BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điều kiện nào để được công nhận là người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam? 

Cập nhật ngày: 14/05/2017 - 01:30

Chỉ cần tiêm hoóc môn là đủ hay cần cả can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật mới đủ điều kiện để công nhận một cá nhân đã chuyển đổi giới tính là nội dung được thảo luận nhiều nhất tại hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính, do Bộ Y tế tổ chức diễn ra hôm 12.5.

Đại diện cộng đồng chuyển đổi giới tính đưa ra những ý kiến đề xuất tại hội thảo.

Ba phương án công nhận người chuyển đổi giới tính

Hiện nay, có khoảng 270 nghìn người tại Việt Nam có mong muốn chuyển đổi giới tính. Do đó, chính sách của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính được đặt ra có tính nhân đạo, nhằm bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính.

TS Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nhận định, có ba giải pháp được đưa ra để công nhận các trường hợp chuyển đổi giới tính trong dự thảo gồm: Điều trị nội khoa bằng sử dụng hoóc môn; Sử dụng hoóc môn và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) và giải pháp cuối là không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Ông cũng cho biết, trên thế giới hiện nay có 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, trong đó 38 quốc gia (62%) ở châu Âu yêu cầu người có mong muốn được công nhận chuyển đổi giới tính phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân.

Ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Phillipines.. cũng đưa ra điều kiện chỉ thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật. Một số nước cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel…

TS Nguyễn Huy Quang.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, không phải người nào có mong muốn chuyển đổi giới tính cũng đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho phẫu thuật hoặc bảo đảm về sức khỏe để trải qua các cuộc phẫu thuật với các nguy cơ xấu có thể xảy ra, nên việc yêu cầu phải trải qua phẫu thuật mới cho phép thay đổi giấy tờ về nhân thân sẽ hạn chế số người có mong muốn được chuyển đổi giới tính được công nhận giới tính mới.

Nhiều ý kiến từ các đại diện cộng đồng chuyển đổi giới tính thì nghiêng về phương án hai, vừa can thiệp về mặt điều trị nội tiết và can thiệp ngoại khoa, đã trải qua phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục).

Tuy nhiên, là một nhà xây dựng chính sách, dựa trên những khảo sát thực tế, TS Nguyễn Huy Quang nghiêng về giải pháp cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng hai năm trở lên) hoặc can thiệp ngoại khoa thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Giải pháp này được cho là khả thi tại Việt Nam, dung hòa được giữa giải pháp một và giải pháp hai như trong dự thảo. Việc sử dụng hoóc môn liên tục sẽ giúp cho người có mong muốn chuyển đổi giới tính phát triển các hoóc môn giới tính mong muốn.

TS Quang phân tích, nếu chỉ chọn giải pháp hai, thì không phải người chuyển giới nào cũng có đủ tiền để đi phẫu thuật với chi phí khoảng 4.000 -5.000 USD, thậm chí 30.000 đến 35.000 USD cho một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nếu chọn giải pháp ba có thể có sự lạm dụng để đề nghị giới tính mới nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc nhằm đạt được mục đích nào đó trong trường hợp thông đồng với cán bộ để có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý.

Còn nhiều vấn đề bất cập

Trong tám nội dung được đưa ra tại dự thảo, vấn đề độ tuổi được chuyển đổi giới tính cũng được nhiều ý kiến thảo luận. TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, độ tuổi rất quan trọng vì đây là quyền nhân thân của mỗi người, không ai đứng ra bảo lãnh được. Luật Chuyển đổi giới tính tuân theo Luật Dân sự nên khi cá nhân có mong muốn thay đổi giới tính bản thân mà phải được bố mẹ cho phép thì không hợp lý. Do đó, quy định độ tuổi từ 18 là hợp lý, khi đó cá nhân mỗi người đủ năng lực hành vi dân sự.

Về Quy định tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học để được công nhận là người chuyển giới, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, sẽ có 3 giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề: Giải pháp 1: Là người độc thân chưa từng kết hôn; Giải pháp 2: Là người độc thân chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn; Giải pháp 3: Không quy định tình trạng hôn nhân (chấp nhận cả người đang trong tình trạng hôn nhân). Theo đó, phương án những trường hợp chưa kết hôn, đã ly hôn hoặc góa chồng/vợ được coi là phương án hợp lý nhất để đủ điều kiện xin chuyển đổi giới tính.

Độ tuổi được chuyển đổi giới tính cũng được thảo luận sâu tại hội thảo.

Về những trường hợp đã phẫu thuật bên nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam hay không, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, khi Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực, các cá nhân sẽ phải đến cơ sở khám chữa bệnh được cấp quyền, trình giấy chứng nhận về y học đã chuyển đổi giới tính để xem xét và khám sơ bộ. Nếu được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính, lúc đó, cá nhân sẽ ra cơ quan hộ tịch để thay đổi họ tên, giới tính, làm lại giấy khai sinh.

Tại hội thảo, nhiều nội dung được thảo luận như có nên hay không thanh toán bảo hiểm y tế cho những đối tượng này; cơ cở khám, chữa bệnh nào được quyền cấp giấy chứng nhận cũng như tư vấn, khám xét và can thiệp nội khoa, ngoại khoa cho những người muốn chuyển giới...

Bên cạnh đó, các chuyên gia làm Luật cũng cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh của Luật vì có nhiều vấn đề ngoài lĩnh vực y tế cũng cần được xem xét trong hệ thống pháp luật chung như quyền nhân thân, hộ tịch, tư pháp, nghĩa vụ quân sự, hôn nhân gia đình… Nếu sửa đổi không tương ứng thì đó sẽ là rào cản thực tế trong việc triển khai Luật này.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, đây là buổi hội thảo thứ hai lấy ý kiến cho dự thảo Luật và sẽ Bộ Y tế sẽ còn tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp về tám nội dung chính sách ở nhiều cuộc hội thảo khác, ở trên các diễn đàn về vấn đề chuyển đổi giới tính để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính được Bộ Y tế xây dựng từ năm 2016 và hiện đang xin Quốc hội cho vào chương trình Luật. Nếu sớm được đưa vào chương trình của Quốc hội, lộ trình đến năm 2019, Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua.

Các giải pháp công nhận người chuyển đổi giới tính:

Giải pháp 1: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 02 năm trở lên) thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính;

Giải pháp 2: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 01 năm) và đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục) được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Giải pháp 3: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền (có thể là cơ quan tư pháp) ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Nguồn Báo Nhân dân