BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điện thờ Bà trên núi

Cập nhật ngày: 27/10/2016 - 02:40

Điện Bà ngày Trung thu năm 2016.

Ở Tây Ninh, trong nhiều chùa Phật đều có bàn thờ Bà Linh Sơn ở một vị trí ngang với bàn thờ Quan Thánh Đế (Quan Vân Trường), để phật tử và du khách có thể nhân dịp viếng chùa mà cúng Phật, cúng Bà. Tuy nhiên, lễ hội trọng thể nhất, có sự tham dự của đông đảo bà con phật tử nhất có lẽ là lễ vía Bà ngày 5.5 âm lịch tại Điện thờ Bà trên núi Bà Đen. Ngoài ra, lễ còn được tổ chức ở chùa Phước Lâm- một chi nhánh của chùa Linh Sơn trên núi Bà.

Hiện chùa nằm trên địa bàn phường 1, thành phố Tây Ninh. Điểm thứ hai tại đền thờ Bà ở khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng. Một điểm nữa là ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, nơi có ngôi miếu thờ Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Riêng miếu này lại có ngày vía Bà là ngày mùng 4 tết. Trong chiến tranh, giao thông giữa Trảng Bàng và thị xã Tây Ninh có nhiều nguy hiểm, bà con các tỉnh phía Nam và huyện Trảng Bàng có thể đến dự lễ vía Bà ngay tại miếu Lộc An.

Ngay cả ở khu vực phía Bắc tỉnh, khi cuộc “Chiến tranh đặc biệt” đang đến độ quyết liệt đầu những năm 1960 thì tăng ni ở núi cũng bị buộc chuyển về chùa Phước Lâm. Pho tượng Bà bị thất lạc do lính Pháp lấy đi đem bán. Khi tìm lại được cũng đem về lưu giữ tại chùa này. Từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, tăng ni, phật tử thực hiện nghi lễ vía Bà chủ yếu tại chùa Phước Lâm. Nói tóm lại, hơn 200 năm qua, hương khói thờ phụng trong lễ vía Bà chưa bao giờ dứt trên đất Tây Ninh, mặc cho vật đổi sao dời.

Điện Bà trên núi ở vào độ cao 250 mét trên mực nước biển, ở sườn mé Đông Nam của núi. Do tự nhiên và cả do công lao khai sơn phá thạch của nhiều đời tăng ni mà quanh ngôi Điện đã có một khoảng sân rộng trên 2.000 mét vuông. Quần tụ quanh đây còn có ngôi chùa Phật và chùa Tổ, là những ngôi chùa chính của hệ thống các chùa trên núi.

Theo cuốn sách nhỏ “Ngọn đuốc cửa thiền” tác giả Phan Thúc Duy viết trước năm 1937 (năm sư tổ Tâm Hoà tạ thế) thì hang Điện Bà trước chỉ là một hang tự nhiên do đá núi chồm ra che một mặt bằng rộng khoảng 30m2, trần hang cao từ 2,2 đến 2,5m. Vào năm 1872, sư tổ Thanh Thọ- Phước Chí từ chùa Phước Lâm lên núi để xây hang Điện. Tấm ảnh chụp hang Điện vừa kể cho thấy đã có những mảng tường vôi, vài ô cửa sổ và cửa đi, hai bên có đắp (hoặc viết) những câu đối.

Tuy nhiên, tường bao còn thụt vào trong gầm hang, có nghĩa là diện tích hang lúc ấy khá nhỏ. Đến năm 1957, do tường hang đã bị hư hại nặng, nên ban quản trị núi đã phá dỡ xây lại, phần cơ bản vẫn còn đến ngày nay. Sau giải phóng 1975, người ta mới tu sửa thêm bằng cách làm thêm ngôi võ ca ở trước hang và lắp đặt thêm ống thoát khói từ một góc trần hang, dẫn khói nhang thoát ra ngoài. Bên trái (nhìn từ ngoài vào), có một nhà nhỏ làm nơi trưng bày những bộ áo mão do nhân dân tín ngưỡng dâng cúng Bà. Hai bên còn có 2 ngôi miếu nhỏ, như kiểu miếu ông Tà, trong đó đặt một viên đá có hình thù giống một linga- ngẫu tượng thờ theo tín ngưỡng Bà La Môn. Viên đá luôn được trùm khăn đỏ.

Ngôi võ ca xây theo kiểu thường thấy ở miếu, đình Nam bộ, diện tích khoảng 80m2, cũng cấu trúc theo lối tứ trụ, chỉ có cột mà không có tường bao. Bên trên là hai tầng mái bê tông giả ngói có 8 đầu đao vươn ra bốn phía. Bên trong hang Điện có bàn thờ Bà đặt chính giữa, trên có ngai tượng Bà và hai cô thiếu nữ đứng hầu. Hai bên còn có hai bàn thờ nhỏ thờ cậu Tài, cậu Quý. Dọc hai bên hang còn có bàn thờ tứ vị sơn thần. Trong ngôi võ ca có bàn thờ Diêu Trì Địa Mẫu, áp sát tường hang và ở ngoài còn thêm một tượng Phật Bà Quan Âm hướng ra thung lũng.

Cùng trên một mặt bằng sân chung với ngôi Điện Bà, có ngôi chùa Phật, thường gọi là chùa Bà, tên chính thức là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Ngôi chùa này nằm ở phía ngoài, trên sân hang Điện được xây trong khoảng cuối thế kỷ XIX dưới thời trụ trì của sư tổ Trừng Tùng- Chơn Thoại. Chùa này được cất hoàn toàn bằng gỗ cây sao, kèm theo còn có một nhà giảng. Đến năm 1922-1924, sư tổ Tâm Hoà dỡ ra xây lại bằng đá.

Trong chiến tranh, chùa Phật cũng đã bị sập đổ và cháy rụi hoàn toàn. Chùa được Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa chủ trì xây lại, hoàn thành năm 1996. Phía ngoài chùa Phật, ở khoảng sân thấp hơn gần một mét còn có ngôi chùa Tổ, chuyên thờ cúng các vị sư tổ trụ trì qua các thời kỳ. Trước mặt chùa Tổ, chếch về bên trái còn có một ngôi nhà trù, nhà nghỉ dành làm nơi phục vụ cơm chay và nghỉ lại qua đêm cho khách hành hương. Phía ngoài, thẳng với lối lên chùa là dốc Thượng, đỉnh dốc là mặt bằng sân chùa Tổ, có một cổng cũ từ xưa còn lại. Cổng chỉ có hai trụ cột và trên nóc xây tường hình cuốn thư có đắp nổi ba chữ Việt là Núi Điện Bà; một bảng đại tự 5 chữ Hán, có nghĩa là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Gần cổng nhất, đối diện với ngôi chùa Tổ còn có một tháp treo quả chuông đồng nặng hơn 6 tấn.

Còn có thể kể thêm, lên khỏi cổng chùa trên dốc Thượng, nếu rẽ về phía phải sẽ sang động Thanh Long. Động núi là một hang nhỏ nhưng khu vực này có cảnh trí đẹp bởi các khối đá chênh vênh xếp đặt mà nên. Đó đây còn là những cây rừng có gốc rễ xùm xoà, lạ mắt. Nhiều dây thanh long bò xoài trên mặt đá.

Ở khoảng giữa Điện Bà và ngôi chùa Phật có một lối dốc lên đã xây bậc đá và lan can sắt dẫn tới một mặt bằng nhỏ phía trên, cao hơn mặt bằng sân Điện chừng 20 mét. Tại đây có một cửa hang, lúc nào cũng thấy gió lùa ra mát lạnh nên được đặt tên hang Gió. Từng có một sự cố khiến hang không còn thông gió nữa nhưng giờ hang đã được phục hồi hun hút gió thổi. Trước hang có tượng Phật nằm dài 12 mét. Từ đây có lối đi xếp đá quanh co sang chùa Hoà Đồng như một chiếc ban công của núi. Từ các điểm cao ấy, ta có thể nhìn bao quát toàn bộ các kiến trúc quần tụ quanh sân Điện, xa hơn là những cánh đồng, nương rẫy trải dài suốt triền chân núi. Muốn sang bên chùa Hang và động núi Ba Cô, lại phải vòng trở xuống để đi qua trước Điện Bà.

Nhìn chung kiến trúc toàn cảnh đã tạo nên một hình ảnh “trùng thềm điệp ốc” với nhiều lớp mái bê tông giả ngói đỏ, với những đầu đao hoạ tiết hình rồng phượng hơi dày rậm. Các kiến trúc đều chú ý đến việc kế thừa vốn cổ truyền của kiến trúc dân tộc với phong cách đình chùa Nam bộ, hơi có chút khoa trương về hình thức nhưng lại có sức thu hút vì phù hợp với tâm lý nhân dân các tỉnh trên vùng đất mới phương Nam.

TRẦN VŨ


Liên kết hữu ích