BAOTAYNINH.VN trên Google News

Định hướng việc làm từ công tác hướng nghiệp 

Cập nhật ngày: 25/05/2022 - 07:12

BTN - Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT.

Chị Trương Ngọc Thanh Trúc- Giám đốc Trung tâm đào tạo TPA hướng dẫn trải nghiệm nghề cho người tham quan

Ông Dương Quốc Sinh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Theo chính sách phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, phấn đấu đến năm 2025 phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp đạt 40% đối với học sinh THCS và 45% với học sinh THPT. Tuy nhiên, tại Tây Ninh, thời gian qua, tỷ lệ này đạt thấp. Năm học 2021-2022, phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS chỉ đạt 16,4%, THPT đạt trên 21%. Trong khi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là rất lớn. Tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh cần trên 20.000 lao động mỗi năm. Do vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, các em tham gia giáo dục nghề nghiệp là cấp thiết, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh và các địa phương lân cận.

Năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện. Bước đầu đạt một số kết quả quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có những chuyển biến. Số lượng đăng ký học tại các trường trung cấp, cao đẳng ngày càng tăng; học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường trung cấp, cao đẳng đều có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo hoặc tự tạo việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình”.

Định hướng việc làm cho học sinh là việc cần thiết, giúp các em sớm có những chọn lựa phù hợp với khả năng mình, bảo đảm được cơ hội việc làm trong tương lai. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT. Mới đây là Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại huyện Gò Dầu.

THAY ĐỔI TỪ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Theo ông Trần Anh Tuấn- Chủ tịch Viện Đào tạo phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh là hoạt động hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong tình hình hiện nay. Theo đó, thị trường lao động luôn cần nhân sự các cấp từ đại học và giáo dục nghề nghiệp (trong giáo dục nghề nghiệp có cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề). Trong sự phát triển của thị trường lao động, cần nhất là sự phù hợp nghề. Mỗi thanh niên, trong đó có thanh niên tỉnh Tây Ninh, đều có khả năng chọn lựa các cấp học phù hợp, bảo đảm nghề nghiệp trong tương lai.

Ông Tuấn nhận định, thị trường lao động trong nước, trong đó có Tây Ninh đang theo một xu hướng hội nhập toàn diện, hướng tới công nghệ số. Vì vậy, lực lượng lao động có nghề nghiệp hết sức quan trọng, đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh cũng như của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Tổ chức Ngày hội tư vấn giúp các em hiểu thêm về hệ thống giáo dục nghề nghiệp của quốc gia, đặc biệt là hệ thống giáo dục của tỉnh, giúp các em tiếp cận được các trường cao đẳng, trung cấp để hiểu và có thêm sự lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp, cao đẳng hiện nay rất lớn”- ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho các doanh nghiệp hay xuất khẩu lao động. Đối với Tây Ninh, các nhóm ngành, nghề đang phát triển thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, du lịch, khách sạn, quản lý, công nghệ nông lâm sinh học, y dược trong tương lai sẽ thiếu hụt nhân lực để phục vụ. Đây sẽ là cơ hội việc làm cho rất nhiều người.

CƠ HỘI NGHỀ TẠI CHỖ

Thầy Châu Thành Trọng- Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Tây Ninh cho biết, trường hiện đào tạo 15 nghề trung cấp, 6 nghề cao đẳng; chỉ tiêu tuyển sinh với gần 800 em mỗi năm, trong đó chủ yếu hệ trung cấp. Trường dự kiến phát triển thêm hai nghề là công nghệ cơ khí và công nghệ điện tử. Theo thầy Trọng, để phát triển thêm nghề, trường đã khảo sát, điều tra nhu cầu thị trường lao động thông qua các kênh thông tin, nhu cầu của người học và doanh nghiệp. Mỗi năm, trường có khoảng 600 học sinh, sinh viên ra trường, tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường đạt gần 100%, không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Từ năm 2014, khi trường nâng cấp lên hệ cao đẳng đến nay thì số lượng đăng ký tuyển sinh vào trường tăng đến 140%. Hiện tại, nhà trường còn ký kết với Tập đoàn Sun Group liên kết đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động.

Để thu hút người học, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh thường tổ chức tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, THPT, đồng thời mời học sinh các trường đến tham quan cơ sở vật chất của trường nghề, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc, tìm hiểu về các ngành nghề.

 Chị Trương Ngọc Thanh Trúc- Giám đốc Trung tâm đào tạo TPA cho biết, trung tâm thành lập năm 2016, đến nay đào tạo hơn 5.000 học viên; bao gồm học viên được đào tạo trình độ sơ cấp tại trung tâm, học viên các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, trung tâm đào tạo đa ngành nghề, có liên kết với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các sở, ngành tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho doanh nghiệp, đào tạo nghề lao động nông thôn. Các ngành nghề tại trường hiện có gồm ẩm thực, làm bánh, cắm hoa, sắp tới sẽ có thêm một số nghề như spa, trang điểm.

Theo chị Trúc, học viên học nghề sau đào tạo có việc làm gần như 100%. Học viên sau khoá học có thể làm thuê hoặc tự kinh doanh. Trung tâm có kết nối doanh nghiệp, khi học viên cần việc sẽ được giới thiệu nhanh chóng.

Là cơ sở do Sở LĐ-TB&XH quản lý, trung tâm tham gia hầu hết các chương trình theo chỉ đạo của Sở. Ngoài ra, đơn vị còn kết hợp với Sở VH,TT&DL, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tham gia nhiều hoạt động tư vấn, quảng bá. Các ngành nghề tại trung tâm hiện thu hút học viên nhiều độ tuổi, trong đó tỷ lệ học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông không nhiều bằng các lứa tuổi khác, chiếm 20%-30% trong tổng số học viên mỗi khoá. Chị Trúc cho biết: “Tham gia các ngày hội tư vấn, hướng nghiệp là dịp để Trung tâm tự giới thiệu đến các em học sinh. Đây cũng là cơ hội cho các em trải nghiệm, tìm hiểu và đăng ký học nghề mình yêu thích”.

ĐỊNH HƯỚNG CHO TƯƠNG LAI

Sau khi tham gia ngày hội tư vấn, Lê Thế Hậu, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Quang Trung (Gò Dầu) cho biết, em rất ấn tượng với Trung tâm đào tạo TPA. “Em có niềm đam mê với ẩm thực, bắt đầu tập tành nấu ăn theo các video clip trên mạng từ năm lớp 8. Em dự định sẽ chọn một trường trên địa bàn tỉnh để học nghề sau khi tốt nghiệp THPT”.

Trương Thị Bích Trâm, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Quang Trung chia sẻ về đam mê du lịch. Đây là lần đầu em tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp, sau khi đi tham quan, nghe tư vấn từ một số trường, Trâm cho biết em sẽ cố gắng vào đại học, học ngành mình yêu thích.

Thầy La Châu Thông, giáo viên Trường THPT Quang Trung cho biết, trường đưa 50 học sinh khối 12 đến tham dự Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, để các em tìm hiểu thông tin về các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh. Theo thầy Thông, nhà trường thường xuyên có những buổi tư vấn, cung cấp thông tin tuyển sinh, đào tạo nghề do các trường đại học từ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đến hỗ trợ cho các em học sinh khối 12. Học sinh rất thích thú sau các buổi tư vấn vì có thể định hướng được nghề nghiệp, chọn lựa những ngành nghề phù hợp trong tương lai.

Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, thế giới nghề nghiệp đang chuyển đổi, đòi hỏi con người phải có một giá trị nghề nghiệp, năng lực hành nghề thì mới có thể thành công trong thị trường lao động. Khi chọn nghề, học sinh hãy dựa vào thực tế thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, hệ thống đào tạo của tỉnh và hệ thống của quốc gia trong quá trình hội nhập, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi người có sở trường, đam mê, hoài bão hay ý tưởng, hoàn cảnh riêng, quan trọng nhất là việc chọn lựa học trường nghề hay theo đuổi giấc mơ đại học phải phù hợp với bản thân.

Vi Xuân


Liên kết hữu ích