Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Điều chỉnh giá 1.900 dịch vụ y tế
Thứ bảy: 11:53 ngày 22/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cùng với điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ ngày 1-7, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành hướng dẫn việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công

Khoảng 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2019. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế sẽ được tính chi phí quản lý. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Viện phí "ăn theo" lương

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2019, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới: 1.490.000 đồng (từ ngày 1-7). Như vậy, giá tối đa dịch vụ khám bệnh dao động từ 26.000 đồng đến dưới 40.000 đồng. Giá dịch vụ hội chẩn để xác định ca bệnh khó có mức tối đa là 200.000 đồng. Hiện tại, giá dịch vụ y tế đang tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng và sẽ tính thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ (hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương).

Description: Điều chỉnh giá 1.900 dịch vụ y tế - Ảnh 1.

Tăng viện phí phải song hành với tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Liên, việc điều chỉnh giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và điều kiện kinh tế - xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Điều hành giá để xem xét, lùi thời gian thực hiện giá dịch vụ y tế tính đủ các yếu tố sẽ được thực hiện vào năm 2021 thay vì 2020.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng so với giá hiện hành thì giá dịch vụ y tế dự kiến được điều chỉnh trong năm 2019 hầu như không có sự thay đổi nhiều. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha - mẹ - vợ - chồng - con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nên với các đối tượng này không bị ảnh hưởng bởi việc tăng viện phí.

Áp trần giá dịch vụ

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết dự kiến trong tháng 7, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Đây là lần đầu tiên có quy định này, theo hướng Bộ Y tế sẽ ban hành giá trần và các bệnh viện sẽ không được áp giá vượt trần nếu cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu có sử dụng một phần cơ sở vật chất từ ngân sách đầu tư. Hoặc bệnh viện được quyền tự quy định giá nếu tự vay vốn đầu tư và chỉ sử dụng đất trong khuôn viên bệnh viện.

Như vậy, các bệnh viện sẽ được quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh. Với các cơ sở y tế sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu thì mức giá không được vượt mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Còn các đơn vị tự chủ hoàn toàn (cơ sở tự xây, máy móc tự mua, nhân viên tự trả lương) có thể tự xây dựng mức giá, tuy nhiên phải thực hiện kê khai giá công khai cho người bệnh lựa chọn.

Bộ Y tế đánh giá việc triển khai mô hình dịch vụ theo yêu cầu sẽ khuyến khích cơ sở y tế đầu tư các khu khám bệnh theo yêu cầu, xây dựng, cải tạo nâng cấp một số buồng bệnh có điều kiện dịch vụ tốt hơn (phòng có 1-2 giường, có trang bị tivi, tủ lạnh, nhiều nơi cung cấp cả suất ăn tại giường) đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả. Đối với người bệnh, mô hình này cũng giúp người dân, kể cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được BHYT thanh toán.

Nói về những lo lắng tự chủ tài chính hoàn toàn sẽ khiến giá dịch vụ y tế bị đẩy lên cao, cơ sở y tế lạm dụng xét nghiệm để tận thu, ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khẳng định với các bệnh viện công, việc lạm dụng là khó vì viện phí của người tham gia BHYT không tăng. Chỉ có những người khám chữa bệnh theo yêu cầu mới chịu viện phí theo yêu cầu nhưng họ sẽ nhận được dịch vụ "đáng đồng tiền". 

Một phòng không quá 4 giường

Dự thảo thông tư yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung ứng dịch vụ theo yêu cầu phải bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng về dịch vụ khám bệnh (diện tích, trang thiết bị và bảo đảm mỗi bác sĩ chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ). Một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 4 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/giường bệnh theo quy định.
Người bệnh mấy ai biết?

Sau việc giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương ở các bệnh viện công, tới đây, căn cứ vào CPI và điều kiện kinh tế - xã hội nếu không có gì là quá khó khăn thì 1.900 dịch vụ y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7.

Nói điều chỉnh thực ra là tăng giá chứ không có chuyện giảm. Mà đã tăng giá, nhất là ở vào thời điểm vô vàn thứ vừa thi nhau tăng thì khó tránh khỏi những phản ứng.

Có lẽ vì thế, dù việc phải điều chỉnh giá là theo lộ trình nhưng chính Bộ Y tế vẫn tỏ ra hết sức thận trọng, thậm chí còn tính đến phương án nếu thấy chưa thuận lợi thực sự thì sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Điều hành giá để xem xét, có thể lùi thời gian thực hiện giá dịch vụ y tế tính đủ các yếu tố vào năm 2021 thay vì 2020.

Nhưng thực ra, việc điều chỉnh giá 1.900 dịch vụ y tế này là không có gì đáng bàn cãi. Bởi giá dịch vụ y tế đang áp dụng là tính theo mức lương cơ sở lúc còn 1.390.000 đồng, trong khi từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở đã là 1.490.000 đồng. Nhưng mức lương cơ sở tăng không đáng kể nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng sẽ tăng không nhiều. Người nghèo và các đối tượng chính sách đã được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nên cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng viện phí.

Nhưng tăng ít hay tăng nhiều thì cũng là tăng. Và điều lâu nay dân chúng vẫn đòi hỏi là tăng giá thì dịch vụ phải thay đổi thế nào về chất lượng. Giá dịch vụ y tế đã "gánh" chi phí trực tiếp và tiền lương, nếu "gánh" thêm chi phí quản lý nữa thì có thay đổi được gì về quản lý? Chứ quản lý mà để côn đồ xông vào tận nơi cấp cứu hành hung cán bộ, nhân viên y tế như ngoài đường ngoài chợ thì quả là đáng lo. Chưa kể những tai biến y khoa rất dễ tranh cãi, tỉ như chuyện gãy đốt sống ngực nhưng xuyên đinh chân nhầm người bệnh… ở một bệnh viện hàng đầu của ngành y tế thì thực sự rất khó ăn khó nói.

Thực ra, người bệnh đến cơ sở y tế công lập thì lo cho tính mạng là chính, mấy ai ngồi tính toán giá cả dịch vụ sẽ như thế nào, phần vì tin vào giá cả do nhà nước quy định, phần thì thực sự không mấy người biết để điều trị bệnh cho mình thì ngành y tế sẽ sử dụng qua những loại dịch vụ gì. Đến gặp bác sĩ, bảo khám thì khám, bảo chụp phim thì chụp, bảo nằm là nằm mà ngồi là ngồi, ai dám cãi lời. Bởi thế, mới có chuyện lạm dụng dịch vụ y tế mà bệnh nhân không thể nào biết nếu không có việc chính người trong ngành tố cáo hoặc cơ quan chức năng không phát hiện qua kiểm tra.

Giá dịch vụ y tế tư nhân ở nước ta hiện không hề rẻ, tại sao rất nhiều người chưa hẳn đã giàu nhưng vẫn chọn bệnh viện tư hơn là bệnh viện công trong bối cảnh nhiều bệnh viện công đã ở tầm khu vực, thậm chí là tầm châu lục? Phải chăng là ngoài thiết bị, phương tiện, chất lượng điều trị thì người bệnh còn cần nhiều thứ khác nữa. Tỉ như thái độ phục vụ chẳng hạn?

Nguồn Người lao động

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục