Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 11.2022:
Điều chỉnh quy hoạch tỉnh cần sát với thực tế hơn
Thứ sáu: 06:03 ngày 02/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 30.11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng và Trần Văn Chiến chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11.2022.

Thu hoạch và đóng gói chuối chất lượng cao.

Tham dự có bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.

Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Đề án vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Tân Châu; Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua tờ trình đề nghị phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường đất thực hiện công trình: Trạm biến áp 220kV và đường dây 220kV Tây Ninh - Tân Biên; một số nội dung do Văn phòng UBND tỉnh trình.

Quy hoạch phát triển của tỉnh cần sát với thực tế, có sự tham khảo quy hoạch chung của vùng và các tỉnh lân cận

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của việc thực hiện đề án quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước.

Nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá, số hoá và kinh tế tuần hoàn.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt khoảng 21%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 14%/năm (giai đoạn 2021-2030). Ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản tăng trưởng đạt bình quân 1,7%/năm (giai đoạn 2021-2025) và đạt 2,1%/năm (giai đoạn 2025-2030). Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất trồng trọt năm 2025 đạt 115 triệu đồng và đạt 150 triệu đồng vào năm 2030. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp hướng đến 32,7%.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 gấp 1,5 lần so với năm 2020- đạt 7.500 triệu USD. Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 10.000 triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt khoảng 10%. Thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, tiếp tục phát triển thị trường mới: Nhật Bản, ASEAN và Trung Đông. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7% trở lên.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học.

Giai đoạn 2021-2025: Doanh thu ngành du lịch đạt 9.000 tỷ đồng, đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên, đạt 35.000 tỷ đồng, tổng lượng khách tham quan du lịch đạt 37 triệu lượt trong đó khách quốc tế đạt khoảng 34.000 lượt.

Hoàn tất việc phân cấp, phân loại đô thị của giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội bảo đảm nhu cầu khu vực đô thị và khu công nghiệp và tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quy định hiện hành có liên quan.

Xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, chuyển dần từ canh tác nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hoàn thành các tuyến trục dọc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát. Từng bước hoàn chỉnh các trục kết nối Đông Tây như: đường Hồ Chí Minh, ĐT.787B, ĐT.789B, ĐT.781, ĐT.781B... và các tuyến trục xuyên tỉnh, các trục ngang kết nối giữa trung tâm các huyện phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội khu vực hành lang dọc tuyến và vùng phụ cận các tuyến cao tốc khi được đầu tư xây dựng. Phủ sóng thông tin di động 4G, 5G đến 100% khu vực có dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh, tối ưu đường thư và phương tiện vận chuyển.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo báo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch, bám sát vào định hướng phát triển của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, theo hướng sát với thực tế, có sự tham khảo quy hoạch chung của vùng và các tỉnh lân cận. Đến đầu tháng 12.2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải trình lãnh đạo tỉnh xem xét trước khi trình hội đồng thẩm định quốc gia.

Chú trọng quy hoạch hệ thống thuỷ lợi cho vùng nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh đã xác định các khu vực thuộc vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) huyện Tân Châu có nhiệm vụ chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hoá chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, gồm: nhóm cây ăn quả (xoài, chuối, mít, nhãn…) kết hợp sản xuất rau, hoa, nấm chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời gắn với đầu tư xây dựng trung tâm chế biến, bảo quản tạo ra hàng hoá có chất lượng, sức cạnh tranh cao, ngoài ra còn là nơi chuyển giao UDCNC trong nông nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp tốt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp UDCNC thành công sẽ lan toả rộng và tạo động lực lôi kéo đối với sản xuất nông nghiệp ở khu vực lân cận và phạm vi toàn tỉnh.

Xây dựng vùng nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu được xem là mô hình điểm, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trung tâm chế biến hoàn chỉnh đủ điều kiện UDCNC trong sản xuất, chế biến nông sản. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vùng Đề án đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp UDCNC theo chuỗi giá trị để lan toả phát triển ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Mô hình thu hoạch và đóng gói chuối chất lượng cao.

Theo đề án, đến năm 2025, hình thành và hoạt động ổn định vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC huyện Tân Châu với các khu chức năng chính và quy mô diện tích sản xuất có các khu chức năng sản xuất trồng trọt gồm nhóm sản xuất cây ăn quả lâu năm và cây công nghiệp với diện tích 700-750 ha. Trong đó ưu tiên lựa chọn một số cây trồng chính thích hợp với vùng đất xám trên phù sa cổ như: xoài, chuối, mít, nhãn, điều. Nhóm cây hằng năm chiếm 10%-15% tổng diện tích canh tác nông nghiệp, ưu tiên sản xuất rau, hoa, nấm UDCNC với diện tích 100-120 ha.

Khu chức năng sản xuất chăn nuôi diện tích 300-350 ha; khu chức năng chế biến nông sản gồm rau, quả UDCNC diện tích 30 ha; khu chức năng phát triển dự án du lịch sinh thái và nông nghiệp UDCNC diện tích 77,39 ha; khu chức năng phát triển mô hình khu dân cư nhà vườn diện tích 100 ha…

Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp UDCNC, như hệ thống giao thông, điện, thuỷ lợi và mạng viễn thông cho ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Về nội dung Đề án vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Tân Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu Sở NN&PTNT và đơn vị tư vấn phân định rõ các nội dung quy hoạch, bám sát vào các chỉ tiêu của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó đánh giá cụ thể các yếu tố tự nhiên phù hợp để đưa ra danh mục cây trồng, vật nuôi phù hợp. Việc quy hoạch cần xác định rõ hạ tầng cơ sở nhà nước cần đầu tư, hạ tầng chi tiết do nhà đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị đơn vị soạn thảo và tư vấn chú trọng vấn đề quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, chống ngập cho dự án, Đồng thời có sự phân định rõ từng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt để hạn chế dịch bệnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục