Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình Đồng Dụ - nơi lưu giữ nhiều di vật quý

Cập nhật ngày: 22/04/2012 - 12:55

Ở làng hoa, cây cảnh Đồng Dụ, xã Đặng Cương (huyện An Dương), người dân địa phương tự hào về ngôi đình mang tên làng được bảo tồn, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đình thờ thành hoàng làng - đức Đại Phạm - có công với nước và dân làng. Hiện, đình có khá nhiều di vật quý. Từ năm 1991, đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Rước kiệu thành hoàng làng

Thần phả mà dân làng lưu giữ được đến ngày nay ghi rõ công đức của đức Đại Phạm. Ông là con của dòng họ Nguyễn ở làng Đồng Dụ, có tài trí, học hành thông minh, võ nghệ cao cường. Ông kết duyên cùng bà Đỗ Thị Uyên, người cùng làng, sinh được 6 người con trai. Năm Quang Thái thứ 9, nhà Trần mở khoa thi, ông đỗ thủ khoa, sau đó được bổ nhiệm làm quan. Thời bấy giờ, đất nước gặp khó khăn, dân tình nghèo đói, ông đã tâu với vua xin miễn đóng thuế cho làng Đồng Dụ.

Năm 1398 – 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần. Nhiều quan lại bất bình, những người trung thành với nhà Trần chống lại nhưng bất thành. Đức Đại Phạm lánh nạn về quê ở làng Đồng Dụ. Ông cùng 6 người con bàn mưu, tính kế để giúp vua, cứu nước. Ông phát hịch truyền trong làng Đồng Dụ và các làng lân cận để chiêu mộ nhân tài, binh sĩ. Dựa vào địa thế hiểm trở của làng Đồng Dụ, ông cho lập đồn chính, đóng quân tại trung tâm làng. Các con của ông được giao các việc trọng trách như kiểm soát quân sĩ, vũ khí, lương thảo, luyện tập binh sĩ, bài binh bố trận… Làng Đồng Dụ khi đó trở thành thế trận phòng thủ vững chắc, có một đạo quân tinh nhuệ, binh mạnh, tướng hùng.

Năm 1407, giặc Minh (Trung Quốc) sang xâm chiếm nước ta. Đức Đại Phạm nhận chiếu chỉ vua Trần ban, dẫn một đạo quân nhận trọng trách trấn giữ miền Duyên Hải. Đúng ngày 18 tháng Giêng năm Mậu Tý (1409), ông cùng các con và binh sĩ dùng thuyền giao tranh với quân giặc. Sau khi thắng trận, ông lui quân về phòng thủ. Giặc Minh cậy thế đông quân dùng thuyền bao vây tứ phía. Trong trận giao tranh quyết liệt, không cân sức quân ta không được chi viện kịp thời nên gặp nhiều khó khăn, nhưng quyết không hàng giặc. Đức Đại Phạm kêu gọi binh sĩ cắt máu ăn thề, quyết chiến với giặc. Cuối cùng, cha con ông quyết tử vì nước đúng vào 6 tháng Chạp năm Mậu Tý. Sau này, nhân dân trong làng tôn đức Đại Phạm là Đại Vương thành hoàng làng,  lập đình thờ ông cùng 6 người con.

Đình Đồng Dụ được xây dựng trên một khu đất cao, mặt chính quay hướng Tây với không gian rộng mở, thoáng đãng, phía trước có cây cổ thụ  300 năm tuổi. Nhìn chính diện, đình có quy mô vừa phải. Hai bên hồi tường được xây nổi mỗi bên 3 trụ đấu. Mái lợp ngói kiểu vẩy hến, bên dưới còn có lớp ngói màn. Đình có kết cấu 3 gian tiền đường với 4 vì, kết cấu vì kèo thống nhất theo kiểu chồng rường thuận kẻ, có 4 hàng chân cột mỗi vì…Trang trí kiến trúc hoa văn của đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Trong đình, các hiện vật được bài trí hợp lý. Ở vị trí chính giữa gian trung tâm nhà tiền đình kê cột hương án. Tỏa về hai hồi gian hậu cung kê hai chiếc long đình sơn son thiếp vàng với những mảng trạm trổ khá sinh động. Ở chính giữa gian hậu cung là tượng đức Đại Phạm ngự trên ngai rồng với đầy đủ mũ áo như đang chuẩn bị xung trận. Tượng được chế tác theo lối tượng tròn, chân dung mang nhiều nét dung dị, hiền lành, áo giáp trụ nổi rõ hình rồng. Trong đình còn có nhiều hiện vật gỗ có giá trị mỹ thuật cao như hòm đựng sắc phong chạm thủy rồng, phượng, long mã…; bát hương đại men sành đắp nổi hình lưỡng long trầu nguyệt; kiệu bát cống sơn son thiếp vàng; hàng bát biểu; câu đối… Di vật mà các cụ già trong làng cho là quý giá nhất tại đình hiện nay là sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn như Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Đình còn bảo tồn, lưu giữ được 4 tấm bia cổ với nội dung  ghi chép về các lần tôn tạo đình làng.

Theo người dân địa phương khẳng định, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khá linh thiêng. Vì vậy, nhiều di vật quý vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Ông Bùi Văn Thủ, người trông coi đình làng cho biết: “3 năm trước, vào lúc nửa đêm, nghe thấy tiếng lạo xạo bên đình, linh cảm như các cụ về báo có chuyện chẳng lành, tôi liền thức dậy và bắt gặp tên trộm đang lấy đi một số đồ thờ tự quý của đình. Lập tức tôi hô dân làng đuổi bắt, lấy lại được”.

Trưởng làng văn hóa Đồng Dụ Nguyễn Sinh Súy cho biết: “Tự hào về truyền thống của đình làng, dân làng ngày nay cùng chung tay bảo vệ, lưu giữ các hiện vật quý. Đình làng cũng là nơi sinh hoạt văn hóa thiết thực của bà con dân làng. Năm nào, làng cũng khen thưởng các cháu đạt học sinh giỏi, thi đỗ vào đại học tại đình. Các cụ cao tuổi thường xuyên họp bàn việc làng tại đây. Đặc biệt, vào dịp lễ kỷ niệm ngày đức Đại Phạm ra trận năm nào làng cũng mở hội với nhiều nghi thức quan trọng như rước kiệu thành hoàng, tế, lễ; tổ chức các trò chơi dân gian…”. Ông Súy cũng như các cụ già trong làng hiện băn khoăn, cùng với thời gian, đình làng đang xuống cấp, rất cần có sự chung sức của dân làng để tôn tạo, tu sửa. Sắp tới, dân làng mong muốn cùng với nguồn đóng góp chính của người dân có thêm sự quan tâm của thành phố, huyện để đình làng Đồng Dụ được cải tạo, phát huy đúng giá trị văn hóa lịch sử của di tích cấp quốc gia.

Đ.T (st)