Việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp có hiệu quả thấp sang trồng cỏ và cây thức ăn cho gia súc ăn cỏ ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Nông dân nuôi bò lai chuyên thịt.
Mặt khác, chăn nuôi bò thịt đòi hỏi tỷ suất đầu tư lớn, chu kỳ sản xuất dài, thời gian thu hồi vốn chậm, có tính rủi ro cao nên đa số người sản xuất khó tiếp cận với các chính sách về tín dụng cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; liên kết chưa hoàn chỉnh đến khâu cuối cùng của chuỗi là giết mổ, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Giải pháp để phát triển chăn nuôi bò thịt trong thời gian tới tập trung vào các giải pháp như điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; nhóm giải pháp về kỹ thuật như giống, thức ăn, công tác thú y, khoa học kỹ thuật và khuyến nông…
Tại diễn đàn, các đại biểu được phổ biến các nội dung về tiêu chuẩn TCVN 12429-2:2020 thịt mát; kỹ thuật vỗ béo bò trước khi giết thịt; Tham tán thương mại Úc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, giết mổ/chế biến và phân phối thị trường thịt bò của Úc; mô hình chuỗi sản xuất – giết mổ – chế biến – tiêu thụ thịt bò mát gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam, một số kết quả và đề xuất phát triển.
Trúc Ly