Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Điện thoại 'thu cũ đổi mới' đi về đâu
Thứ năm: 04:42 ngày 23/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi mua lại điện thoại cũ của khách trong chương trình "mua máy cũ đổi máy mới", mỗi cửa hàng lại có cách xử lý riêng.

"Máy thu lại theo chương trình của hãng thì sẽ gửi về nhà sản xuất, còn với các máy tham gia chương trình trade-in của cửa hàng, từng đơn vị sẽ thu lại và tùy tình trạng để có phương án xử lý", anh Nguyễn Đạt, chủ một chuỗi cửa hàng điện thoại lớn tại TP HCM cho biết. Theo anh, các sản phẩm này sẽ được kiểm tra kỹ tình trạng, hàng đạt tiêu chuẩn sẽ được bán ra thị trường dưới dạng máy cũ.

Smartphone cũ sẽ được khắc phục hỏng hóc, sau đó tiếp tục bán ra cho những người có nhu cầu. 

Việc "mông má" và bán lại là phương án được hầu hết các cửa hàng hiện nay áp dụng cho các chương trình "thu cũ đổi mới" của mình, đặc biệt với các sản phẩm của các thương hiệu được ưa chuộng như Apple, Samsung. Đại diện truyền thông của một chuỗi cửa hàng di động lớn tại Việt Nam cho biết, dù Apple không có chương trình trade-in tại Việt Nam, nhưng họ vẫn tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

"Với iPhone, những chiếc có linh kiện hỏng hoặc xuống cấp, như pin chai, mặt kính nứt vỡ, phím bấm hỏng... sẽ được gửi về hãng để thay linh kiện, sau đó tiếp tục bán ra thị trường", anh cho biết.

Những chiếc máy cũ được thu lại từ các chương trình trade-in trên khắp thế giới là nguồn cung dồi dào cho loại hàng "refurbished" khá phổ biến tại Việt Nam. Trên website của mình, Apple cũng khẳng định "sẽ tìm chủ mới cho những chiếc máy trong tình trạng còn tốt", còn với những sản phẩm gặp hỏng hóc không thể khắc phục, họ sẽ chuyển cho đơn vị tái chế.

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều thị trường phương Tây cũng ưa chuộng hình thức "nhập lại máy cũ và lên đời máy mới". Cách này vừa giúp giảm lượng rác thải điện tử ngoài môi trường, lại giúp chủ nhân có thể bỏ ra ít tiền hơn khi mua điện thoại.

Theo Business Insider, những chiếc điện thoại cũ tại đây sẽ được các công ty nhập lại và chia thành bốn loại: Tuyệt vời, Tốt, Khá và Kém. Máy được dán nhãn "Tuyệt vời" và "Tốt" sẽ được bán lại trên một số nền tảng như Amazon, Ebay hoặc chính cửa hàng của hãng; máy "Khá" được chuyển đến những thị trường có yêu cầu thấp hơn, như châu Á hoặc châu Phi. Còn máy "Kém" sẽ được nghiền nát và tái chế.

Những mẫu máy ở tình trạng kém hoặc quá lâu đời sẽ được mang đi nghiền nát, nung chảy để lấy linh kiện. Ảnh: Musttech

"Các công ty làm dịch vụ bảo hiểm cho điện thoại cũng là một khách hàng lớn của thị trường điện thoại cũ", theo nhận định của trang HylaMobile. Khi khách hàng gặp vấn đề với smartphone, họ sẽ gửi cho công ty bảo hiểm. Khi đó, công ty bảo hiểm cần có sẵn thiết bị để người dùng "xài tạm" trong lúc đợi máy chính được khắc phục xong. Điện thoại cũ sẽ giúp các đơn vị này tiết kiệm được đáng kể chi phí. Sự nở rộ của các công ty bảo hiểm về điện thoại kéo theo nhu cầu về điện thoại cũ tăng lên.

Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, điện thoại đã qua sử dụng là mặt hàng có sức phát triển mạnh trong những thời gian qua. Năm 2018, thị trường smartphone cũ trên toàn cầu đạt doanh số 140 triệu đơn vị, tăng trưởng 13% so với năm 2017.

Trong khi đó, tăng trưởng ở thị trường smartphone mới chỉ đạt 3%. Samsung và Apple là hai thương hiệu được ưa chuộng nhất trên thị trường máy cũ tân trang. Theo số liệu thống kê, các sản phẩm của hai hãng này chiếm tới 3/4 về doanh số và 80% lợi nhuận về máy cũ trên toàn cầu.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục