Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sốt xuất huyết đang ở đỉnh dịch với hơn 40.000 ca mắc, 25 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã có thông báo khẩn khuyến cáo các dấu hiệu sớm của bệnh.
Tại miền Bắc, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chủ yếu là người lớn.
Ngày 1-10, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tính đến tuần 38 của năm 2015, cả nước có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 25 trường hợp tử vong. Hiện dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Dịch SXH diễn biến đặc biệt phức tạp tại các tỉnh phía Nam. TP HCM hiện dẫn đầu cả nước về số ca mắc với 9.357 ca SXH nhập viện, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tuần 38, TP HCM đã có 592 trường hợp SXH nhập viện, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước.
Điều tra dịch tễ tại các ổ dịch đều phát hiện ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh SXH trong những vật chứa nước thông thường như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó là những điểm nguy cơ tập trung như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải…
Theo Cục Y tế dự phòng, nếu so sánh với thời điểm cách đây 3 tuần, số ca mắc SXH ở mỗi tỉnh thành tăng mạnh thêm 1.000-1.200 ca mỗi tuần. Hiện dịch SXH đang ở đỉnh dịch. Bộ Y tế lo ngại con số tử vong tiếp tục tăng lên do số mắc mới vẫn gia tăng.
Bệnh nhân SXH đều phải nằm ghép.
Giường ở hành lang BV bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân cũng phải nằm ghép do quá tải bệnh nhân SXH.
Trước đó, chiều tối 30-9, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Trưởng đoàn công tác đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc SXH tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện khám từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXH.
Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/ 220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Số ca mắc SXH tăng nhanh kéo theo tình trạng quá tải trầm trọng ở các phòng bệnh. Kể cả các giường bệnh ở hàng bệnh nhân SXH đều phải nằm ghép 2-3 người/giường.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của BV, tổng số bệnh nhân mắc SXH nặng có 26 ca, chiếm tỉ lệ 4%. Theo ThS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa cấp cứu, đa số các ca có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố mà không cần lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị, gây quá tải cho BV.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Tại buổi làm việc, PGS Lương Ngọc Khuê yêu cầu Khoa Khám bệnh phải thực hiện tốt công tác phân loại, sàng lọc bệnh nhân và điều chuyển hợp lý bệnh nhân giữa các khoa.
Các trưởng khoa kiểm tra sát sao, đánh giá tình hình, yếu tố dịch tễ, vùng miền của người bệnh mắc SXH để có những can thiệp kịp thời trong công tác điều trị
Trước diễn biến bệnh SXH do muỗi truyền có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định với diễn biến này sẽ khó tránh tử vong do SXH.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn khẩn khuyến cáo người dân không điều trị SXH tại nhà, đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện nghi ngờ SXH: Sốt cao liên tục 2 - 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu, phát ban, xuất huyết dưới da.
Bộ Y tế khuyến cáo khi thấy sốt nên nghĩ đến bệnh SXH.
Cơ quan này cũng khuyến cáo các cơ sở y tế nên nghĩ tới SXH khi người bệnh bị sốt đến khám; Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SXH đã được ban hành.
Đặc biệt, cần theo dõi sát các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh để phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm đúng theo hướng dẫn đã ban hành; Hội chẩn với tuyến trên khi khó chẩn đoán, điều trị.
Thực hiện việc chuyển viện an toàn: liên hệ trước nơi nhận, chuẩn bị phương tiện, thuốc, nhân lực hộ tống người bệnh trên đường chuyển viện, ghi đầy đủ thông tin theo quy định vào giấy chuyển viện của người bệnh.
Nguồn Người Lao Động