Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ðiện Long An là cung điện đẹp nhất trong kinh thành Huế đã tồn tại hơn 1,5 thế kỷ qua. Tên tuổi của nó được gắn liền với các công trình kiến trúc của cung Bảo Ðịnh, một hành cung của vua Thiệu Trị, xây dựng vào năm 1845.
Ðiện Long An là cung điện đẹp nhất trong kinh thành Huế đã tồn tại hơn 1,5 thế kỷ qua. Tên tuổi của nó được gắn liền với các công trình kiến trúc của cung Bảo Ðịnh, một hành cung của vua Thiệu Trị, xây dựng vào năm 1845. Cung Bảo Định dùng làm nơi để nhà vua tổ chức lễ Diễn Canh đồng thời là nơi để nhà vua cùng Hoàng Gia đến nghỉ ngơi.Bên trong cung có các công trình như Long An điện, Minh Trưng các, Ðạo Tâm hiên, Trùng Phương tạ... trong đó Long An điện là kiến trúc chính, lộng lẫy và bề thế, tọa lạc ở vị trí trung tâm. Điện Long An - Nay là Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế.
Sau khi vua Duy Tân cho dời từ bờ bắc sông Ngự Hà về dựng lại trong khuôn viên của trường Quốc Tử Giám, Long An điện trở thành Tân Thơ viện. Mặc dù được triệt giải rồi đưa về dựng lại một vị trí khác nhưng Long An điện vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc biệt của riêng nó. Đó là một tòa nhà kép được làm theo lối trùng thiềm điệp ốc. Tiền điện 7 gian, chính điện 5 gian 2 chái. Hai phần được nối với nhau bằng hệ thống trần thừa lưu, chạm trổ tinh xảo. Bộ mái của Long An điện nguyên thủy lợp ngói âm dương tráng men vàng, trên dưới có 7 lớp ngói liệt, mái chia thành nhiều lớn để giảm bớt sự nặng nề. Ðỉnh nóc chính điện đắp hình đầu rồng đội hạt trân châu, hai bờ đầu nóc gắn hồi long, bốn bờ quyết có tượng long, lân, quy, phụng đắp bằng vữa khảm sành sứ. Hàng cột hiên thon nhỏ cắm xuống mặt sân, tạo ảo giác về chiều cao cho ngôi điện.
Ðiểm đặc biệt nổi bật nhất ở nghệ thuật kiến trúc điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Tám bộ vì kèo nóc tiền điện không được thiết kế theo lối chồng rường giả thủ thông thường như các tòa cung điện khác ở Kinh thành Huế. Bằng nghệ thuật chạm lộng, các nghệ nhân Huế xưa đã tạo thành 8 đồ án lưỡng long tranh châu đồ sộ và liền khối mà nhìn vào nhiều người vẫn tưởng đó là những tác phẩm mỹ thuật. Phần trang trí nội thất của ngôi điện vẫn theo lối nhất thi nhất họa và nhất tự nhất họa phổ biến trong các cung điện Huế. Các nghệ nhân xưa đã dùng các chất liệu như xường, ngà voi, xà cừ... khảm lên phần kiến trúc mộc vừa giản dị mà tinh tế. Xen kẽ giữa những ô hộc trang trí là những đại tự với những lời chúc tốt lành, thịnh trị.
Trải qua nhiều năm với sự khắc nghiệt của khí hậu ở Huế, mặc dù vào thập niên 90 đã từng được trùng tu, đến nay công trình kiến trúc này đã xuống cấp nghiêm trọng về tổng thể. Để trả lại giá trị cho ngôi điện có kiến trúc đẹp và độc đáo này, năm 2007, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), đã lập Hồ sơ Thiết kế Bảo tồn, Tu bổ điện Long An và đã được các cấp ngành liên quan phê duyệt. Theo đó, với đặc thù của công cuộc bảo tồn di tích Huế, theo luật định, Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 2516/QĐ-UBND ngày 8
.11.2007 chỉ định gói thầu tư vấn lập thiết kế, dự toán, xây lắp và cung cấp thiết bị (EPC) công trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi điện Long An cho Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng.Theo nội dung này, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng đã tư vấn lập thiết kế, tổng dự toán cho công trình trên cơ sở dự án đầu tư được duyệt và thiết kế cơ sở được thẩm định; cung ứng thiết bị của dự án; thi công bảo tồn, tu bổ, phục hồi công trình theo thiết kế được duyệt. Thời gian để thực hiện cho toàn bộ các công việc này sẽ tiến hành trong hai năm, bắt đầu từ cuối năm 2008. Kinh phí đầu tư tổng thể cho toàn bộ công việc thiết kế bảo tồn, tu bổ điện Long An là trên 14 tỷ đồng. Đến nay, giá trị thực hiện của công trình đã đạt được 80% và dự kiến sẽ bàn giao công trình vào cuối năm 2010.Cùng với cung An Định ở bờ nam Sông Hương, việc hoàn thành tu bổ điện Long An, một cung điện đặc sắc với lối kiến trúc mỹ thuật Á Đông sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hệ thống trưng bày của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Hơn 9.000 cổ vật, phần lớn những hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật, các đồ dùng cho nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của vua, hoàng gia và triều đình cũng như các hiện vật Chămpa và những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và các nước... sẽ có được những không gian đẹp và trang trọng để làm nổi bật thêm cho những giá trị của di sản ông cha để lại...
K.D (st)