BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình mới Long Thuận

Cập nhật ngày: 22/02/2011 - 10:19

Thế là công trình xây dựng lại ngôi đình làng Long Thuận cũng đã hoàn thành vào cuối năm 2010, sau rất nhiều nhọc nhằn và tâm huyết của các cụ trong Hội Người cao tuổi cũng như người dân Long Thuận.

Nhớ hồi giữa năm, đi qua còn thấy các thợ xây, thợ lợp đang rửa ngói đình. Những viên ngói móc cũ kỹ, rêu phong thu mua từ những ngôi đình chùa mới tôn tạo trùng tu đem về, phải quây bạt ni lông làm chậu rửa. Thợ thuyền xúm xít ngồi quanh dùng bàn chải cọ rửa cho sạch sẽ, lại đem hong khô rồi mới lên mái. Khi ấy, mái mới chỉ xong phần khung vì kèo bê tông cốt thép với rui mè gỗ mới đóng lên. Nay thì ngói đã ken đều tăm tắp như vây rồng hay vẩy cá. Chỉ có điều đình ở gần tỉnh lộ 786, lại thêm một tấm mái lợp bằng tole nhẹ nghiêng dốc về phía trước, nên ít ai nhận ra đấy là mái ngói.

Đình Long Thuận- ngôi đình gần với chợ Cầu, từng làm nên tên tuổi của vùng đất Bến Cầu đã được xây xong. Ai đi qua cũng có thể thấy ngay những đường nét kiến trúc tinh khôi mới mẻ. Những hàng cột hiên ong óng đỏ màu vân gỗ. Những bộ cửa đi cũng điệp màu cánh dán véc ni. Vào trong, người ta sẽ còn thấy những bộ cột bên trong chính điện còn thêm hoa văn đầu cột sơn màu nâu sẫm. Trong gian trước bàn thờ, hai hàng binh khí của dàn lỗ bộ đứng nghiêm trang, mũi vàng chói, cán sơn son. Ngay sát với bàn thờ là đôi hạc chầu cao đến gần ba mét, sơn màu xanh tỉa chi tiết trên đôi cánh với đôi mỏ và chân điệp màu son đỏ. Sau đấy mới là các ban thờ. Bàn thờ thần chính giữa với ngai thờ tô đắp hoa văn, vẽ màu xanh đỏ những rồng, mây, hoa lá. Chữ Thần hán tự sáng quắc nổi bật ở chính giữa bảng màu sơn đỏ. Hai bên còn có hai bàn nhỏ hơn, tô đắp ít hơn thờ các vị tả, hữu ban.

Đình Long Thuận

Về cấu trúc, quy mô, có lẽ đình mới còn vượt xa ngôi đình cũ. Thì đây, ngôi cũ có lẽ nhiều người đã biết, vì nó quay mặt phía Tây, phía có con hẻm nhỏ đi xuống bến sông, nghĩa là các lớp nhà nối tiếp nhau dọc theo mặt đường tỉnh lộ. Nên ai cũng có thể nhớ, đấy chỉ là một ngôi có hai lớp nhà trống trải và hư hao nhiều chỗ. Nay ngôi mới đã quay mặt tiền lại, trông ra mặt lộ. Và từ trước ra sau, có tới ba lớp nhà đồ sộ. Sau hành lang rộng 1,8 mét là cả hai lớp nhà liên tục nhau, tạo thành một không gian lớn có lẽ chung cho cả lớp tiền đình và ngôi chính điện. Không gian này dài đến 12,6 mét. Vẫn còn nữa ở phía sau, ngôi hậu đình liên thông với gian chính đình bởi hai cửa nhỏ. Hậu đình có mặt bằng vuông với 7,2 m mỗi chiều. Tính ra, đình mới có chiều dài từ trước ra sau là 23,4 mét.

Sau khi xem xét kỹ bên trong, mới thấy đình không chỉ là mái ngói nữa. Kỹ thuật hiện đại đã hiện diện trong nội thất đình với 3 lớp tấm đan bê tông cốt thép chạy ngang nhà, chính là lớp hành lang và tấm đan bê tông nơi chuyển tiếp giữa các lớp nhà. Có lẽ chính vì sự “hiện đại hoá” này nên đứng bên trong, đã không còn cảm giác đứng dưới “ngôi tứ trụ” thường có trước mỗi ngai thờ như ở các ngôi đình, chùa truyền thống Nam bộ. Cảm giác này càng hiện rõ khi ta nhìn về các tấm tường bao, trên ấy lại đặt các ô cửa sổ, lỗ thông gió giống như trong những ngôi nhà ở của người dân. Có vẻ như, trùng tu tôn tạo xong, thì “hồn vía” của đình xưa cũng đã “bay đi ít nhiều”. Đấy là chưa kể khi quay lại hướng đình ra mặt lộ, đã buộc phải đổi đất cho chùa Pháp Hải bên trong sang vị trí song song, cùng ở phía mặt tiền. Bao giờ chùa này xây xong nữa, thì người Long Thuận sẽ có hai ngôi thờ tự song song liên kế, gần giống như trong các ô phố bán nền phân lô ở các đô thị mới gần đây.

Và, vẫn còn một điều các cụ Hội Người cao tuổi Long Thuận nên làm cho rõ. Ấy là trong khi ở tấm bảng sơn đỏ chữ vàng ghi lại sự tích xây dựng đình Long Thuận đã ghi rõ cả hai giả thiết về vị thành hoàng: một là cụ Trần Văn Thiện (nhân thần); hai là vị thành hoàng bổn cảnh (linh thần) và cũng không khẳng định là giả thiết nào đúng hơn thì ở ban thờ Thần chính giữa đã gắn bảng tên ghi rõ Trần Văn Thiện. Làm rõ điều này, cốt để niềm tin của người này không phạm tới tín ngưỡng của những người khác. Để cho tới lễ Kỳ yên thì bà con trong vùng đều có thể hoan hỉ đến cúng Thần, cầu cho quốc thái, dân an.

TRẦN VŨ