Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Diện tích cây mía ở xã Suối Đá: Ngày càng “teo tóp”
Thứ hai: 09:22 ngày 09/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Suối Đá là một trong những xã được huyện Dương Minh Châu quy hoạch vùng mía cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đường.

Suối Đá là một trong những xã được huyện Dương Minh Châu quy hoạch vùng mía cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đường. Có lúc diện tích mía đứng đạt trên dưới 2.000 ha. Tuy nhiên đến hết năm 2010, diện tích mía ở đây chỉ là 782 ha.

90% mía ở địa phương này được thu hoạch là do “bị cháy” (ảnh minh hoạ)

Vụ đông xuân 2010-2011 xã có kế hoạch trồng mới 200 ha, nhưng đến cuối tháng 4.2011 toàn xã chỉ xuống giống được 26 ha, mới đạt 13%. Có nghĩa là kế hoạch trồng mới 200 ha cây mía ở xã này đã bị “phá sản”, vì đến thời điểm này không còn ai xuống giống mía nữa. Đáng lo ngại là hiện nay ở những vùng đất gò còn có nhiều hộ dân phá bỏ mía để chuyển sang trồng mì và trồng cao su. Theo ước tính thì hiện diện tích mía gốc bị phá là trên 20% (khoảng 170 ha). Bên cạnh những hộ đã hết hạn hợp đồng trồng mía với các nhà máy, thì cũng có không ít hộ chấp nhận bồi thường cho nhà máy để phá mía, thay thế bằng các loại cây trồng khác cho đỡ vất vả và lo lắng như cây mía trong thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn đến việc diện tích cây mía ở Suối Đá ngày càng “teo tóp” lại là do niên vụ vừa qua, tuy năng suất mía cao khi người dân mạnh dạn đầu tư thêm phân bón, giá mía ổn định, nhưng khi mía chín, người trồng mía muốn thu hoạch thì nhà máy không cho, để mía khô, sản lượng, chữ đường đều giảm. Ông H.N.D có trên 5 ha mía (trong đó có 3 ha đi mướn) đến kỳ thu hoạch từ tháng 11 âm lịch, đi xin lệnh chặt nhiều lần nhưng chỉ nhận được những lời hứa và… chờ cho mãi đến giữa tháng 3 âm lịch mới thu hoạch, khi mía đã 15 tháng tuổi. Cây mía ở ruộng của ông đã khô đến mức gốc bắt đầu chết hàng loạt. Tưởng trồng mía ngon ăn ai dè bị lỗ, ông đang tính chuyển đổi loại cây trồng. Còn ông Năm Trọn, nhà ở ấp Phước Hoà trồng 3,8 ha mía nhưng nay đã phá hết 1,8 ha mía vụ nhì, vụ ba để trồng mì. Hỏi thì ông cho biết: “trồng mía cực lắm, thu hoạch đã trễ, mà việc kêu công chặt mía cũng lắm nhiêu khê, đầu vụ chỉ 100 ngàn đồng/tấn, đến giữa vụ lên 140 đến 150 ngàn đồng, đến cuối vụ lên tiếp đến 180-200 ngàn đồng/tấn, nhưng cũng rất khó kêu công, rồi tiền tăng bo, tiền lo lót để có lệnh chặt, thấy mà ngán”. Ông Năm cho biết thêm, có một cán bộ khuyến nông của huyện, chi phí sau thu hoạch tính ra đã lên đến 300 ngàn đồng/tấn. Rồi lại chuyện có đến 90% mía ở địa phương này được thu hoạch là do “bị cháy”, đúng hơn là phải đốt mía nếu muốn có lệnh chặt, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Phần thiệt cuối cùng vẫn thuộc về người trồng.

Được biết, có một nhà máy đường trong tỉnh đến Suối Đá đầu tư làm kênh tiêu, làm đường giao thông để tạo vùng nguyên liệu mía ở ấp Phước Lợi I trị giá hàng trăm triệu đồng, nhưng sau 2 năm ở ấp này chỉ có toàn cây mì và cây cao su!

Diện tích cây mía ở Suối Đá ngày càng trở nên nhỏ bé trong bạt ngàn màu xanh của nhiều loại cây dễ trồng, có lợi nhuận cao, ít rủi ro. Âu cũng là cách chọn lựa của nhà nông để đỡ bị thiệt thòi trong cơn bão giá hiện nay. Làm gì để cho cây mía có chỗ đứng vững chắc ở đây quả là một bài toán khó, không chỉ với nhà quản lý mà còn của các doanh nghiệp. Diện tích cây mía ở Suối Đá nếu muốn không ngày càng teo tóp thì nó phải thật sự “ngọt” trong niềm tin của người nông dân.

Giang Sơn

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục