Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điệu múa dâng thần linh của người Chăm

Cập nhật ngày: 09/01/2011 - 10:39

Trong suốt quá trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo, xây dựng được nền văn hóa dân gian đặc sắc. Một trong những nét độc đáo đó là điệu múa dâng thần linh thể hiện nét uyển chuyển, khéo léo của các nghệ nhân, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người Chăm.

Theo thống kê, người Chăm có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ. Đối với người Chăm, múa rất quan trọng. Múa tạo không khí linh thiêng, vui tươi, sinh động cho lễ hội. Từ lễ hội, họ đã sáng tạo ra những điệu múa dân gian để phục vụ chính mình. Vì thế, múa dân gian phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động của người Chăm. 

Ngay từ xa xưa, khi nghệ thuật múa dân gian bắt đầu hình thành, đó chỉ là những động tác mô phỏng cuộc sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Những động tác này lúc đầu không mang tính nghệ thuật, bởi vì ở thời kỳ này, con người chưa có khả năng thẩm mỹ để diễn đạt. Sau này, khi trình độ sản xuất ngày càng phát triển thì múa Chăm cũng được nâng cao hơn, các động tác cũng điêu luyện hơn. Trải qua năm tháng, tín ngưỡng đó càng lớn lên, càng màu nhiệm. Thầy cúng thông qua múa để đưa mọi tâm tư, mọi ước vọng của con người đến với thần linh. Ở giai đoạn này, múa được nhiều người gọi là múa tín ngưỡng dân gian.

Đến khi kinh tế - xã hội tiến lên một bước cao hơn thì múa dân gian Chăm cũng phát triển rực rỡ, dần hoàn thiện và trở thành một loại hình nghệ thuật. Những động tác, điệu bộ được phát triển phù hợp và gần gũi với những đặc trưng của nghệ thuật múa từ tính cách điệu, tính khái quát. Múa dân gian Chăm có bốn điệu múa chính là Biyên, Kmân, Mrai, Chron. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia.

Vũ điệu múa Chăm thường bắt nguồn từ những động tác lao động, sinh hoạt thường ngày và đều phản ánh ước vọng của con người trước thần linh. Những điệu múa thể hiện sự cầu mong cho mưa thuận gió hoà, con cháu khoẻ mạnh, yên ổn làm ăn nhưng cũng có những điệu múa thể hiện ý chí quật cường sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.

Trong nghệ thuật múa dân gian Chăm, múa thiêng chiếm giữ vị trí quan trọng. Những phong cách múa Chăm còn thể hiện trên các mảng điêu khắc như vũ nữ Trà Kiệu, Apsara và các tượng thần Ấn Độ giáo như Siva, Uma, Brahma, Visnu... Ngoài ra, người Chăm còn có những điệu múa sinh hoạt, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ phụ nữ Chăm nào cũng biết.

Tất cả các điệu múa này vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Chăm như một hình thái sinh hoạt lễ hội và theo thời gian, chúng được cách điệu để đưa lên sân khấu. Nghệ thuật múa dân gian Chăm đang giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần trong cộng đồng người Chăm. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân gian Chăm. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, những làn điệu dân ca, những điệu múa truyền thống trở thành trung tâm thu hút khách du lịch nên cần được lưu giữ, quảng bá.

K.D (st)