BAOTAYNINH.VN trên Google News

Diệt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông: Người dân tự ý sử dụng hoá chất độc hại

Cập nhật ngày: 26/02/2011 - 11:09

Vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông gây bức xúc cho người dân sinh sống di chuyển qua lại và canh tác hai bờ sông đã nhiều năm nay. Chính quyền từ xã lên đến tỉnh cũng trăn trở, đau đầu. Nhiều phương án xử lý vấn nạn này được đề xuất, thử nghiệm thực tế, kể cả những sáng kiến đề xuất của người dân cũng được áp dụng thử đã hé mở những cách làm có thể đem lại kết quả bước đầu, nhưng tính khả thi mới chỉ dừng lại ở bước thử nghiệm, chứ chưa thể áp dụng rộng rãi. Có ý kiến còn cho rằng: Lục bình cũng là một tài nguyên thiên nhiên, cần có kế hoạch khai thác, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế tỉnh nhà. Nhưng thực tế lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đã, đang và sẽ còn là thử thách nghiệt ngã đối với người dân sinh sống, canh tác hai bên bờ sông, và cũng là thứ “không thể sống chung” đối với những ngư dân sống bằng nghề hạ bạc trên sông. Thế là có người đã tự ý sử dụng hoá chất để diệt thứ “giặc cỏ” này.

Những cụm lục bình “trúng thuốc” diệt cỏ trôi qua lại khu vực lồng bè nuôi cá hồng vện của ông Lềnh

Liên tục từ ngày 20.2 đến sáng 25.2.2011, phóng viên nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại của người quen, báo tin “trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn gần cầu Bến Sỏi có hiện tượng cá, tép dưới sông và cá nuôi trong lồng bè của người dân có hiện tượng “ngộp thở” nhoi đầu lên khỏi mặt nước”. Có người còn báo rõ nguyên nhân hiện tượng trên là do một số người dân dùng bình xịt rầy xịt hoá chất để diệt lục bình trên sông.

Sáng ngày 25.2.2011, chúng tôi có mặt tại bè nuôi cá “hồng vện” (một loài cá quý hiếm) của ông Nguyễn Văn Lềnh, cách cầu Bến Sỏi khoảng 400 mét về phía hạ lưu. Ông Lềnh rầu rĩ cho biết: “nước sông này từ lâu đã bị ô nhiễm nặng do chất thải của các cơ sở chế biến khoai mì, thuốc trừ sâu, phân bón từ ruộng rẫy hai bên bờ sông; nay lại thêm hoá chất người dân xịt xuống sông để diệt lục bình. Bầy cá “hồng” của tôi sắp đến kỳ thu hoạch xuất bán, nay bị bệnh “mất màu” và nhiều đốm lở loét, bán không được”. Nhiều người dân có mặt tại khu vực bè nuôi cá “hồng vện” của ông Lềnh còn cho biết: Vào ngày 20.2.2011, một số người dân ở hai phía thượng lưu, và hạ lưu cầu Bến Sỏi đã dùng bình xịt, ngồi trên ghe, xịt hoá chất vào những giề lục bình đang trôi trên sông. Có người “xác định” hoá chất “được” xịt là loại hoá chất diệt cỏ, có tên 2,4D(OKE). Trên mặt sông nhiều cụm lục bình bị “trúng thuốc” diệt cỏ trở màu vàng, xoăn lá, rời rã, khác hẳn những cụm lục bình khác. Nhiều người cùng chung ý kiến: Loại thuốc diệt cỏ 2,4D(OKE) rất mạnh, nhưng chỉ diệt được lục bình sống ở nơi nước đứng (không chảy), còn ở sông nước chảy thì chỉ làm giảm khả năng “phát triển” của lục bình trong một thời gian nhất định, rồi sau đó chúng lại phát triển lại bình thường, và có phần còn tốt hơn những cụm lục bình không “trúng thuốc”.

Thiết nghĩ, việc diệt cỏ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ của mọi người, nhất là người dân sinh sống, canh tác hai bên bờ sông. Nhưng việc người dân tự ý dùng hoá chất để diệt lục bình trên sông, khi chưa được sự thẩm định của cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền là vi phạm pháp luật, đồng thời lại vừa tốn của, tốn công vô ích.

KHẮC LUÂN