Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đình làng tháng Giêng
Thứ hai: 00:30 ngày 17/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng Giêng- tháng khởi đầu năm mới, những mái đình không còn trầm mặc mà tràn đầy không khí xuân.

Các thành viên Ban quý tế đình Truông Mít chuẩn bị hoa quả cúng thần.

Tại đình Truông Mít, ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, Ban quý tế đình vừa cúng rằm xong, hoa quả vẫn còn tươi mới. Vừa ngồi trò chuyện, ông Phan Văn Lớn (thường gọi ông Chín Lớn)- Trưởng Ban quý tế đình Truông Mít cho biết, dịp tết, người dân gần xa viếng đình đông lắm.

Đình không có lễ cúng giao thừa vào dịp năm mới nhưng từ trước tết, thành viên Ban quý tế và người dân đã cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng lại ngôi đình cho sạch sẽ tươm tất để đón tết như chính tại ngôi nhà của mình.

“Ngày tết dọc hàng ba có rất nhiều hoa do người dân mang đến cúng thần”- ông Chín Lớn vui vẻ nói. Ba ngày đầu năm mới, cửa đình luôn rộng mở để chào đón người dân đến cúng. Các thành viên Ban quý tế cũng túc trực để đón tiếp bà con.

Đến mùng 3 Tết, đình làm lễ cúng khai sơn hay gọi lễ ra binh để cúng binh gia cầu mong phù hộ địa phương được mưa thuận gió hoà, người dân làm ăn thuận lợi. Ông Chín Lớn nói rằng lễ cúng này làm đơn giản với vài mâm thết đãi người dân nhưng vẫn rất ấm cúng.

Ông Phan Văn Minh, một thành viên khác của Ban quý tế đình Truông Mít- thường xuyên túc trực tại đình trong những ngày tết vừa qua, cho biết: “Những ngày đầu năm đến đình, tôi thường cầu thần trước hết phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mọi việc thuận lợi, sau đó mới đến cầu nguyện riêng cho bản thân mình”. Đây cũng là việc làm thường xuyên của ông Minh vào dịp năm mới hay trong các lễ cúng quan trọng của đình. Ông Minh nói thêm, những ngày tết, nhiều người dân đến đình để cầu năm mới, trả lễ cho thần.

Bà Phạm Thị Hạnh là thành viên nữ duy nhất trong Ban quý tế đình nên thường đảm nhận nhiệm vụ mua hoa quả, chuẩn bị tiệc đón khách vào các dịp lễ quan trọng. Giáp tết, dù tất bật với việc nhà nhưng bà vẫn sắp xếp thời gian đến chăm chút cho ngôi đình.

Ngày đầu năm mới, bà sẽ đến đình thắp nén nhang cúng thần cầu nguyện năm mới an khang, thuận lợi. Cha của bà trước đây cũng là thành viên Ban quý tế đình, nên bà đã quen với văn hoá đình làng từ nhỏ. Bây giờ bà lại tiếp nối cha để góp phần gìn giữ nét văn hoá quê mình. Những ngày lễ quan trọng, người dân quanh vùng đều đến phụ giúp công việc của đình.

Nói về không khí đón tết ở đình Thanh Phước (thị trấn huyện Gò Dầu), ông Nguyễn Văn Minh- Trưởng Ban quý tế đình cho biết trước tết một tuần, Ban đã trang hoàng ngôi đình, chuẩn bị lễ cúng đêm giao thừa chu đáo. Những năm trước, ông Minh còn dựng cây nêu tại đình, năm nay do bận việc nên không kịp thực hiện.

Ông Minh chia sẻ, như đã thành truyền thống, người dân quanh vùng đến đình vào lúc giao thừa để thắp nén hương đầu năm sau đó mới đi viếng chùa. Mỗi năm, đình đều duy trì việc đãi cháo sau giao thừa để mời người dân ăn lấy lộc. Ước từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.000 người đến viếng đình, nguyện cầu năm mới thuận lợi, sức khoẻ. Theo ông Minh, việc này sẽ được duy trì trong suốt tháng Giêng.

Trưởng Ban quý tế đình nói thêm, giao thừa năm nay, Ban quý tế đình đã thực hiện lễ khai trống, khai mõ, khai chiêng. Đây được xem là một nghi thức quan trọng của đình. Trong không gian tĩnh mịch của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ như báo hiệu năm mới sang để mọi người cùng nguyện cầu cho quốc thái dân an.

Thực hiện nghi thức này, ông Minh với vai trò Trưởng Ban quý tế sẽ mặc lễ phục, đánh trống chầu. Các thành viên khác đánh chiêng, mõ, sau đó sẽ khấn cầu thần mong những điều tốt đẹp, bình an cho người dân ở địa phương mình. Đến mùng 3 Tết, đình cúng lễ ra binh cầu binh gia năm mới giúp mang đến việc lành, tiêu trừ việc xấu cho người dân.

Với lịch sử tồn tại đều hơn 100 năm, đến nay, những ngôi đình này vẫn duy trì nền nếp cũ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ dần những gì không còn phù hợp. Những ngày tháng Giêng, với nhiều người dân, đình làng còn là nơi để tìm về với cội nguồn giữa nhịp sống hiện đại, và cũng là để mong cầu năm mới bình an cho mọi người.

VI XUÂN

Tin cùng chuyên mục