Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
9 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xuống giống được 11.596 ha đậu phộng, giảm 2.766 ha so với cùng kỳ năm 2010.

Đậu phộng là một trong những cây thế mạnh của Tây Ninh. Diện tích đất đậu phộng tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều nông dân không còn trồng đậu phộng, mà chuyển đổi cây trồng khác nên diện tích cây đậu phộng ngày càng giảm.
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xuống giống được 11.596 ha đậu phộng, giảm 2.766 ha so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó huyện Trảng Bàng gieo trồng được 6.510 ha, đạt 75,43% kế hoạch năm. Huyện Gò Dầu chỉ xuống giống được 708 ha, đạt hơn 67% kế hoạch năm… Năng suất bình quân cây đậu phộng của tỉnh vụ đông xuân năm 2010-2011 đạt 2,5 tấn/ha, còn vụ hè thu 2011 chỉ có 2,4 tấn/ha. Vì sao ngày càng có nhiều nông dân Tây Ninh lại chuyển đổi cây đậu phộng sang cây trồng khác?
![]() |
Trồng đậu phộng phải tốn nhiều công nhổ, công lặt, trong khi lao động ở nông thôn ngày càng khan hiếm, nên đến mùa thu hoạch người sản xuất đậu phộng rất khó thuê được công lao động |
Một nông dân ở xã Lộc Hưng (Trảng Bàng) cho biết, trước hết là việc canh tác cây đậu phộng chưa được cơ giới hoá trong khâu xuống giống, mà nhất là khâu thu hoạch. Lúc xuống giống đậu phộng đã tốn nhiều công lao động. Đến khi thu hoạch lại phải cần nhiều công nhổ, công lặt đậu. Trong khi đó lao động ở nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm, vì đa số đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp. Do đó, nông dân trồng đậu phộng rất vất vả để tìm công thu hoạch. Cũng do công lao động hiếm nên giá thuê công lao động ngày càng tăng cao, làm cho vốn đầu tư vào cây đậu phộng tăng cao. Một phần nữa, không rõ do giống bị thoái hoá, do thời tiết, hay do đất trồng mà cây đậu phộng ở Lộc Hưng bị chết cây trong quá trình sinh trưởng rất nhiều làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Còn một nguyên nhân nữa là những năm gần đây, đầu ra của cây đậu phộng gặp nhiều khó khăn. Trong khi cây bắp, cây mía, cây thuốc lá vàng có nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm, cây ớt cũng có rất nhiều trạm thu mua thì cây đậu phộng chẳng được nhà đầu tư nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Nông dân tự trồng, tự tìm lái bán đậu nên khó tránh khỏi tình trạng bị “ép giá”.
Để cho đậu phộng, một loại cây trồng đã từng được xem là đặc sản của Tây Ninh tiếp tục được duy trì và phát triển, cần phải có sự can thiệp của các lãnh đạo, các ngành chức năng trong việc quy hoạch vùng sản xuất, cải tiến về giống, kỹ thuật canh tác để giảm công lao động, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và nhất là tìm thị trường đầu ra ổn định cho loại nông sản này.
D.H