Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đình làng Trảng Bàng vào hội cúng kỳ yên
Thứ ba: 06:40 ngày 05/05/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Trong hai ngày 3-4.5.2015 (nhằm ngày 15-16.3 năm Ất Mùi), các đình làng ở huyện Trảng Bàng bước vào kỳ cúng đình long trọng, trong đó có đình làng đến kỳ tổ chức lễ cúng Đại bội.

* Tại Đình Lộc Hưng, Ban Khánh tiết Đình tổ chức lễ cúng Kỳ yên. Đây là năm đầu tiên từ khi được xây dựng lại, đình Lộc Hưng mới tổ chức cúng lớn, có mời đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ nhân dân.

Cúng tế tại đình Lộc Hưng.

Theo Ban Khánh tiết đình Lộc Hưng, năm 1845 làng Lộc Hưng được hình thành, song song đó đình Lộc Hưng cũng được người dân xây dựng để làm nơi thờ thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. 

Năm 1862, triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng Pháp, có hai ông Phạm Văn Chữ và Huỳnh Văn Yên là quan đại thần đương triều chống lại lệnh bãi binh của triều đình về đất Lộc Hưng xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa binh tập hợp tại đình Lộc Hưng rèn luyện võ nghệ.

Năm 1946, đình Lộc Hưng là cơ sở hoạt động cách mạng của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã Lộc Hưng. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngôi đình Lộc Hưng bị phá hoàn toàn.

Đến tháng 4.2005, nhân dân xã Lộc Hưng mới chung tay đóng góp xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ (thuộc ấp Lộc Chánh). Sau gần hai năm xây dựng, vào tháng 3.2007, ngôi đình được khánh thành, đình được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ đó, hằng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, đình tổ chức lễ cúng Kỳ yên.

* Theo thông lệ, cứ 3 năm đình An Tịnh tổ chức cúng quy mô lớn một lần, có hát bội và các sinh hoạt cúng tế đình làng (gọi lễ cúng Đại bội). Lễ cúng Đại bội năm nay, Ban khánh tiết đình An Tịnh tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 3-5.5.2015 (nhằm ngày 15,16,17 tháng 3 năm Ất Mùi).

Ông Phạm Văn Sơn- Trưởng Ban khánh tiết đình An Tịnh cầm chầu.

Đình An Tịnh tọa lạc tại ấp An Thành. Đây là một trong những ngôi đình cổ được xây dựng sớm nhất ở tỉnh Tây Ninh. Lúc đầu, đình An Tịnh được gọi là đình Bình Tịnh (thuộc làng Bình Tịnh, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định). Năm 1809, vua Gia Long đã ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” cho đình Bình Tịnh. Năm 1836, sau khi chia đất lập làng mới làng Bình Tịnh được đổi thành An Tịnh.

Ngày 20.11.1852, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thành Hoàng đình An Tịnh “Quảng hậu chánh trực đôn chi hầu”. Năm 1994 Đình An Tịnh được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) ký quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ hội Kỳ yên đình An Tịnh được tồ chức hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. Năm nay “đáo lệ” đình cúng Đại bội, bà con xã An Tịnh được thưởng thức các tiết mục hát bội đặc sắc do Đoàn Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh trình diễn, như tuồng: Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ; Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, San Hậu tôn vương…

* Trước đó, Đình Gia Lộc (khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng) cũng đã tiến hành lễ cúng kỳ yên thường niên. Đình Gia Lộc là nơi thờ cúng Thành hoàng Đặng Văn Trước (húy tự Đặng Úy Dừa), một tiền hiền có nhiều công tích trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh, xây chợ; bảo vệ đất đai, làng mạc cho người dân an cư lạc nghiệp trên mảnh đất Trảng Bàng vào nửa đầu thế kỷ thứ 19.

Lễ thỉnh sắc, một trong 9 nghi lễ diễn ra trong lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc.

Năm 1994 đình Gia Lộc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012 lễ hội Kỳ Yên ở đình Gia Lộc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tại kỳ lễ hội, Ban Khánh tiết đình Gia Lộc còn tiến hành tặng quà và khám bệnh, cấp thuốc nam miễn phí cho người dân nghèo trong vùng.

Lễ kỳ yên đình Gia Lộc nói riêng và lễ kỳ yên nói chung chính là nét đặc trưng độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc, với mục đích tôn thờ, tưởng niệm các vị anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa tại các đền, miếu, đình, chùa. Những lễ hội này góp phần nuôi dưỡng ý chí của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nó phản ánh một quá trình gian lao nhưng đầy vẻ vang của ông cha ta trong suốt chặng đường khai hoang mở đất.

N.H – Hà Thới

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh