Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi 42 loại thuốc dạ dày chứa hoạt chất domperidon và chất ức chế bơm proton, thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain.
Ảnh minh họa.
Thuốc dạ dày chứa hoạt chất domperidon và chất ức chế bơm proton thường được dùng trong điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn do nhiễm trùng, thuốc, hóa/xạ trị, điều trị và dự phòng tái phát loét tá tràng, loét dạ dày và viêm thực quản do trào ngược dạ dày-thực quản.
Thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain thường được dùng trong những trường hợp phù nề, sưng tấy do chấn thương hay phẫu thuật, dùng phối hợp điều trị trong các bệnh đường hô hấp trên như viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang...
Hai loại thuốc này hiện nay được bán ở nước ta với nhiều biệt dược phong phú.
Tuy nhiên, mới đây, căn cứ vào thông tin, khuyến cáo của cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới, cũng như kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc-Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đã có quyết định rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi toàn bộ 42 loại thuốc dạ dày chứa hoạt chất domperidon và chất ức chế bơm proton, thuốc chống phù nề chứa hoạt chất phối hợp trypsin và bromelain.
Cụ thể: Thuốc sản xuất trong nước chứa dược chất phối hợp domperidon và chất ức chế bơm proton bao gồm các sản phẩm: Stomedon, trizodom, molingas, prazodom, bipando, defaton, lomerate, ausmezol-D, othevinco, domeloc, domprezil.
Thuốc nhập khẩu chứa dược chất phối hợp domperidon và chất ức chế bơm proton bao gồm các sản phẩm: Dompan forte, dompan, digazo, panido-D, omicap-D, L-Cid-D, G-Pandom, limzer, digazo, ulceburg D.
Thuốc sản xuất trong nước chứa dược chất phối hợp bromelain và trypsin bao gồm các sản phẩm: Protase tab, brosafe, pedonase, kimose.
Thuốc nhập khẩu chứa dược chất phối hợp bromelain và trypsin bao gồm các sản phẩm: Strikase, gimof, trimelan tab, belarosin, orzynase tablet, probilase tablet, berovase tablet, kotase tab, daeshinprotase, paticur, brotilase, kimoral S, bonxicam, phartino.
Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty đăng ký phối hợp với các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối thuốc thực hiện thu hồi và hủy toàn bộ 42 loại thuốc này theo đúng quy định tại Luật Dược 2016.
Người dân khi đi mua thuốc cần chú ý để tránh mua nhầm phải những thuốc đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi nêu trên.
Nguồn SK&ĐS