Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đình Phước Hội uy nghi trong một khuôn viên đất rộng bên đường 781, xưa là đường tỉnh lộ 13 chạy từ tỉnh lỵ Tây Ninh về Suối Đá (huyện Dương Minh Châu). Cây sung già tán lá sum suê toả rợp một góc sân đình.
Đình Phước Hội.
Người phụ trách coi giữ đình đã quá tuổi 50, bảo: “Cũng chẳng biết cây có tự thời nào. Chỉ biết ông nội tôi từng kể rằng khi ông còn bé đến sân đình chơi thì cây đã có sẵn rồi. Mà ông nội tôi đã qua đời. Vậy là cũng đã có hơn 3 đời người Suối Đá lớn lên cùng với cây sung đình Phước Hội”.
Thôn Phước Hội xưa từng rất dài, bởi nó bám theo con đường sứ, có thể đã chạy suốt từ giáp xã Gia Lộc, Trảng Bàng ngày nay- qua Suối Đá, Dương Minh Châu lên tới những Suối Bà Chiêm, Tà Dơ, Đồng Kèn bên kia Lòng Hồ nay đã thuộc về huyện Tân Châu.
Vậy mà sao người xưa lại chọn đất lập đình ở đó? Có lẽ là do công cuộc khai phá đất đai lúc đó còn đang tiếp diễn, mà bên phía Tây đã có các thôn Hiệp Ninh, Trường Hoà, Long Thành… đông đúc dân cư. Nên từ cầu K13 hiện nay, lưu dân đã phát triển về hướng Đông sang Suối Đá và xa hơn nữa- tới vùng Suối Ngô, Tân Hoà nay thuộc huyện Tân Châu. Cũng có thể nghĩ đơn giản rằng sau những xóm thôn rải rác dọc theo đường sứ (nay là tỉnh lộ 782 và 784) thì điểm dân cư đông đúc đầu tiên của Phước Hội thôn chính là nơi có xã Suối Đá và thị trấn Dương Minh Châu ngày nay.
Và ngôi đình đã được xây dựng lên ở nơi đông dân cư nhất. Chưa ai khẳng định được năm lập đình, chỉ biết khoảng từ năm 1860 trở về sau. Còn Phước Hội thôn? Nó đã có cùng thời điểm lập phủ Tây Ninh, năm 1836. Khi ấy, thôn Phước Hội thuộc tổng Hàm Ninh. Còn ngôi đình còn lại tới bây giờ, là được xây lại từ năm 1956, khi Phước Hội chính thức được ghi danh là một xã thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, quận Châu Thành.
Thật đáng ngạc nhiên khi đọc “Lý lịch di tích đình thần Phước Hội- Sự kiện và nhân chứng lịch sử” được viết trên tấm bảng lớn có khung giá hẳn hoi đặt dưới ngôi võ ca (ghi rằng trích lục Bảo tàng Tây Ninh). Đọc rồi mới biết, chẳng có… “sự kiện và nhân chứng lịch sử” nào ở đây cả! Mà 99% văn bản này là kể về công lao của ông Phạm Văn Điển, người được coi là một trong hai vị thành hoàng đình Phước Hội.
Suốt 56 dòng của bảng chữ, vị thành hoàng thứ hai chỉ xuất hiện một lần với một dòng tên. Đấy là ở dòng thứ 4 và 5, nguyên văn: “nhân dân địa phương vẫn thờ phụng hai vị thành hoàng. Đó chính là ông Phạm Văn Điển và ông Đào Văn Chữ”. Hoàn toàn không có dòng nào nói đến quá trình mở đất, lập làng của người dân Phước Hội. Cũng không thấy nói về quá trình thành lập, gìn giữ hay xây sửa ngôi đình. Về vai trò thành hoàng của ông Điển, cũng cần được minh định lại (xin đề cập ở phần sau).
Về ông Đào Văn Chử (hoặc Chữ) thì hiện tại có một ngôi dinh thờ cũng ở trên địa bàn xã Suối Đá, cách đình gần một cây số- như Báo Tây Ninh đã có bài mô tả.
Ông Nguyễn Đăng- một hậu duệ đàng ngoại của ông Phạm Văn Điển cho rằng: ông Đào Văn Chử là em trai người thiếp của Tả quân Phạm Văn Điển- người được cử vào Nam đánh giặc Xiêm xâm lấn bờ cõi.
Khi quan Tả quân mất vào năm 1842, con ông còn rất nhỏ. Chính ông Chử đã trực tiếp nuôi dạy cháu, từ đó nối dài dòng họ Phạm ở Suối Đá ngày nay. Ông Chử cũng là người giúp dân địa phương khai phá, mở mang thôn ấp Phước Hội- hiện là khu vực thị trấn Dương Minh Châu và xã Suối Đá. Vậy ông Chử thật đáng để người dân tôn xưng là một vị thành hoàng.
Tuy vậy, vẫn còn một vài bí ẩn về ông. Chẳng hạn, theo lời người coi giữ dinh thờ thì ông Chử suốt đời độc thân để dồn tâm sức chăm lo cho cháu nhưng tại khu mộ trong dinh thờ vẫn có hai nấm mộ (không bia). Mặt khác, nếu xem kỹ các nấm mộ cổ của dòng họ Phạm ở gần dinh thì cũng dễ nhận thấy chưa thấy có mối liên hệ huyết thống nào với Phạm Văn Điển.
Ngôi cổ nhất là của ông Chánh tổng Phạm Ngọc Ẩn (1849- 1924); trong khi ông Phạm Văn Điển mất năm 1842- lúc con trai còn rất nhỏ, có nghĩa là con ông sinh ra trong khoảng từ 1840 đến 1842. Người này không thể có mối quan hệ huyết thống nào với Chánh tổng Ẩn. Do vậy cũng chưa thể nói dòng họ Phạm này là con cháu trực hệ của ông Phạm Văn Điển.
Giờ xin trở lại với vai trò thành hoàng của ông Phạm Văn Điển. Nếu có thì đây cũng là “thành hoàng dân phong” chứ không phải thành hoàng do vua sắc phong như ở các ngôi đình khác. Tấm bảng lý lịch di tích kia cũng đã ghi rằng: “Từ sắc của vua Thiệu Trị phong tên thuỵ cho ông Phạm Văn Điển” chứ không phải là tờ sắc phong thần.
Tuy vậy, cũng có một số chi tiết chưa chính xác, như năm mất của ông là 1842, không phải là “năm Thiệu Trị thứ ba (1843) ông bị bệnh mất trong khi thi hành công vụ”. Một chỗ khác lại ghi: “Trong suốt 31 năm (1793- 1824), ông theo Gia Long…” là chưa chuẩn, vì đến năm 1820 thì vua Gia Long đã băng hà.
Vì sao một vị võ tướng đại thần từng chinh Nam, dẹp Bắc, từng được phong là Tín Vũ hầu, rồi Trấn Tây kinh lược đại thần và sau nữa là Tổng đốc An Hà (An Giang- Hà Tiên) lại có mặt ở miền Quang Hoá- Tây Ninh lúc đó? Sử Đại Nam không chép rõ nhưng qua nghiên cứu của Nguyễn Thiện Lâu trong “Quốc sử tạp lục”, Nxb Mũi Cà Mau, 1994 thì đây có thể là câu trả lời: “Chắc vua Thiệu Trị đã phái Phạm Văn Điển đem binh lực ở An Hà lên Tây Ninh để dẹp giặc, cho nên Phạm Văn Điển mới tự đem quân, ít ra từ Châu Đốc lên Tây Ninh/ Đường đi là đường bộ, hoặc vòng qua đất Miên, hoặc men phía Nam Đồng Tháp Mười/ Phạm Văn Điển chắc đã ngoài sáu mươi tuổi rồi/ Dẹp giặc Miên như thế nào?/ Sử không cho ta biết chi tiết/ Dẹp từ bao giờ?/ Dù sao ở quân thứ Thất Sơn về tới An Giang, đúng vào tháng tư năm Nhâm Dần 1842, Phạm Văn Điển bị đau mà mất. Có lẽ vì tuổi già và quá lao tâm lao lực nên vị tướng quân này đã mất ở địa vị Tổng đốc An Hà/ Dù sao, bốn năm trước khi người mất đã có bia rồi/ Bia này là bia võ công dựng trước sân võ miếu vào năm Mậu Tuất 1838, tức là năm thứ 19, triều vua Minh Mạng”.
Sách “Đại Nam liệt truyện”, Nxb Thuận Hoá in năm 2013 cũng có truyện về Phạm Văn Điển. Theo đó, ông là “người ở huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên… Năm Thiệu Trị thứ 3 (1842) thì mất”; vua: “chuẩn cho gia tăng đặc tiến Tráng Vũ tướng quân Tả quân Đô thống chưởng phủ sự”. Cho con là Văn Huy “hộ đưa linh cữu về quê, sai quan đến tế một đàn”. Lại cũng nhắc đến các con cháu của Tả quân: “Văn Huy làm quan đến Lãnh binh, cháu là Sĩ, tập ấm làm Cẩm binh cai đội, cháu tằng tôn là Chước thừa tự”.
TRẦN VŨ