Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điệu múa nghi lễ của người HLăng ở Sa Thầy (Kon Tum)

Cập nhật ngày: 29/12/2011 - 12:55

Dân tộc Xê Đăng (nhóm HLăng) ở huyện Sa Thầy có dân số gần 4 nghìn người, định cư tại phía bắc dãy núi ChưMôRai. Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, cuộc sống tinh thần của người dân nơi đây luôn gắn với môi trường lễ hội, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc. Trong đó “Chiêu” là điệu múa nghi lễ độc đáo đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Theo các già làng, “Chiêu” là điệu múa nghi lễ từ thời xa xưa, biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với các vị thần linh. Nó chỉ xuất hiện ở những lễ hội có ăn trâu, dê, heo và lễ tang ma. Trang phục truyền thống của nghệ nhân múa “Chiêu” thường là áo trắng, váy dài màu xanh hoặc đen gọi là “Trah” và một tấm choàng rộng. Tất cả những trang phục này đều là sản phẩm tự dệt, thêu với các màu chủ đạo là trắng - đen kết nối bằng những hoa văn tinh xảo. Các đội múa “Chiêu” được hình thành trên cơ sở chọn lọc nghệ nhân khá chặt chẽ theo cùng độ tuổi, mỗi đội có từ 8 - 16 người tham gia và luôn là số chẵn. Điều này hoàn toàn khác với múa xoang, bởi vòng xoang có số lượng người tham gia không hạn chế.

Nhịp chiêng trong múa “Chiêu” không dồn dập, rộn rã thúc giục mà khoan thai, đĩnh đạc. Từng cặp nghệ nhân trong vòng “Chiêu” đối diện nhau, nhún theo nhịp chiêng, xoay từ từ đến 180 độ rồi xoay trở lại về vị trí ban đầu. Vòng “Chiêu” di chuyển chậm quanh cây nêu hoặc nơi đặt người quá cố, theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Bàn chân của nghệ nhân “Chiêu” gần như không bước, không rời mặt đất, mà dùng gót chân và mũi bàn chân nhích dần theo hướng dịch chuyển.

Trong các bài “Chiêu”, động tác của chân cơ bản giống nhau, nhưng nhìn vào động tác tay, người ta có thể phân biệt đó là lễ hội hay lễ tang ma. Khi “Chiêu” lễ hội, dù xoay về hướng nào thì hai cánh tay của nghệ nhân cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau với vẻ mặt luôn cung kính, mời thần linh nhận những vật hiến tế như trâu, dê, heo… đồng thời cầu xin được che chở, giúp đỡ để “thóc lúa đầy kho, trâu bò đầy chuồng”. Sự thành kính trong động tác “Chiêu” của nghệ nhân làm tăng thêm yếu tố tâm linh, huyền bí của lễ hội.

Còn trong đám tang ma, hai tay nghệ nhân giang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Nửa thân người phía trên chao nhẹ theo nhịp chiêng tạo cảm giác lâng lâng, bay bổng. Theo quan niệm của người HLăng, lúc này người chết chưa về thế giới của ma, họ đang rong ruổi thăm bạn bè đâu đó ở xa. Ý nghĩ ấy được gửi vào điệu múa, biểu hiện sự quyến luyến đối với việc ra đi của một thành viên trong cộng đồng.

Trong các lễ hội của người HLăng, Cồng - Chiêng - Xoang - Chiêu là những thành tố có mối quan hệ chặt chẽ, hòa quyện không thể tách rời. Ở đó, cồng chiêng làm nền, dẫn dắt, thổi sức sống vào nhịp xoang - chiêu. Ngược lại, xoang - chiêu tôn tạo, nâng giá trị của hồn cồng chiêng. Sự kết hợp đó tạo nên một môi trường diễn xướng hài hòa, làm cho mỗi thành tố đều thể hiện được sự độc đáo của mình. Nếu thiếu một thành tố, sự phong phú của lễ hội sẽ giảm đi rất nhiều.

Đặc biệt vai trò của “Chiêu” - vốn được xem như phương tiện giao tiếp của con người với thần linh. “Chiêu” là nghi thức hành lễ độc đáo. Nó phản ánh văn hóa ứng xử và chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của con người với thế giới thần linh bằng động tác. Đồng thời “Chiêu” cũng mang tính nghệ thuật rất cao, đậm đặc ngôn ngữ múa. Yếu tố tạo hình được kết hợp với động tác vô cùng uyển chuyển, linh hoạt. Tất cả đều toát lên lời chào mời, dâng lễ.

K.D (st)