BAOTAYNINH.VN trên Google News

Diễn viên đóng thế có được bảo hiểm đặc thù? 

Cập nhật ngày: 25/10/2023 - 09:59

Cùng với sự phát triển của phim Việt, nghề cascadeur (diễn viên đóng thế) đã trở nên quen thuộc và thậm chí không thể không có trong nhiều đoàn phim từ điện ảnh đến truyền hình, các video ca nhạc (MV), các video clip quảng cáo (TVC)...

Không chỉ những phim thuộc thể loại hành động mà cả trong các phim tâm lý, gia đình nhưng khi có kịch tính, cao trào với những cảnh nguy hiểm thì sẽ phải nhờ đến lực lượng diễn viên đóng thế.

Không đặc thù, chỉ mua bảo hiểm chung ê-kíp

Những phân đoạn nguy hiểm trong video clip Quốc Cơ - Quốc Nghiệp "chồng đầu" trên xe máy để quảng bá cho một dòng xe mới, vừa trở thành tâm điểm tranh luận của công chúng. Khi hình ảnh hậu trường được tung ra, cả 2 nghệ sĩ xiếc này có sự hỗ trợ từ các thiết bị chuyên dụng như cần cẩu nâng người, dây bảo hộ đi kèm. Các thành viên trong ê-kíp cũng vây quanh để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.

Hậu trường video clip Quốc Cơ - Quốc Nghiệp “chồng đầu” trên xe máy có cần cẩu và dây cáp bảo hộ. (Ảnh cắt từ màn hình)

Sau khi xem video clip quảng cáo của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, công chúng đặc biệt quan tâm đến việc các diễn viên, cascadeur trên trường quay phim khi thực hiện cảnh nguy hiểm có được bảo hiểm không. Khi xảy ra sự cố, họ sẽ được bồi thường thế nào và làm sao để hạn chế thấp nhất tình huống có thể dẫn đến chấn thương để bảo vệ bản thân.

Người trong giới cascadeur cho biết đa phần các đoàn phim điện ảnh, phim truyền hình lớn hiện nay đều mua bảo hiểm chung cho đoàn phim. Thuộc dạng bảo hiểm nhân sự đoàn phim, cascadeur nhận bảo hiểm như một diễn viên bình thường trong đoàn chứ không phải bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp mà một diễn viên đóng thế đúng với những việc nguy hiểm họ sẽ thực hiện.

Một số đoàn phim truyền hình nhỏ, lẻ, kinh phí không nhiều thì có thể tiết kiệm và né tránh không mua bảo hiểm nhưng những đoàn phim được đầu tư, nhất là đoàn phim có yếu tố nước ngoài thì bảo hiểm được chú trọng. Bởi nhà sản xuất hiểu rõ, công việc quay phim đôi khi có những tình huống hiểm nguy khó lường trước, nhất là quay ở bối cảnh núi cao, rừng sâu, sông rạch cùng những địa hình hiểm trở khác. Có bảo hiểm, khi gặp phải tình huống bất trắc, các thành viên trong ê-kíp cũng sẽ được hỗ trợ một số tiền đỡ phần nào chi phí chữa trị.

Theo những người trong cuộc tùy từng hợp đồng bảo hiểm của từng đoàn phim khác nhau ở các thời điểm khác nhau mà mức độ đền bù cũng sẽ khác nhau. "Giả dụ, nếu đoàn phim mua bảo hiểm mức độ 50.000 đồng thì sẽ nhận mức đền bù cao nhất có thể là 20 triệu đồng và nếu là 500.000 đồng thì mức đền cao nhất có thể là 200 triệu đồng. Thông thường, các đoàn phim chỉ mua bảo hiểm mức trung bình" - ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh, cho biết.

Theo NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền các nhà sản xuất phim thường mua bảo hiểm theo gói, hợp đồng có thời hạn 3 tháng hoặc 6 tháng vừa đủ dự trù thời gian quay phim. Khi phim kết thúc thì hợp đồng bảo hiểm cũng chấm dứt.

Nguồn NLDO