Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân người nước ngoài bị uốn ván nặng, tiên lượng tử vong đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng (TP. Tây Ninh) điều trị thành công và cho xuất viện hôm 3.10.2023.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng và bệnh nhân sau khi hồi phục.
Bệnh nhân tên là C.S.B, ngụ tỉnh Prey Veng, vương quốc Campuchia, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng hồi đầu tháng 9.2023 trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng như khúc gỗ, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân trên nền co cứng.
Người nhà cho biết, trước đó 7 ngày bệnh nhân có đạp cọc tre nhọn ở chân trái, do vết thương nhẹ, không chú ý đi tiêm ngừa uốn ván. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được mở khí quản, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cùng các thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực...
Trong tuần đầu nhập viện, gia đình nhiều lần xin cho bệnh nhân thôi điều trị vì lo ngại bệnh nhân tử vong ở bệnh viện không kịp đưa về nhà. Các bác sĩ Bệnh viên Đa khoa Lê Ngọc Tùng đã thuyết phục người nhà để bệnh nhân ở lại vì cơ hội sống sót vẫn còn, mặc dù quá trình điều trị, chăm sóc sẽ rất khó khăn và kéo dài.
Trong hơn một tháng điều trị, chăm sóc tích cực bằng thở máy, kháng sinh, dùng thuốc trung hoà độc tố uốn ván, tập phục hồi chức năng, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, sức khoẻ của bệnh nhân được hồi phục. Bệnh nhân cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được. Đến ngày 2.10.2023, bệnh nhân đã được xuất viện.
Bác sĩ CKI. Lâm Văn Thủ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng cho biết, uốn ván là loại bệnh cấp tính, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 2 tháng, trung bình từ 7-8 ngày. Bệnh do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra đặc trưng bởi các cơn co giật trên nền tăng trương lực cơ.
Khi đã lên cơn co giật, co cứng cơ thì cơ hội sống sót rất thấp, do ngưng hô hấp, sau đó ngừng tuần hoàn và tử vong. Bệnh uốn ván nguy hiểm, tuy nhiên có thể phòng ngừa thông qua tiêm chủng, vì thế khi có vết thương, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương và tiêm ngừa bằng huyết thanh và vắc xin uốn ván.
Trước đây, uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, nên khi có ca nghi ngờ, các bác sĩ đều chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, với đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng được tập huấn và có kinh nghiệm trong việc điều trị, nên việc điều trị bệnh này đã có bước cải tiến, hiệu quả hơn.
Việc áp dụng phác đồ và điều trị thành công bệnh nhân trên là một bước tiến trong việc điều trị bệnh lý uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa Lê Ngọc Tùng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.
T.T.B