Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đình An Hoà, tiền thân là ngôi miếu Ông được lập nên ở đầu rạch Trảng Bàng, sông Vàm Cỏ Đông, đối diện với miếu Bà Thuỷ Long.
Chính điện đình An Hoà.
Theo hồ sơ đình An Hoà ghi chép lại, ông Trịnh Văn Đống (tự Thiện) là người gốc ở Thanh Hoá, sinh năm 1821, tại xóm Lò Mo. Lớn lên, ông theo ông Trương Công Định đánh Pháp, có nhiệm vụ lập hai đồn chống Pháp ở bìa sông Vàm Cỏ Đông và ở giữa rạch Trảng Bàng. Trong lúc đóng đồn ở bìa sông Vàm Cỏ Đông, ông thấy có ngôi miếu cổ- không biết có từ bao giờ, cũng không biết thờ ai- đề là “miếu Ông”. Thấy ngôi miếu cổ bị hư sập, ông Trịnh Văn Đống nguyện rằng khi có điều kiện sẽ di dời miếu về một nơi thuận lợi.
Năm Quý Hợi (1863), ông Trịnh Văn Đống di dời ngôi miếu Ông từ bìa sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí như hiện nay thuộc khu phố An Phú, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Ban đầu vẫn là ngôi miếu, sau phát triển thành ngôi đình của làng An Hoà thờ thành hoàng bổn cảnh.
Đến năm 1891, tiền hiền Trịnh Quang Võ và hậu hiền Nguyễn Học Văn tiến hành trùng tu lần thứ nhất. Từ đó có Ban Quý tế quản lý đình gồm các ông Trịnh Thành Hưng, Ngô Tích Hiền, Phạm Hữu Trưng. Từ năm 1955, ông Trần Ngọc Côn (Ba Côn) - một thầy Nho, thầy thuốc danh tiếng tại Trảng Bàng làm Trưởng Ban Nghi lễ đình và có công thành lập nên Ban Khánh tiết đình- do ông Phạm Hữu Trưng làm trưởng Ban.
Qua các thời kỳ, từ ông Phạm Hữu Trưng đến các ông Phạm Văn Nhâm (1961), Nguyễn Công Xem (1966), Trần Ngọc Côn (1972), Trần Văn Rỏ (1975), Võ Cung Dân (1989), Nguyễn Kim Trượng (1995), Phạm Ngọc Kinh (2001); từ năm 2023 đến nay do ông Lê Thành Tánh (tự Thông Bổn, Tám Bổn) làm Trưởng Ban Khánh tiết đình An Hoà.
Ngôi đình hiện nay ở vị trí trung tâm của phường, mặt đình nhìn về hướng Nam, phía trước là cánh đồng lúa trũng và cách 300m là rạch Vàm Trảng. Năm 2004, đình An Hoà được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Nghi thức cúng tiền vãng - hậu vãng.
Năm nay, lễ Kỳ yên được diễn ra trong 2 ngày từ ngày 11-12.2 (nông lịch). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình An Hoà. Nghi lễ được bắt đầu từ lúc 18 giờ ngày 11.2, các tôn giáo tại địa phương gồm Phật giáo, Công giáo và Cao Đài tề tựu về đình thực hiện nghi thức cầu an. Mỗi tôn giáo có nghi thức cúng riêng nhưng mang chung ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Sau lễ cầu an, Ban Khánh tiết đình tiếp đón khách thập phương đến viếng thần.
Đúng 0 giờ ngày 12.2 (nông lịch), tại chính điện diễn ra nghi thức Tỉnh sanh. Theo cổ lệ, heo hiến tế thần được đình chọn toàn sắc (tức heo toàn màu đen hoặc toàn màu trắng). Tiếp đến là các nghi thức cúng tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng và Thần Nông- để tưởng nhớ đến công đức của các vị lập làng, lập đình; và Túc yết- là hương chức tụ họp lại để ra mắt thần, trình cáo với thần việc tổ chức lễ tại đình.
Các nghi thức được thực hiện tuần tự như sau: tràn áp hầu bài ban (dàn quân hầu trở về vị trí đứng hầu hai bên bàn thần); bô lão (Ban Khánh tiết) tựu vị; củ soát lễ vật; quán tẩy; niệm hương; khởi cổ lệnh (nếu có); khởi thái bình thanh; khởi minh chinh; khởi đại cổ; khởi nhạc (bản Nghinh thiên tiếp giá, ba hồi chín chập); Chánh tế, bồi tế, Đông hiến, Tây hiến tựu vị chuẩn bị vào tế lễ; tuần hương; tuần rượu thứ nhất (sơ hiến lễ); đọc chúc văn; tuần rượu thứ hai (á hiến lễ); tuần rượu thứ ba (chung hiến lễ); hiến quả phẩm; hiến bỉnh; tuần trà; ẩm phước; hoá văn tế lễ thành.
Nghi thức cúng Thần Nông.
Biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tại lễ Kỳ yên đình An Hoà.
Từ rạng sáng ngày 12.2 (nông lịch), Ban Khánh tiết tiếp đón các hội đoàn, đình bạn và nhân dân đến cúng đình. Nghi thức sau cùng trong lễ Kỳ yên là đưa khách, tức đưa các vị khuất mặt khuất mày đến dự lễ ở đình trở về, Ban Khánh tiết làm bè chuối, đặt các lễ vật và đưa đi ra ngoài cổng đình. Vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, đình tổ chức cúng đại lễ có thực hiện nghi thức Đoàn cả, xây chầu - đại bội và hát bội, phụng cúng linh thần và phục vụ nhân dân đến cúng đình.
Trong lễ Kỳ yên đình An Hoà năm nay, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh tổ chức trưng bày hình ảnh, tài liệu và biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể tại tỉnh nhà.
Đình An Hoà là một trong các đình của Tây Ninh còn giữ được nghi thức cúng quy củ theo lệ xưa, đúng với truyền thống đình làng Nam bộ. Dù cho cuộc sống có thay đổi theo hướng hiện đại, ngôi đình vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân An Hoà.
Phí Thành Phát - Minh Trí