Bộ Tài chính khẳng định: Việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực, đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, không tạo ra sự biến động đột biến về giá xăng, dầu.
Bộ Tài chính khẳng định: Việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua đã phát huy tác dụng thiết thực, đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, không tạo ra sự biến động đột biến về giá xăng, dầu.
Điều hành giá xăng, dầu luôn phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người dân |
Điều hành giá theo giá xăng, dầu thành phẩm
Theo Bộ Tài chính, mặt hàng xăng được thực hiện theo cơ chế giá thị trường từ năm 2007; các mặt hàng dầu thực hiện từ tháng 9.2008. Việc điều hành giá xăng, dầu hiện nay căn cứ vào Nghị định số 55/2007/NĐ-CP và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đăng ký giá bán lẻ xăng dầu với liên Bộ Tài chính - Công thương trước khi điều chỉnh giá bán.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối chủ động trong kinh doanh cũng như để đảm bảo điều hành thu NSNN, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4927/BTC-CST ngày 3.4.2009 về các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng, dầu tương ứng với giá mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới (barem thuế).
Trong năm 2008, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã giảm giá xăng 10 lần, giảm giá dầu hỏa 10 lần, giảm giá dầu diesel 7 lần và giảm giá dầu mazut 5 lần. Liên Bộ cho biết, việc giảm giá nhiều lần này là thực hiện phù hợp với biên độ của giá thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 cho đến nay, giá xăng, dầu trên thị trường có xu hướng liên tục tăng cao, liên Bộ đã chấp thuận cho doanh nghiệp điều chỉnh tăng có mức độ nhất định. Mặc dù tăng giá bán nhưng so với các nước trong khu vực, giá bán xăng, dầu trong nước vẫn thấp hơn từ 924 đồng/lít đến 6.473 đồng/lít.
Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá mặt hàng xăng, dầu trong nước là căn cứ vào diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm (chứ không phải là giá dầu thô) bình quân là phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông hàng tồn kho tối thiểu ở trong nước quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ (tối thiểu là 20 ngày).
Việc tăng 1.000 đồng/lít xăng, dầu là khi Quỹ Bình ổn giá chưa có nguồn dư
Liên quan đến mức điều chỉnh giá xăng, dầu trong thời gian gần đây lại tăng vượt quá 500 đồng/lít,kg cho mỗi lần điều chỉnh, không đúng như hướng dẫn của Thông tư 56/2009/TT-BTC ngày 23.3.2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, Thông tư số 56/2009/TT-BTC chỉ cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá không quá 500 đồng/lít,kg trong điều kiện giá thị trường thế giới diễn biến bình thường, không có biến động lớn và việc điều hành giá gắn liền với hoạt động của Quỹ Bình ổn giá. Có nghĩa là khi Quỹ Bình ổn giá đã có nguồn lực (số dư lớn) thì được trích Quỹ Bình ổn giá để bù đắp.
Như vậy, trước thời điểm mà liên Bộ Tài chính - Công thương chấp thuận để các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giá 1.000 đồng/lít, các doanh nghiệp đã 3 lần đề nghị được tăng giá. Nhưng xét thấy tại thời điểm đó chưa thích hợp cho việc điều chỉnh giá nên liên Bộ đã tạm thời chưa chấp thuận tăng giá mà sử dụng các công cụ tài chính khác để bình ổn giá như giảm thuế nhập khẩu, tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá, kéo dài thời gian hoàn trả ngân sách Nhà nước 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.
Vì giá xăng dầu thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp; đồng thời sau khi đã thực hiện hàng loạt các công cụ tài chính, liên Bộ thấy rằng cần phải có sự điều hành giá linh hoạt, phù hợp với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Vì thế, ngày 10.6.2009, liên Bộ quyết định tăng thêm 1.000 đồng/lít cho mỗi loại xăng, dầu. Đây là giải pháp mang tính tình thế và cần thiết.
Như vậy, cách điều hành như trên là phù hợp với khoản 1 Điều 26 Nghị định số 55/2007/NĐ-CP. Để minh bạch trong điều hành giá, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 56/2009/TT-BTC cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Tài chính cho rằng, việc một số ý kiến so sánh giá dầu thô trước đây là 147 USD/thùng thì giá xăng là 19.000 đồng/lít, nay giá dầu thô chưa bằng ½ mà giá xăng hiện nay là 14.200 đồng/lít là chưa thật phù hợp. Vì mức giá dầu thô Mỹ (WTI) 147 USD/thùng là giá của thời điểm (mức giá đóng cửa của ngày 14.7.2008), chứ chưa phải là mức giá của bình quân giá thế giới (tính bình quân tối thiểu 20 ngày dự trữ lưu thông trong nước) để làm căn cứ xác định giá bán trong nước.
Hơn nữa, khi tính giá xăng, dầu trong nước là tính trên cơ sở bình quân giá thị trường thế giới của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm mà không phải là căn cứ vào giá dầu thô. Sự thay đổi của giá xăng dầu thành phẩm cũng không phải luôn luôn tỷ lệ thuận với thay đổi của giá dầu thô.
Mặt khác, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước, cơ cấu tính giá xăng, dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu thị trường thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ, chính sách điều tiết của Nhà nước phù hợp với từng thời kỳ…
Ngoài ra, với mức giá bán xăng trong nước 19.000 đồng/lít thời điểm năm 2008 là cũng chưa tính toán đủ theo mặt bằng giá xăng trên thị trường thế giới vì Nhà nước còn thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu như tạm ứng từ ngân sách Nhà nước tương ứng với số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng để cho các doanh nghiệp có vốn hoạt động; bù lỗ mặt hàng dầu.
Như vậy, nếu tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí theo thị trường và Nhà nước không hỗ trợ, giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước sẽ còn phải cao hơn. Từ năm 2009, Chính phủ thực hiện điều hành giá mặt hàng xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không còn bù lỗ, hỗ trợ đối với kinh doanh các mặt hàng xăng, dầu như trước đây.
Khi điều hành giá xăng, dầu, Chính phủ luôn hướng tới phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Bảng giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam so với một số nước trong khu vực Đơn vị tính: đồng/lít | ||||
TT |
Tên nước |
Giá xăng A92 |
Giá Diesel 0,05S |
Giá Diesel 0,25S |
1 |
Việt Nam |
14.200 |
12.100 |
12.150 |
2 |
Trung Quốc |
14.515 |
- |
13.912 |
3 |
Singapore |
20.672,5 |
16.089,5 |
- |
4 |
Đài Loan |
15.124 |
13.351 |
- |
5 |
Thái Lan |
14.906,8 |
12.618,7 |
- |
6 |
Lào |
16.686 |
18.314 |
- |
7 |
Campuchia |
15.376 |
- |
13.588 |
(Theo chinhphu.vn)