BAOTAYNINH.VN trên Google News

Diện tích cây mía ở xã Phan đang giảm mạnh

Cập nhật ngày: 07/03/2012 - 11:08

(BTNO)- Xã Phan được huyện Dương Minh Châu quy hoạch là vùng mía cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đường trong tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 2011, diện tích mía ở đây là 700ha.

Nông dân tưới mì trên đất mía mới phá

Vụ Đông Xuân 2011 - 2012 xã có kế hoạch trồng mới gần 100ha, nhưng đến nay toàn xã chỉ xuống giống được 8ha. Theo số liệu thống kê mới nhất thì đến hết tháng 2, số trồng mới cộng với số mía gốc thì xã Phan có 348ha, tính thêm và một số diện tích mía còn đang bị phơi ngoài đồng do chưa được thu hoạch thì tổng diện tích mía cũng chỉ chưa đầy 500ha, (trong đó riêng HTX Tân Long còn giữ được 127ha). Ở cả 4 ấp trong xã đều có rất nhiều diện tích mía bị phá bỏ. Theo ước tính thì hiện diện tích mía gốc bị phá là gần 30%. Bên cạnh những hộ đã hết hạn hợp đồng trồng mía với các nhà máy, thì cũng có không ít hộ chấp nhận bồi thường cho nhà máy để phá mía, thay thế bằng các loại cây trồng khác cho đỡ vất vả.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cây mía ở đây ngày càng giảm là do khi mía chín, người trồng mía muốn thu hoạch thì nhà máy không cho, để mía khô, sản lượng, chữ đường đều giảm. Thu hoạch đã trễ, lại nhỏ giọt theo kiểu mỗi ngày chỉ được một xe, cộng thêm việc kêu công thu hoạch mía cũng không phải chuyện dễ nên hầu hết nông dân đều thấy ngán ngẩm vì loại cây trồng này.

Một nông dân có trên 3ha mía ở khu vực này cho biết, đám mía gốc vừa chặt xong của ông hiện giờ lọt thỏm trong bạt ngàn màu xanh của cây mì. Ông dự tính, sau thu hoạch, dù có chút lời nhưng ông đã nghĩ đến việc thay thế cây mía bằng cây mì.

Hiện nay, hầu hết diện tích mía ở xã Phan, sau khi bị phá thì ở những vùng đất gò đã được thay thế bằng cây cao su và trồng xen mì, còn ở vùng đất ruộng thì 100% đều là cây mì. Người dân tính mỗi năm đất ruộng làm một vụ lúa, một vụ mì vẫn có lời hơn so với trồng mía và nhất là bớt được… nỗi lo.

Giang Sơn