Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đình Long Chữ
Thứ tư: 09:55 ngày 14/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong truyện ký Lở Bồi của Hàm Chương, có một chi tiết về địa danh có lẽ còn chưa đúng. Ðấy là vịnh Bà Năm trên sông Vàm Cỏ Ðông, đoạn chảy qua xã Long Chữ, huyện Bến Cầu. Nhà văn cho rằng Bà Năm là tên của một người phụ nữ giàu có, làm ăn trên đất Cẩm Giang thời chế độ Sài Gòn (sau 1954). Tuy vậy, chúng tôi có một tài liệu là cuốn sổ việc làng của xã Long Thành, chép những chuyện từ khi thôn Long Thành được thành lập về sau. Trong đó là bài viết tay mang tựa đề “Hỏi việc cổ tích xưa lưu niên”, viết ngày 30 Juillet 1923 (7.1923).

Năm ấy, tác giả bài viết là cụ Bùi Hữu Ðịch đã 78 tuổi. Bài viết có đoạn: “Ông ngoại tổ tôi làm xã trưởng tại làng Trung Lập… sau lên ở tại vịnh Bà Năm tại Hồ Ðồn, hồi còn thành tại Quang Hoá huyện. Khi đó ở tại làng Long Chữ làm nghề mía 47 năm…”.

Như vậy thì những địa danh vịnh Bà Năm, rạch Hố Ðồn đã có từ rất lâu, trước năm 1954. Vậy bà Năm phải là một người đã sống từ trước đó (1923). Có phải chăng, bà Năm cũng là một người có công khai phá mở đất, lập thôn làng?

Ðối chiếu với văn bản “đoạn lịch sử” viết năm Tân Mão (1951) của Ban quý tế đình Long Thành, thì cụ “Ngoại tổ” kể trên có thể là cụ thân sinh ra ông Trần Minh Thiện. Cụ tên là Trần Văn Quế, sinh và mất năm nào không rõ. Nhưng, khi ông Thiện làm thôn trưởng làng Trung Lập, thì cụ Quế đã có mặt tại làng Long Chữ, vì cụ làm mía tại đây tới 47 năm. Bởi có đoạn “Sau khi ông Quế tuổi già 85 tuổi, bệnh chết, tại vịnh Bà Năm mộ còn chôn tại đó có chạm danh rành…”.

Đình Long Chữ (tháng 3.2021)

Bài: “Hỏi việc cổ tích…” của ông Ðịch còn có đoạn kể, về sau khi làm nghề mía tại đây tới 47 năm, thì: “qua bên này sông ở lại rạch Tây cốc làm nghề cây kéo ra tại đồn Bến Kéo, rồi lâu ở tại Bến Kéo quy thiện hạ lại đông thì ông tôi mới quy dân xin lập làng xuân hiệu Thái Long (tên đầu tiên của thôn Long Thành)".

Chúng ta đã biết việc cụ Thiện xin lập làng vào năm 1844 dưới thời vua Thiệu Trị. Vậy thì nghề mía ở Long Chữ đã có ít ra là từ cuối thế kỷ 18, khoảng năm 1797 trở về trước (1844 - 47 = 1797). Vào khoảng những năm ấy, quả đúng như lời kể của cụ Ðịch là “hồi còn thành tại Quang Hoá huyện”.

Bởi như lịch sử vùng đất Tây Ninh sau này đã được xác định: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779) sau khi đã khôi phục được đất Gia Ðịnh, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn. Ðạo sở đặt tại Cẩm Giang…” (Nguyễn Ðình Tư- Tây Ninh xưa và nay- Tạp chí Xưa nay năm 2001).

Ráp lại những mảnh sử rời kể trên, sẽ cho ta hình dung một miền quê Long Chữ đã hình thành rất sớm, từ trước năm 1838 khi địa danh Long Chữ chính thức được chép vào địa bạ các danh mục hành chính thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Minh Mạng, với tư cách là một thôn thuộc tổng Giai Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Ðịnh (theo Nguyễn Ðình Tư- Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2008). Và có thể cùng thời với tên làng, là những địa danh như Hố Ðồn và vịnh Bà Năm.

Có thể do quá sớm chăng, nên không ai xác định được ngôi đình làng xây dựng từ năm nào. Sách “Di tích Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” (Sở VH-TT&DL, năm 2014) cũng chỉ chép chung chung, rằng: “Xây dựng cách nay trên trăm năm, thờ quan Ðại thần Huỳnh Công Thắng. Năm 1972 do chiến tranh tàn phá nên đình bị đổ nát nhiều. Ðến năm 1997 ngôi đình mới được trùng tu lại trên tổng diện tích 4221,90m2…).

Viết thế dễ bị “nhầm” rằng diện tích đình rất lớn. Kỳ thực con số hơn 4 công đất kể trên là diện tích đất của khu đình Long Chữ hiện nay, nằm kề bên đường tỉnh 786, thuộc ấp Long Hoà. Ngôi đình còn lại và đã được trùng tu khá nhỏ, chỉ gồm một võ ca, một chính đình và ngôi hậu đình dựng tạm bợ phía sau như một cái “chuôi vồ”.

Ngay cả ngôi chính đình cũng chỉ có mặt bằng khoảng 100m2, trên mặt bằng vuông khoảng 10 mét mỗi bề, chia thành 3 gian, 3 nhịp và thêm hành lang ở hai bên. Tường cột đều được xây bằng gạch, sơ sài với bộ mái lợp ngói móc hình bánh ít.

Bộ cột tứ trụ bên trong dường như đã được thay mới, không phải loại cột đình thường thấy ở đình xưa. Trong ký ức của ông Võ Anh Danh, sinh 1954, cựu công dân Long Chữ thì năm 1965, đình đã bị bom dầu của Mỹ tàn phá.

Ông từ giữ đình khi ấy là ông Bảy Từ chui vào trốn trong bọng cây cầy mà vẫn bị lửa Napal thiêu cháy. Người ta còn nhớ đến ông từ, vì ông vốn là một người chạy xích lô ở Sài Gòn. Cả hai vợ chồng cùng đến xin làm ông bà từ giữ đình. Họ rất chăm chỉ, chăm lo nhang khói cho đình, lại còn đặt lu nước sạch ở dọc đường gần đình cho dân đi làm qua có nước uống.

Sau ngày giải phóng, người Long Chữ mới nhặt nhạnh những gì còn sót lại để lần hồi xây dựng lại. Vật cũ xưa nhất của đình làng giờ chỉ còn lại một cột mốc địa giới (hoặc độ cao) có từ thời Pháp thuộc. Cột mốc đổ bằng bê tông sạn, trên gắn một tấm biển kim loại vuông đúc chữ và số nổi lên đã bị gỉ sét nhiều.

Hiện chỉ còn đọc được vài chữ và số như: TRIS…/ No / 204. Cột mốc này cũng đã bị bật lên do bom đạn. Nay người dân nhặt lại, để dưới chân trụ cờ trước võ ca. Và, cho dù chính đình đã được phục hồi từ cột cây, ngói cũ; thì ngôi võ ca vẫn chỉ là công trình tạm, với cột kèo thép nhẹ, lợp tôn thiếc trên diện tích sân nền trước ngôi chính điện. Dấu vết tàn phá vẫn còn đâu đó quanh ngôi đình Long Chữ, dù chiến tranh đã đi qua 46 năm.

Về vị thành hoàng của đình làng, sách Di tích đã dẫn có ghi là “Quan lớn Ðại thần Huỳnh Công Thắng” theo câu chuyện truyền tụng về “Ba anh em họ Huỳnh” ở trong vùng. Tuy nhiên, ngôi mộ cũ của ông ở Cẩm Giang từng có bia đá ghi là Trần Công Thắng.

Do vậy, tác giả Phí Thành Phát, trong bài “Lập chùa buổi đầu ở Tây Ninh” (Báo Tây Ninh, ngày 8.5.2021” đã rất có lý khi cho rằng: “Vào thời bấy giờ, có vị quan tên là Trần Công Thắng, chỉ huy một cơ lính triều Nguyễn đóng quân ở đồn Quang Hoá”.

Từ ngôi thành bảo này, ông đã chỉ huy quân đánh dẹp các toán giặc cướp hoặc xâm phạm biên giới, bảo vệ nhân dân miền biên cương được yên ổn làm ăn. Do vậy mà nhân dân thôn Long Chữ xưa tôn ông làm thành hoàng, cùng với danh xưng do dân phong tặng là Quan lớn Ðại thần.

Cho đến nay, ít nhất có 3 nơi thờ ông trên đất Tây Ninh. Ðó là dinh Ông tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), đình Long Chữ và một ngôi miếu ở ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu).

Người đi trên tỉnh lộ 786 nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài về TP. Tây Ninh đều dễ dàng nhận ra ngôi đình Long Chữ. Bởi đấy là một khoảnh vườn rừng đẹp kề bên tỉnh lộ. Trước mặt đình lại là con kênh 26.3 “nước chảy mây trôi”.

Ấn tượng không phải vì đôi tượng cọp đứng múa vuốt, nhe nanh ngoài cổng, mà vì những xao xác lá cành trong khuôn viên rợp mát. Ai qua vào dịp tết, hẳn sẽ không quên cái không gian sân vườn đình đã trở nên vàng rực, bởi những tàn cây giá tỵ đang mùa thay lá.

Những chiếc lá to như cây quạt lá buông đã chuyển sang màu đỏ hoặc rực vàng. Người cao tuổi của làng còn nhớ, từ vài cây giá tỵ còn sót lại sau những trận bom đạn, sau năm 1975, các cụ đã trồng giống cây này trong khắp sân vườn. Nhờ thế, đã tạo dựng một không gian có cảnh sắc riêng chỉ có ở đình Long Chữ. Dưới không gian vàng rực ấy, càng nổi bật lên màu ngói cũ một thời xa.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục