BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điều tra từ đơn bạn đọc: Càng để dây dưa càng rối

Cập nhật ngày: 23/05/2009 - 12:36

Tính đến nay, vụ tranh chấp phần đất 1,57 ha toạ lạc tại ấp Trường Huệ, xã Trường Hoà (nay thuộc địa bàn xã Trường Tây), huyện Hoà Thành giữa ông Đặng Hoàng Minh và hai chị em bà Đặng Thị Hảo kéo dài đã 34 năm qua (Báo Tây Ninh ngày 4.12.2004 đã có bài viết về vụ tranh chấp dai dẳng này). Chính quyền các cấp đã ra rất nhiều văn bản giải quyết, tuy có lúc trái ngược nhau, nhưng cuối cùng UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 24.10.2008 (QĐ 2463) giao phần đất đang tranh chấp cho ông Minh (sau khi đã trừ ra một phần diện tích mà ông Minh đồng ý bù đắp cho 2 chị em bà Hảo). Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại…

Bà Mùi Thị Lan- con gái bà Hảo tiếp tục gửi đơn đi khắp nơi kể cả Thanh tra Chính phủ để “kêu oan”. Nghiên cứu lại hồ sơ khiếu nại của phía bà Lan, có thể thấy:

Trong hồ sơ của bà không thể hiện được thông tin gì mới. Những dẫn chứng bà nêu để chứng minh đất của mình hoàn toàn không thuyết phục. Chẳng hạn những biên lai đóng thuế mà bà đưa ra đều có sau thời điểm xảy ra tranh chấp và gia đình bà đã bao chiếm phần đất ấy rồi. Thực tế, xưa kia phía bà Hảo cũng có 3,5 ha đất do tổ tiên để lại. Theo lời ông Minh thì 3,5 ha này chỉ nằm liền ranh chứ không liên quan gì đến 1,57 ha đang tranh chấp và bà đã dùng thủ thuật “đem râu ông này cắm càm bà kia” để giành đất của ông. Điều này không phải là không có cơ sở để xem xét. Bởi xem lại tất cả biên lai thuế của bà Hảo, không thấy có điểm nào thể hiện phần đất mà bà đã đóng thuế chính là phần đất đang tranh chấp, kể cả diện tích đất cũng không khớp. Trong khi đó, những biên lai thuế của ông Minh đều có trước 1975 và số diện tích cũng trùng khớp.

Một góc khu nghĩa địa gia tộc ông Đặng Văn Chắc- nơi bà Hảo, bà Hớn chôn nhờ nhiều người thân của mình.

Việc bà Lan tố cáo ông Minh đập phá bia mộ tổ tiên của bà, tráo vào bia mộ giả là hoàn toàn không có căn cứ. Khi nhận đơn khiếu nại (lần thứ 3) của ông Minh, phóng viên báo đã một lần nữa cất công tìm đến ấp Trường Huệ để tìm hiểu thêm. Một phụ nữ ngoài 50 tuổi (tạm giấu tên) chỉ tay về phía phần đất tranh chấp giữa ông Minh và bà Hảo nói: “Từ hồi còn trẻ, tôi đã thấy gia đình ông Minh mỗi năm xuống đây quét mộ, cúng kiếng. Còn bà Hảo, bà Hớn thì không thấy tới đó thăm mộ bao giờ, vì mộ thân tộc bà Hảo nằm ở chỗ khác kia”.Rồi bà dẫn chúng tôi đến một nghĩa địa khác, nằm biệt lập ở một khu vực khá xa, chỉ cho chúng tôi xem từng ngôi mộ của cha, mẹ và chồng của bà Hảo, bà Hớn, kể cả con bà Hảo cũng chôn tại đây. Một phụ nữ khác, tên Ng. 42 tuổi có họ hàng xa với bà Hảo cho biết: “Nghĩa địa này là đất của ông nội tôi (tên ông là Đặng Văn Chắc). Hồi chồng bà Hảo, bà Hớn chết (sau giải phóng), gia đình họ có đến gặp, xin ông nội tôi cho chôn nhờ trên đất này”. Khi được hỏi về khu nghĩa địa trên phần đất 1,57 ha đàng kia, chị Ng. đáp chắc nịch: “Đó là mồ mả dòng họ nhà ông Minh. Tôi sinh ra lớn lên tại đây, tôi dám chắc như vậy”.

Từ đó, cho thấy: nếu thật sự phần đất đang tranh chấp là của bà Hảo, bà Hớn thì tại sao các bà không chôn người thân trong nghĩa địa gia tộc của mình mà phải đi chôn nhờ chỗ khác? Hỏi ông Minh có lén “cấy” bia mộ ông bà mình vào phần mộ tổ tiên bà Hảo hay không, anh A –cũng dân Trường Huệ xua tay: “Làm gì có chuyện đó! Ông Minh có làm bia mộ mới cho người thân nhưng làm công khai giữa ban ngày, tôi còn nhớ lúc đó tình cờ gặp, tôi còn phụ đào lỗ giúp ổng”. Anh A cho biết thêm: “Cứ tết nhất, thanh minh là gia đình ông Minh kéo về rần rần để cúng mộ, dân đây ai cũng hay, cũng biết”.

Bà Lan nại rằng: trong tờ thoả thuận của ông Đặng Văn Sóc (cha bà Hảo) đồng ý cho ông Đặng Văn Lợi (cha của ông Minh) chuộc lại đất năm 1955 chỉ có dấu thập là không đáng tin cậy. Nhưng theo chúng tôi, vào thời điểm ấy, trình độ dân trí còn rất thấp, việc người dân đánh dấu thập hoặc lăn tay (thay vì ký tên) là chuyện rất bình thường, phổ biến. Vấn đề là tờ ký trả đất ấy đã được chứng thực một cách hợp pháp. Nên nhớ, ngay cả trong thời chế độ cũ, cơ quan hữu trách cũng không dễ dãi đến mức sẵn sàng chứng thực cho các văn bản chỉ có “dấu thập” mà không có sự hiện diện -thể hiện ý chí của các đương sự, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài sản. Và liệu ông Lợi (cha của ông Minh) có dám giả mạo tên tuổi ông Sóc (cha của bà Hảo) -một người còn đang sống sờ sờ ngay trong xóm ấp (thời ấy) để chiếm đất không? Vả lại, ông Lợi làm sao biết được năm bảy chục năm sau sẽ xảy ra tranh chấp để “thủ” trước tờ giấy “giả mạo” hòng bảo vệ quyền lợi cho con mình?

Có một điều đáng chú ý là khi tìm hiểu ở nhiều người dân sống tại địa phương ấp Trường Huệ, phóng viên đều nghe những lời nhận xét rất không tốt về gia đình bà Hảo, bà Lan. Và đây là ý kiến (có biên bản) của một cán bộ lãnh đạo (đương chức) UBND xã Trường Tây: “Trong quan hệ xóm làng, gia đình bà Hảo không được ai ưa thích, gây mích lòng rất nhiều người. Riêng bà Lan hay sinh sự, thích thưa kiện, mặc dù có khi sự việc không liên quan đến mình. Mấy lần đoàn chức năng của tỉnh, huyện đến đo đạc đất để giải quyết vụ tranh chấp đều bị phía gia đình bà Lan ngăn cản, chửi bới, thái độ rất hung hăng. Ngược lại, ông Minh luôn có ý thức chấp hành pháp luật và có thái độ hợp tác tốt”. Hỏi về quan điểm xử lý vụ tranh chấp đất, ông dè dặt bảo: “Sự việc đã chuyển lên trên nên kết quả thế nào là do cấp trên, không còn thuộc thẩm quyền của xã nữa”. Tuy vậy, ở góc độ ý kiến cá nhân, ông cũng không ngại bày tỏ: “Theo tôi, giao đất cho ông Minh là có cơ sở”.

Mộ ông bà nội của bà Hảo, bà Hớn nằm tại nghĩa địa này.

Vụ tranh chấp kéo dài đã quá lâu, các cấp chính quyền đã ra không dưới… cả chục quyết định để giải quyết mà vẫn chưa ngã ngũ. Không hiểu vì sao QĐ 2463 của tỉnh có hiệu lực thi hành từ… 7 tháng qua mà đến nay vẫn không được thực hiện? Mới đây, ngày 19.3.2009 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Hoà Thành, phải tổ chức thực hiện nghiêm QĐ 2463 thì đến ngày 12.5.2009 lại ra văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành phúc tra lại vụ việc, do bà Lan có đơn “kêu oan khẩn cấp”. Theo chúng tôi, điều này liệu có cần thiết và hợp lý? Bởi trong hồ sơ của bà Lan không hề có tình tiết gì mới và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Thanh tra Chính phủ: cần giữ nguyên QĐ 2463 của tỉnh. Vả chăng, nếu sau khi phúc tra, một trong 2 bên tiếp tục kêu oan, chẳng lẽ lại… phúc tra tiếp?

Sự việc đã đủ căn cứ để khép lại, không nên để dây dưa, nhùng nhằng, gây dư luận không tốt trong nhân dân (mà thực tế đã có rồi). Còn nếu vẫn nhất thiết phải phúc tra lại thì đề nghị cơ quan chức năng cũng nên tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến của bà con địa phương. Ở nông thôn, không ai hiểu rõ ràng, chính xác nhà cửa, đất đai của người địa phương bằng chính người địa phương cả. Từ khi vụ tranh chấp diễn ra đến nay, hầu như tất cả những người dân ấp Trường Huệ và các vị lãnh đạo xã Trường Tây (cũ và mới) mà phóng viên Báo TN đã gặp gỡ, xác minh đều tỏ thái độ đồng tình với phía ông Minh (họ còn cung cấp thêm rất nhiều thông tin đáng chú ý khác mà vì khuôn khổ bài báo có hạn nên không thể nói hết lên đây). Qua đó, chẳng lẽ không nói lên được điều gì?

Tờ ký trả đất thể hiện việc ông Đặng Văn Sóc, đồng ý cho ông Lợi chuộc lại đất năm 1955, có chứng thực của hương đạo Giang Tân và Quận trưởng quận Phú Khương (cũ).

Ông Huỳnh Văn Thận, nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Trường Tây trước kia, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoà Thành -người hiểu rõ đầu đuôi vụ tranh chấp, trước sau vẫn quả quyết: sau ngày giải phóng, bà Hảo mới về ấp Trường Huệ và bao chiếm đất của ông Minh từ tháng 8.1975.
Trong một vụ việc khác, do tập thể nhân dân ở tổ 3, ấp Trường Huệ khiếu nại về việc gia đình bà Hảo lấn chiếm con đường đi chung của họ, cũng có ý kiến phản ánh trong đơn rằng: “Sau năm 1975, bà Hảo và bà Hớn từ đâu về rào bít lại con đường và cất nhà lấy đất đường đi của nhân dân”.

NHẤT PHƯỢNG