Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 22.2, Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cho lực lượng trực tiếp chữa cháy rừng.
Các lực lượng PCCCR xịt nước dập tắt ngọn lửa ngoài thực địa trảng Tà Nốt (Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát).
Đến dự có ông Võ Văn Trí- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, Thượng tá Lê Thanh Gươm- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, các đơn vị trú đóng trên địa bàn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cán bộ chiến sĩ 2 Đồn Biên phòng Tân Phú, Tân Bình và hơn 50 hộ nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Tình huống giả định, một nhóm người dân giáp biên đốt lửa lấy mật ong gây cháy lan sang Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Nhân viên trực chống cháy tại tháp canh lửa Tà Nốt phát hiện tại khoảnh 1, tiểu khu 17 (khu vực giáp đám tràm nước của trảng Tà Nốt) xuất hiện 1 đám cháy, lập tức báo động bằng kẻng. Sau 15 phút, đám cháy lan ra nhiều điểm với tốc độ rất nhanh.
Nhận được tin báo, Đội trưởng Đội PCCCR Biên Giới nhanh chóng điều động 10 người gồm nhân viên chốt Thông Tấn xã, Tà Nốt và Đội Biên Giới tiếp cận hiện trường. Qua đánh giá tình hình, lửa đang lan ra rất nhanh, lực lượng tại chỗ khó có khả năng khống chế. Đội trưởng Đội PCCCR Biên Giới lập tức điện báo Ban Chỉ huy PCCCR Vườn quốc gia xin chi viện.
Đội PCCCR dùng xe máy cày chở nước ra ngoài rảng Tà Nốt tiếp nước cho các lực lượng đang chữa cháy.
Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR Vườn quốc gia điều động 40 người của các đội PCCCR Trung tâm, Lò Gò, Tân Lập, Hoà Hiệp và đội PCCCR Văn phòng Vườn quốc gia phối hợp với đội PCCCR Biên Giới chữa cháy; đồng thời đề nghị Đồn Biên phòng Tân Phú và Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Bình cử lực lượng hỗ trợ. Sau gần 2 giờ tích cực chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Kết thúc diễn tập, Ban Chỉ huy PCCCR Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã họp rút kinh nghiệm ngay tại hiện trường; đồng thời, cử một tổ tiếp tục trực, kiểm tra, đề phòng lửa nhen nhóm lại.
Việc tập huấn và diễn tập PCCCR giúp cho lực lượng tại chỗ (Kiểm lâm, Bảo vệ rừng, Biên phòng, Dân quân) và người dân sống ven rừng nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện dụng cụ tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Duy Phú – Thạch Thảo