BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía 2010-2015: Phải có đầu mối quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch

Cập nhật ngày: 17/10/2010 - 10:06

Cây mía là một trong những cây thế mạnh ở Tây Ninh. Năm 2004 UBND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía đến năm 2010 để định hướng đầu tư phát triển cây mía ở quy mô lớn. Năm 2010, Tây Ninh tiếp tục điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2010-2015 cho phù hợp thực tế. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay để đảm bảo việc triển khai đúng quy hoạch là điều không đơn giản.

5 năm qua, vùng nguyên liệu mía phát triển không như quy hoạch

Cơ giới hoá trong thu hoạch mía.

Theo Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 14.10.2004 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc Quy hoạch vùng nguyên liệu mía đến năm 2010 thì diện tích vùng nguyên liệu mía được quy hoạch là 41.546 ha với năng suất bình quân dự kiến là 70 tấn/ha. Song song đó là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển giống mới, đầu tư vốn và hỗ trợ lãi suất cho nông dân trồng mía… Sau khi có quy hoạch, tỉnh đã tăng cường vốn đầu tư phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Ngoài hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống thuỷ lợi cho vùng nguyên liệu mía các huyện Tân Châu, Tân Biên và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc vận chuyển mía. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến mía đường hằng năm cũng có đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng nguyên liệu, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân trồng và chăm sóc mía. Thế nhưng, thực tế việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía không được như dự kiến- cả về diện tích lẫn năng suất. Năm 2006 diện tích vùng nguyên liệu mía lên đến gần 38.000 ha- đạt 91% diện tích quy hoạch, nhưng đến năm 2008 chỉ còn có hơn 18.800 ha- chưa bằng 45% diện tích quy hoạch. Năm 2010, qua nhiều nỗ lực khôi phục, nhưng diện tích mía cũng chỉ được khoảng 25.000 ha. Còn về năng suất, theo quy hoạch thì dự kiến đến năm 2010 năng suất mía bình quân ở Tây Ninh sẽ đạt 70 tấn/ha, nhưng theo Cục Thống kê thì đến nay chỉ đạt 62,5 tấn/ha. Còn theo các nhà máy thì… năng suất mía còn thấp hơn nhiều.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2005-2010 không đạt là do thu nhập từ cây mía không bằng nhiều loại cây trồng khác. Đồng thời ngành sản xuất mía còn gặp nhiều rủi ro, tình trạng mía cháy chưa ngăn chặn được, sâu bệnh có lúc diễn biến phức tạp, hạ tầng vùng nguyên liệu tuy có đầu tư nhưng chưa đủ… Về phía các nhà máy thì cho rằng có thêm nguyên nhân quan trọng nữa là việc thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, trong vùng nguyên liệu mía còn đan xen nhiều loại cây trồng khác nên khó áp dụng thâm canh, tưới tiêu cho cây mía đúng mức. Từ đó, năng suất mía thấp, thu nhập từ cây mía không bằng các cây khác. Hơn nữa, dù quy hoạch có phân định vùng nguyên liệu cho từng nhà máy, nhưng thực tế trong cùng một vùng nguyên liệu lại có nhiều nhà máy cùng đầu tư, cho nên chẳng nhà máy nào muốn bỏ vốn xây dựng hạ tầng. Hậu quả là người trồng mía phải tốn nhiều chi phí “tăng bo” do giao thông nội đồng chưa có.

Điều chỉnh quy hoạch - phải có bộ phận quản lý việc thực hiện

Nông dân chăm sóc mía

Để quy hoạch vùng nguyên liệu mía thực hiện khả thi hơn, ngành NN &PTNT đã rà soát tổng thể, thống nhất với các địa phương và các nhà máy chế biến mía đường điều chỉnh lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2010-2015. Theo đó, diện tích vùng nguyên liệu mía được quy hoạch là 36.343 ha, tập trung ở 49 xã của 5 huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Đáng chú ý trong quy hoạch điều chỉnh có phân chia cụ thể vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh. Cụ thể, vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) được quy hoạch hơn 21.800 ha trên 38 xã thuộc cả 5 huyện. Nhà máy đường Biên Hoà -Tây Ninh có diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu hơn 11.300 ha trên 10 xã thuộc hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu. Công ty CP Mía đường Nước Trong có diện tích vùng nguyên liệu hơn 3.200 ha thuộc 3 xã của huyện Tân Châu. Và trên địa bàn mỗi xã chỉ quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho một nhà máy. Về năng suất, quy hoạch dự kiến đến năm 2015 năng suất mía bình quân sẽ là 70 tấn/ha với sản lượng khoảng hơn 2,4 triệu tấn mía mỗi vụ. Với sản lượng này, các nhà máy có đủ mía nguyên liệu chạy trong 5 tháng mỗi năm.

Tuy nhiên, để thực hiện đúng Điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2010-2015, các nhà máy đường kiến nghị phải thành lập bộ phận chuyên quản lý và theo dõi quá trình thực hiện, đảm bảo triển khai đúng theo quy hoạch, đồng thời có giải pháp bảo vệ quy hoạch ổn định và bền vững. Bộ phận quản lý có trách nhiệm theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, xây dựng chính sách riêng cho nông dân trong vùng quy hoạch, đồng thời hỗ trợ nhà máy đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Khi có sự quản lý chặt chẽ, các sai sót, bất cập được điều chỉnh kịp thời mới đảm bảo việc phát triển vùng nguyên liệu mía thực hiện đúng theo quy hoạch. Rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện quy hoạch giai đoạn 2005-2010, để tránh việc đầu tư đan xen của nhiều nhà máy trên cùng một vùng nguyên liệu, khi thực hiện quy hoạch giai đoạn 2010-2015, các nhà máy cần phải có sơ đồ quy hoạch được vẽ và cắm tại các khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu của đơn vị mình một cách công khai, minh bạch cho nông dân trong vùng biết, đồng thời các nhà máy phải có sự thoả thuận không đầu tư xâm canh trong vùng nguyên liệu của nhau.

SƠN TRẦN