BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình Đôn Thuận

Cập nhật ngày: 17/05/2011 - 11:18

Miền đất tâm điểm của vùng “tam giác sắt” thời kháng chiến chống Mỹ: Bến Cát (Bình Dương); Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cũng đã có một ngôi đình vừa được hồi sinh. Đấy là đình Đôn Thuận, nay thuộc ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng. Đình mới có mặt tiền quay về phía Nam, nơi có khu di tích Bến Dược chỉ cách khoảng chừng năm cây số. Cạnh đấy, phía Đông là bến đò Bùng Binh, nơi ngày nay vẫn còn ngôi miếu Bà Chúa Xứ. Đình nằm trên một gò cao, nơi từng bị Mỹ chiếm làm kho xăng dầu, còn vết tích ở mấy bờ kè đá. Vậy nên từ sân đình đã thấy một bức tranh thuỷ mạc hữu tình. Xa xa những cánh đồng lúa vàng thuộc tỉnh bạn Bình Dương. Còn ngay trước mặt, cũng luênh loang mặt nước những hồ nuôi cá điểm xuyết vài mái tôn, mái tranh của những chòi canh cá.

Ôi! Bùng Binh, Đôn Thuận một thời. Những cái tên ở miền này, mới nghe tưởng xa lăng lắc. Những Sóc Lào, Cầu Xe… Miền đất mà ngay ngôi trường học của trẻ em Cầu Xe cũng bị bom Mỹ làm cho tan nát. Ngay gần với ngôi đình mới này đây, xưa từng có một khu gò tháp đất nung cả hơn ngàn năm trước. Vậy mà đến hoà bình 1975, tháp đã không còn một viên gạch nào được nguyên lành trên mặt đất. Địch càn, ta đánh liên miên hàng chục năm khi căn cứ Bời Lời kiên cường tồn tại, nên từng có một xác xe tăng nằm mãi ngay trước UBND xã Đôn Thuận hàng mấy chục năm sau giải phóng.

Đình Đôn Thuận

Đến rằm tháng 3 âm lịch năm nay, đình Đôn Thuận đã lại “xênh xang mũ áo” đứng lên hiên ngang dưới nắng mặt trời. Mới tinh khôi, nên có vẻ là điểm nhấn rực rỡ nhất giữa không gian keo tràm xanh mướt. Thoạt nhìn là thấy mái ngói đỏ tươi, nhiều cặp rồng vàng bay trên nóc và từng góc mái. Tường quét sơn xanh điệp màu với da trời, trên ấy là những ô cửa vòm cong lớn nhỏ xen nhau đăng đối với những đường gờ chỉ vàng tươi. Vào bên trong, sẽ thấy mát mắt hơn nhờ tường ốp gạch men màu trắng mát, nổi bật trên nền gạch tàu tươi đỏ. Dường như niềm mong mỏi có ngôi đình đã rất lâu rồi, nên ai nấy cũng muốn cho đình thật đẹp tươi và rực rỡ. Hẳn là ghe thuyền đi lại trên sông Sài Gòn, ai cũng thấy rõ đình làng trên bến sông xưa.

Đình Đôn Thuận được xây dựng đồng thời cả vỏ ca và chính điện. Kích thước hai ngôi cũng y hệt nhau, đều có bề ngang 8m30 và rộng 7m40. Hai ngôi đều được chia mặt bằng thành ba gian, ba nhịp với 4 cột bê tông tứ trụ tiết diện tròn đường kính 40cm. Gian giữa rộng hơn (4m20) và nhịp giữa cũng rộng hơn (3m20). Chỉ có khác là: vỏ ca chỉ có cột, tường xen các vòm cong trên cả ba mặt: hai bên và phía trước. Mặt sau chỉ có trụ cột, để liên thông với chính đình qua một hành lang rộng 2m70. Chính đình chỉ khác với vỏ ca là có tường bao, cửa chính và cả những ô cửa sổ vòm cong. Bên trong, ngoài bàn thờ thần ở giáp tường hậu gian chính giữa, còn thêm 4 bàn thờ của các vị: tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền ở hai bên sau, trước. Điều khác biệt với tất cả các ngôi đình khác là có thêm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở gian chính giữa, ngang với hàng cột đầu tiên gian tứ trụ. Đặc biệt nhất là trên các bàn thờ đều viết đại tự bằng chữ Việt hẳn hoi mà không dùng Hán tự. Như trên bàn thờ Thần, chỉ một chữ “Thần” thôi!

Ông Nguyễn Văn Mầu, tuổi đúng 70 là Trưởng Ban vận động tái lập ngôi đình mới cho hay: “Đình Đôn Thuận đã có tự lâu rồi, cụ thể năm nào không rõ, nhưng từ khi tôi sinh ra và lớn lên đã thấy có đình. Còn nhớ đình có cột gỗ và lợp ngói, quay mặt ra sông Sài Gòn. Mỗi năm đến hội kỳ yên 15 tháng 3 âm lịch là cả làng lại đi rước sắc thần về làm lễ cúng. Khi ấy, để tránh việc bị kẻ gian lấy mất, sắc phong phải gửi ở một ngôi thánh thất Cao Đài ở cách xa sông. Rồi đình bị đạn bom tàn phá. Sau 1975, đời sống còn khó khăn nên người dân chỉ xây tạm trên nền cũ một ngôi miếu nhỏ. Nay dân đã khá lên, lại được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ nên mới xây được đình làng to đẹp, khang trang”.

Qua câu chuyện của các cụ trong Ban hội đình, vào dịp sắp mở hội kỳ yên đầu tiên năm Tân Mão 2011 vừa qua, mới biết rằng có rất nhiều tấm lòng cán bộ, nhân dân nhiều nơi quan tâm đến đình Đôn Thuận. Album ảnh kỷ niệm của Ban hội đình có ảnh của rất nhiều cán bộ Tây Ninh và TP.HCM đến thăm viếng và ủng hộ xây đình. Người ta có thể kể ngay, Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng vận động doanh nghiệp ủng hộ hàng trăm xe đất tôn nền; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng đem đến tận nơi tặng một số tượng thờ gồm: sư tử, hổ, ngựa và chim hạc… Đây chính là mảnh đất địa đầu của chiến khu Bời Lời anh dũng, từng là căn cứ của Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định. Vì thế, ngôi đình làng phải được hồi sinh!

Trần Vũ