BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình Bà An Thạnh 

Cập nhật ngày: 28/05/2020 - 15:44

BTN - Rằm tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày lễ hội Kỳ yên của ngôi đình Bà, nằm ở ấp Bến, xã An Thạnh. Những năm trước, dịp này bến Đình sôi động lắm. Lễ Kỳ yên diễn ra trong ngày 15 và 16.

Đình Bà An Thạnh.

Từ sớm ngày 15, Ban Cúng tế đã có mặt đầy đủ, cử một đoàn đi thỉnh, rước linh vị “Lệnh ông Chúa Tàu” tại dinh Ông ở ấp Voi. Thỉnh xong, các ban thờ cũng đã xếp đầy những vật phẩm cùng hương hoa cúng tế. Sau đó, Ban Cúng tế làm lễ tế điện thuần theo nghi thức dân gian truyền thống. Chuông trống nổi lên, nhạc lễ ngân nga. Chánh tế, bồi tế áo dài khăn đóng, ai vào việc nấy phối hợp nhịp nhàng. Đào thài đứng sắp hàng, học trò lễ trịnh trọng đi đứng, dâng lên các vật phẩm cúng trên ban thờ chính…

Đến chiều có các nhóm nghệ nhân trình diễn múa bóng, mâm vàng ở cả hai ngôi đình và dinh. Các tăng ni và phật tử chùa An Phước đến làm lễ cầu an, sau đó là các tiết mục văn nghệ dân gian và đờn ca tài tử.

Năm trước còn thấy có cả tốp múa “Địa Nàng”- một tiết mục dân gian đặc sắc ở miền Nam, nay đã không còn thấy ở nhiều nơi khác. Qua ngày 16, Ban quản lý đình thực hiện nghi thức mổ heo (thỉnh sanh) để cúng thần, làm lễ tế điện nghiêm trang, phẩm vật cúng dâng lên là heo quay và nhiều món mặn.

Cuối cùng là quan khách cùng bà con dự tiệc “thừa lộc thánh” để liên hoan… Đấy là chưa kể đến phần hội góp vui của các nhóm múa lân sư, nhất là lúc đi thỉnh rước linh vị ở Dinh Ông hay vào những lúc khai trống khai mõ, chuông trước nghi thức vào chính lễ.

Năm nay, lễ Kỳ yên không còn cảnh đông đúc rộn ràng do phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bến sông quanh đình cũng không còn cờ xí trang hoàng và thì thùng tiếng trống lân rộn rã. Nhưng lễ cúng mang tính nội bộ vẫn cứ thầm lặng mà đầy đủ. Bánh trái, hương hoa cùng các món chay xếp chật trước mỗi ban thờ.

Ngay trước ban chính điện còn có một mô hình tàu (ghe) được làm từ bìa cứng, có trang trí chăng dây đèn, cờ hoa cẩn thận. Trông tàu hơi giống kiểu “thuyền tống ôn” ở các ngôi đình khác ven sông, nhưng nhìn kỹ thì thấy khác.

Trên tàu có một gian buồng, trong đó là ảnh và tượng những nữ thần cùng các cô hầu xinh xắn. Hỏi ra mới biết đây không phải là thuyền tống ôn, mà là mô hình kiểu “hàng mã” để đốt sau khi buổi lễ đã hoàn thành.

Lễ phục tế điện vẫn diễn ra như mọi năm, với các vị trong Ban Cúng tế áo thụng xanh, khăn đóng, học trò lễ mũ cao, áo dài thắp lửa châm đèn dâng lễ vật. Các cô đào thài đứng một bên, nhạc lễ một bên hoà tấu dặt dìu, không ồn ã như mọi năm, nhưng chẳng kém phần chu tất.

Đình Bà nằm trên một bến sông rộng cả trăm mét trên thềm sông Vàm Cỏ Đông. Bến xưa chắc đã từng rộn ràng sôi động lắm vào cái thời mà mọi hoạt động giao lưu thương mại còn hoàn toàn ở trên sông. Vậy mới thành cái tên ấp xưa còn đến nay là ấp Bến.

Phần đất có đình được xây bao đá hộc thành một cái thềm cao hơn 1m. Phía trước thềm là cổng với 2 trụ gạch xây lớn, trên có tấm tường ngang đặt cặp rồng tranh châu. Dưới đắp chữ nổi “Đinh Ba Xa An Thạnh” (đình Bà xã An Thạnh). Đôi câu đối đắp nổi bằng chữ Việt trên mặt trước cột là:

- Thánh miếu đường, Sơn hà canh tân

- An Thạnh thôn, Xã tắc chuyên nghiệp

Chẳng biết chữ người xưa viết đã bao năm, nhưng đến nay vẫn còn ý nghĩa thời đại. Đấy là “chuyên nghiệp” để “canh tân”.

Từ cổng lùi vào hơn 10m mới đến mặt tiền đình. Đấy là một gian mái bằng, trên mái có xây thêm tường và lợp ngói ống men xanh. Trên mái có cặp tượng rồng tranh châu, men màu óng ả, bên dưới là trang trí những vòm cong, trụ cổng, gờ phào.

Tiếp theo là lớp võ ca với 3 gian 2 nhịp nhà, lợp 2 mái tôn. Bên trong nổi bật là đôi tượng ngựa. Sau võ ca mới là chính điện, cũng xây kiểu 3 gian, 2 nhịp, nhưng cả 2 mái đều bằng ngói móc. Hai cột chính giữa có đắp tượng rồng cuộn quanh, sơn vẽ nhiều màu.

Trước cột rồng là hai hàng lỗ bộ. Chính giữa gian sau cùng là ban thờ chính thờ “Thất vị nương nương”. Hầu như quanh năm ban thờ này đều được chăm sóc kỹ càng, với lư hương, chân đèn đồng sáng chói với lọng tàn che hai bên, bảng đại tự đỏ chữ vàng cùng với cặp hạc chầu, bình bông, chân đèn nến. Chính điện có kích thước mặt bằng vuông khoảng 7x7 mét.

Sách Truyền thống Cách mạng xã An Thạnh (1945-1975) của Đảng bộ xã in năm 2010 viết về đình Bà như sau: “Đình Bà thờ Thất vị nương nương đặt tại ấp Bến. Đình có từ bao giờ không rõ, trước đây làm rất thô sơ nhằm để thờ 7 người phụ nữ…

Đến năm 1928, hương sư Ngô Văn Chúng đã tự bỏ tiền ra xây dựng lại đình một cách kiên cố, cột đình bằng cây gỗ quý to, một người ôm không giáp… Tương truyền rằng: “Từ buổi đầu khai cơ lập nghiệp nơi đây, một số người đã được Bảy Bà không rõ nguồn gốc, tên họ kinh thiêng về báo ứng là sẽ phù hộ cho dân làng an cư lạc nghiệp”…

Và trong tâm tưởng của mình, họ cho rằng Bảy Bà cũng là những bậc công thần có công khai phá vùng đất này nên lập đền thờ… Sự linh thiêng của Bảy Bà được truyền khắp nơi, lan toả sang các khu vực lân cận nên khách thập phương đến cúng viếng cầu may, cầu phước…

Trong chiến tranh, đình đã nhiều lần bị giặc Pháp và Mỹ đánh phá bằng máy bay và phi pháo. Sau ngày giải phóng 30.4.1975, đình Bà được trùng tu lại đón khách thập phương xa gần đến cúng viếng, lễ hội Kỳ yên vẫn được duy trì vào ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm” (trang 20- 21).

Nhiều người ở địa phương khác đã biết tới lễ hội Kỳ yên hát cúng ở dinh Ông. Dinh nằm tại ấp Voi, An Thạnh, cũng là nơi có chùa An Phước. Nhưng ít người biết hơn về đình Bà, cũng như quan hệ giữa hai ngôi thờ tín ngưỡng dân gian đặc sắc của làng xưa An Thạnh.

Lễ hội Kỳ yên đình Bà vào dịp rằm tháng 2 âm lịch thì đến rằm tháng ba là lễ hội ở dinh Ông, thường tổ chức suốt 3 ngày từ 14 đến 16. Vào ngày 15, Ban Cúng tế dinh Ông cũng cử đoàn đi rước linh vị của “Thất vị nương nương” ngự tại đình Bà. Một ở trên gò, một ở bến sông. Hai bên vẫn ngóng chờ nhau vào độ giữa mùa xuân.

TRẦN VŨ