Điều nông dân cần...

Cập nhật ngày: 17/09/2010 - 10:18

Trong những năm qua, nhờ trồng cây thuốc lá vàng trong vụ đông xuân mà một bộ phận nông dân ở hai huyện Trảng Bàng và Bến Cầu có cuộc sống ổn định. Diện tích cây thuốc lá trên địa bàn toàn tỉnh (chủ yếu ở huyện Bến Cầu và ba xã cánh Tây Trảng Bàng) nhiều năm qua ổn định từ 3.000 - 4.000 ha/vụ. Riêng vụ đông xuân năm 2009- 2010, diện tích cây thuốc lá tăng lên đến 4.449 ha, tăng 39% so với vụ đông xuân năm 2008-2009. Nhưng điều đáng buồn là vụ đông xuân năm nay người trồng thuốc lá vàng gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Giá thuốc lá sấy khô chẳng những giảm hơn năm rồi vài ngàn đồng một kg cho mỗi loại, mà các doanh nghiệp lại thanh toán cho nông dân rất chậm. Bao năm qua nhờ trồng thuốc lá mà có cuộc sống ổn định, nay cây thuốc lá vàng gặp khó khăn khiến cho nhiều nông dân phải lúng túng chưa biết chuyển đổi cây trồng gì trong vụ đông xuân sắp tới.

Cây thuốc lá vàng đang gặp khó khăn ở đầu ra, nhiều nông dân lúng túng chưa biết chuyển đổi cây trồng gì.

Ngược lại, cũng trong vụ đông xuân 2008-2009, do thời tiết bất lợi, năng suất cây đậu phộng rất kém, đã vậy giá đậu phộng lại xuống thấp. Nhiều người sản xuất đậu phộng bị lỗ nặng. Vì vậy vụ đông xuân 2009-2010, nhiều nông dân “chia tay” cây đậu phộng khiến cho diện tích đậu phộng trên địa bàn tỉnh giảm xuống thấp. Cụ thể vụ đông xuân 2009-2010 toàn tỉnh xuống giống 8.165 ha đậu phộng, chỉ đạt 48% kế hoạch và bằng 70% so cùng kỳ năm trước. Thế rồi giá đậu phộng vụ đông xuân vừa qua cao gần gấp đôi năm trước, đem lại cho những người kiên trì gắn bó với cây đậu phộng mức lãi cao.

Điều đó cho thấy đại bộ phận nông dân không chủ động được trong khâu chuyển đổi cây trồng. Đa số nông dân hễ thấy cây trồng nào bán được giá ở vụ này là tập trung trồng cho vụ sau, mặc dù chưa biết giá cả của vụ sau như thế nào. Nhiều người thấy người khác trồng loại cây nào đó có lãi cao là lập tức trồng theo, chưa biết đất đai của mình có phù hợp với loại cây trồng đó hay không và cũng chưa biết kỹ thuật canh tác như thế nào, mà vẫn cứ “làm đại” theo người ta, nên năng suất kém, mùa vụ thất bát là điều khó tránh khỏi.

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Tây Ninh (ngày 11.8.2010) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: Phải phân tích từng loại đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thích hợp. Việc chuyển đổi cây trồng phải gắn kết với khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất sản lượng cây trồng. Thủ tướng còn nói rõ cây đậu phộng là đặc sản của Tây Ninh. Đậu phộng Tây Ninh ngon, năng suất, chất lượng tốt. Tây Ninh có các cây trồng chủ lực như lúa, cao su, mì, mía… Nhưng nếu chỉ dừng lại như từ trước đến nay thì chưa được. Vấn đề là phải đầu tư khoa học kỹ thuật như thế nào đó để đưa năng suất cây đậu phộng, cây cao su, cây lúa… của Tây Ninh lên cao hơn nữa.

Những điều Thủ tướng nêu ra, thiết nghĩ nông dân Tây Ninh và nhất là các ngành chức năng của tỉnh cần hết sức quan tâm. Việc phân tích đất đai để chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, việc gắn kết giữa chuyển đổi cây trồng với áp dụng khoa học kỹ thuật thì đa số nông dân tự mình khó thực hiện được mà rất cần đến sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn. Bên cạnh đó trong quá trình hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các ngành chức năng cần hết sức lưu ý đến thị trường đầu ra nông sản phẩm một cách bền vững. Vì người nông dân cũng không thể tự định đoạt đầu ra sản phẩm của mình.

ĐỨC DÂN