Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Điều trị hen phế quản bằng phương pháp Gina: Giảm tử vong, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh
Thứ hai: 12:26 ngày 12/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Công trình này vừa được trao giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2011.

Sau gần 3 năm nghiên cứu, thực hiện (từ tháng 7.2007 đến tháng 12.2009), bác sĩ Lương Thị Thuận và các cộng sự ở Trung tâm Phòng chống lao và Bệnh phổi Tây Ninh- nay là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh đã cho ra đời một công trình khoa học mang tên: “Nghiên cứu áp dụng phương pháp GINA – 2002 trong điều trị hen phế quản ở Tây Ninh”. Công trình này vừa được trao giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2011.

Tính khả thi cao

Hen phế quản (HPQ) còn gọi là hen hoặc suyễn, là bệnh viêm đường hô hấp mạn tính có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Việc quản lý điều trị HPQ theo Chiến lược xử trí hen phế quản toàn cầu (Global Initiative for Asthma, viết tắt là GINA) đã được phổ biến và áp dụng hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tinh thần, nội dung chính yếu của đề tài này là quản lý người bị hen suyễn một cách khoa học, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị tối ưu, nhằm giúp người bệnh nhanh khỏi, phục hồi sức khoẻ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả điều trị còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vào thời điểm bác sĩ Thuận và các cộng sự bắt tay làm đề tài, Tây Ninh chưa có cơ sở y tế nào áp dụng cách điều trị này.

Trong gần 3 năm trời, bác sĩ Thuận cùng với các cộng sự đã tiến hành thăm dò, thực nghiệm, phỏng vấn, khảo sát nhiều đối tượng có nguy cơ bị HPQ. Kết quả mà nhóm làm đề tài thu được cho thấy: tỷ lệ người bị HPQ ở Tây Ninh vào khoảng 4%, con số này tương đương với con số do Bộ Y tế công bố.

Bác sĩ Lương Thị Thuận (bên trái) nhận giải thưởng Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2011

Trong số 600 người được nhóm khảo sát, có 24 người bị HPQ. Xét theo giới tính, nữ bị HPQ nhiều hơn nam. Bệnh nhân cư trú khắp các vùng nhưng chủ yếu tại Thị xã (34%). Trong thời gian khảo sát để thực hiện đề tài, bác sĩ Thuận và các cộng sự của chị đã trực tiếp điều trị cho 200 người bị HPQ. Trong đó, xét theo độ tuổi và ngành nghề, đối tượng mắc bệnh là học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất 25,5%. Kế tiếp là công chức, viên chức chiếm tỷ lệ cao thứ hai 22,5%. Tất cả bệnh nhân lần đầu tiên đến khám bệnh đều có ít nhất một triệu chứng lâm sàng như  ho, khó thở, khò khè, nặng ngực, hoặc ran phế quản...

Theo bác sĩ Thuận thì hiện nay tỷ lệ bị HPQ ngày càng gia tăng theo mức độ đô thị hoá. Hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản khiến môi trường sống ngày càng bị suy thoái. Đó chính là những lý do khiến cho phương pháp điều trị HPQ theo hướng dẫn của GINA – một phương pháp tiên tiến nhất hiện nay trong quản lý điều trị HPQ đang là phương pháp đáp ứng mọi nhu cầu của bệnh nhân HPQ, gia đình bệnh nhân, cộng đồng xã hội. Phương pháp điều trị HPQ theo GINA đã được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh Tây Ninh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Sau khi xuất viện, người bệnh tiếp tục được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi quản lý ngoại trú theo GINA. Tại tuyến huyện, bệnh nhân bị nghi ngờ HPQ đều được chuyển đến Trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị theo GINA. Tuỳ theo từng tuyến y tế, phương pháp này được áp dụng cho phù hợp, do đó mọi tuyến y tế từ trạm y tế đến các bệnh viện huyện, thị, tỉnh kể cả y tế tư nhân đều có thể thực hiện được.

Không chỉ áp dụng trong tỉnh, bác sĩ Thuận còn phổ biến kinh nghiệm quản lý HPQ theo GINA cho các cơ sở y tế của các địa phương khác trong cả nước như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Định…

Giảm gánh nặng xã hội

Theo tính toán, chi phí điều trị trực tiếp một người bị HPQ  trong thời gian khoảng 6 ngày: 1,4 triệu đồng. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế thì chỉ phải trả 20%, tức 280.000 đồng. Trong 1 năm, nếu người bệnh lên cơn hen 5 lần và phải nhập viện thì chi phí trực tiếp khoảng 7 triệu đồng. Trong đó BHYT chi 5,6 triệu đồng, còn lại người bệnh phải trả 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, nếu áp dụng phương pháp điều trị HPQ theo GINA thì chi phí chung (cả 2 bên) cho người bệnh chỉ khoảng 2 triệu đồng. Như vậy, nếu tính ra khoản tiền tiết kiệm được sẽ càng thấy rõ ý nghĩa của phương pháp điều trị nói trên- Vừa nhẹ đi mối lo cho người bệnh và gia đình họ, vừa giảm bớt gánh nặng xã hội.

Không chỉ vậy, phương pháp quản lý và điều trị theo GINA còn giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh HPQ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Họ có thể tham gia các hoạt động xã hội, đi du lịch, đêm không phải thức giấc vì lên cơn HPQ, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải sống lệ thuộc vào bệnh viện.

VIỆT ĐÔNG

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục