Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Đình Hiệp Ninh, hồn xưa bóng cũ
Thứ ba: 05:06 ngày 22/06/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đình Hiệp Ninh có thể được coi như một hình mẫu chuẩn về cấu trúc của đình Nam bộ. Chỉ nhìn từ ngoài thôi đã thấy một kiến trúc chững chạc và bề thế…

Hồi đầu năm 2010, những người quan tâm đến di sản văn hoá vật thể ở Tây Ninh đón nhận tin vui, đấy là đình Hiệp Ninh, di tích Văn hoá lịch sử cấp quốc gia được khởi công trùng tu tôn tạo.

Vui vì đây là ngôi đình cổ, lớn và đẹp nhất Tây Ninh. Đình được xây từ cuối thế kỷ 19 với quy mô lớn: 750m2 diện tích xây dựng; có bốn lớp nhà từ trước ra sau: võ ca, chính đình, sân thiên tĩnh và hậu đình. Đấy là còn chưa kể tới phần hành lang có sau năm 1910 gồm cả hai gác chuông, trống ở hai bên. Phía trước sân đình còn có bức tường bình phong xây cao, rộng chắn trước bàn thờ Thần Nông, cùng với các trụ, mảng tường hai bên tạo thành hai cổng phụ. Sau hai cổng phụ có hai ngôi miếu thờ thần Bạch mã Thái giám và Bà Chúa xứ. Nói tóm lại, đình Hiệp Ninh có thể được coi như một hình mẫu chuẩn về cấu trúc của đình Nam bộ. Chỉ nhìn từ ngoài thôi đã thấy một kiến trúc chững chạc và bề thế, có tỷ lệ hài hoà giữa các tấm đắp, phù điêu trang trọng ở mặt tiền đình. Hai bên là hai gác một lầu cũng thật ưa nhìn với những vòm cong nhẹ dịu dàng, với mái ngói âm dương tạo hình bánh ít và hàng lan can con tiện. Nhô lên phía trên, sau các trang trí mặt tiền là ba lớp mái ngói âm dương đã sẫm màu nâu đen. Chỉ thấy đôi chỗ ánh lên màu men xanh trên những trang trí gốm sứ đặt ở các bờ nóc và đuôi mái. Đấy là rồng chầu mặt trời, những vị bát tiên, những đôi cá chép quẫy đuôi như muốn hoá rồng và những đôi nghê (có nơi còn gọi là đôi sấu đá). Đi theo con đường bên hông phải của đình, ta sẽ còn nhận rõ hơn ba bộ mái ngói hình bánh ít, lớp trước lớp sau theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” (nghĩa là cùng một nền nhưng nhiều lớp mái). Hai lớp trước của gian võ ca và chính điện giáp nhau. Lớp mái hậu đình tách một khoảng ra sau. Và nối giữa hai phần ấy còn có một mái ngói thấp hơn, cũng ngói âm dương nhưng chỉ có hai tấm mái tụ về đỉnh nóc. Trên ấy là những hoa văn bằng xi măng đắp hình giản dị nhưng xinh xắn. Đây chính là hai mái nhà cầu nối, ôm choàng lấy chiếc sân trời mà người Hoa thường gọi là sân thiên tĩnh. Giữa sân trời ấy có một hồ nước với hòn non bộ ở bên trong.

Đình cổ Hiệp Ninh (Thị xã) trước khi trùng tu, tôn tạo.

Thế nhưng, tất cả những kiến trúc được sơ phác ở trên thật cũng chẳng có gì phải ngợi ca quá đáng. Nhiều ngôi đình chùa ở Tây Ninh cũng có kiểu kiến trúc tương tự, như ở các đình An Tịnh, Thái Bình, Gia Lộc... Sự “độc nhất vô nhị” ở kiến trúc đình Hiệp Ninh là kho tàng điêu khắc gỗ quý giá. Đấy là những đôi liễn đối mặt cong được tách ra từ nguyên một thân cây gỗ lớn, dài bằng thân cột sơn son hoặc sơn then thếp vàng theo nghệ thuật cổ truyền. Phần nhiều số liễn đối này được làm từ những năm 20 của thế kỷ 20, trải gần 100 năm vẫn óng ánh màu đỏ, đen, vàng của chất liệu sơn ta huyền hoặc, hay óng ả màu son. Đấy là những bộ cửa võng (bao lam) với nghệ thuật chạm thủng cầu kỳ các hình tượng người, tứ linh, hoa trái đặc biệt sống động và tinh xảo. Tiếc rằng, cùng với sự tàn phá của thời gian và cả những bàng quan của con người thời hiện đại đã làm cho kiệt tác kiến trúc và điêu khắc này trở nên gần như hoang phế. Vài cụ trong Ban Quý tế có gắng gượng giữ gìn lắm thì cũng chỉ duy trì được ngôi võ ca và chính đình để mỗi năm đôi lần làm lễ cúng. Hậu đình dột nát đã từ lâu nên chỉ chờ có dịp là sụm xuống. Một ngày của vài năm trước, đến cả bức bình phong xây tường đôi có trụ gạch hẳn hoi cũng bị một cơn mưa giông quật đổ, kéo theo hai cổng phụ. Là di tích quốc gia, nên đình cũng đã có đôi lần được đầu tư chống xuống cấp, lần cao nhất được 50 triệu đồng, chỉ vừa vặn xây được phần bó hè bao quanh tứ phía ngôi đình. Lần khác đáng nhớ hơn là nhờ vào việc mở đường 30/4  mà tiền đền bù cho cái cổng cũ (xây 1942) vừa đủ xây lại cái cổng mới gần y như cũ. Vậy là đã mừng lắm rồi, các cụ bảo thế! Ai ngờ lần này đình được đại trùng tu với kinh phí nghe đâu tới mấy tỷ đồng, hỏi làm sao các cụ trong Ban Quý tế chẳng mừng vui!

TRẦN VŨ

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục