Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đình Quan Nhân- giá trị làng giữa phố

Cập nhật ngày: 21/02/2012 - 12:26

Với bề dày lịch sử gần bốn thế kỷ, đình làng Quan Nhân không chỉ là một danh thắng được nhiều người biết tới, mà còn là chốn sinh hoạt cộng đồng mang tính làng xã tiêu biểu còn sót lại trong khu vực nội thành Hà Nội.

Một địa điểm văn vật đặc sắc

Xét về vị trí địa lý, ngôi đình tọa lạc tại tâm một khu đất phẳng có dạng hình tròn, thuộc vùng kẻ Mọc xưa nằm bên rìa phía Nam thành Thăng Long có đường bán kính tỏa về 7 cụm dân cư (Cụm Đình, Chùa, Đoàn Kết, Kiến Thiết, Sòi, Ninh Phúc, Ninh Mỹ) với tổng diện tích là 2339 m2. Theo văn bia sắc phong còn lưu giữ, Đình được xây dựng vào năm Chính Hòa 22 (1701) thời Lê Mạt. Phía bắc Đình giáp với phường Trung Hòa, phía Tây Nam giáp phường Thanh Xuân Bắc, phía Đông và Đông Bắc giáp với phường Láng Hạ và Thượng Đình. Trước Đình là ao sen, bên trái Đình là ngôi chùa có tên Sùng Phúc Tự. Cụm Đền, đình, chùa này là khu vực tập trung các hoạt động lễ nghi, tôn giáo của cư dân làng Quan Nhân, cũng như khách thập phương biết tới Đình.

Theo lời kể của các cụ già trong làng, trước kia, ở phía Đông và Nam đình đều có ao xung quanh Đình Chùa, Phủ… Các ao đều có dòng chảy, thoát nước, lưu thủy ao nọ sang ao kia. Đến nay do quá trình đô thị hóa mà các ao này đã dần bị lấp đi, không còn giữ được những nét đẹp sơ khai như đôi câu đối ở trục cổng vào đình đã phác họa ra:

Địa hình danh thắng, tức sơn bút thủy cổ kim

Miếu mạo thanh cao, phả Thần tiên tri âm ngưỡng.

Tạm dịch:

Địa hình này là danh lam, thắng cảnh ví như Bút, Nghiên, Bút trên núi, ao trước mặt.

Điện xây đẹp đẽ để thờ người có danh tiếng đã đứng lên dẹp giặc và được phong Thần.

Với vị trí như vậy, theo như tư liệu “Di tích lịch sử văn hóa Đình Quan Nhân cổ kính” có ghi: “Một ngôi đình có Bút, có Nghiên (Bút trê núi, ao trước mặt), hai bên tả, hữu đình, cửa ra vào để lộ ra hai bức tự đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng xúc tích: “Trí nhân - Đại đức” (Vị thần có Đức cao, trí lớn).

Kiến trúc bên trong đình gồm 7 gian kiến trúc kiểu chữ Công vào thời nhà Lý, có hướng trông về phía Đông Nam. Các gian có nền cao hơn so với sân đình 0,7m xây tam cấp, mặt trước có hàng hiên chạy dài (7 gian) rộng 1,7m, có 6 cột đá đỡ mái hiên, 2 cột lim ở giữa sơn son có trạm trổ hoa văn, đường viên chữ triện thiếp vàng. Bước lên bậc tam cấp - chính giữa là bộ cửa lim 4 cánh dầy 0,05m, cao 2,3m, rộng 0,65m. Trên mặt mỗi cánh cửa được chạm trổ hoa văn tinh xảo của Tứ quý Xuân - Hạ - Thu - Đông, phía dưới bốn cánh trạm tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng. Dưới nền tam cấp bước vào cửa chính là đôi sư tử đá phủ phục đối mặt vào nhau, hai chân trước ôm lấy quả cầu, biểu trưng sức mạnh, nói lên sự vững bền của một thời Vương thịnh trị quốc, an dân.

Ở hai bên trái phải lần lượt là Tả Mạc và Phủ Thờ. Tả Mạc, sau giai đoạn Cách mạng Tháng Tám thành công, được dùng làm phòng thông tin, tuyên truyền, trưng bầy tranh cổ động cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Phủ Thờ là nơi thờ Đức Thánh Bà Trương Mỵ Nương công chúa, cũng là phu nhân của Thần làng Hùng Lãng Công. Thờ hai vị danh nhân cũng đồng thời là phu thê trong một ngôi đình cũng là một nét đặc trưng riêng của đình làng Quan Nhân.

Về các di cảo theo suốt lịch sử từ ngày Đình được xây dựng, hiện nay còn bảo quản được hàng chục bức Hoành phi (đại tự), 12 bản sắc phong và những đôi câu đối ghi trên cốt đá, đủ minh chứng cho sự cổ kính trải dài qua bốn thế kỷ của đình Quan Nhân.

Nơi tích tụ tráng khí cha ông

Một trong những cổ vật đặc biệt nhất được tìm thấy tại Đình là Tấm bia đồng, được dân làng tìm thấy trong đống gạch ngói sụt lở ở phần hậu cung của đình vào năm 1992. Điểm khiến cho tấm bia đặc biệt là ở chất liệu. Bia đá, cha ông ta đã chế tác được nhiều, nhưng bia đồng thì ít ai thấy, điều đó làm cho tấm bia trở thành một di vật quý hiếm của làng Quan Nhân.

Theo như cứ liệu của Viện nghiên cứu Hán Nôm, nội dung khắc trên bia ghi lại công đức của Hùng Lãng Công - một tướng giỏi có công dẹp giặc Nam Chiếu thời vua Hùng. Nhờ uy linh và lòng nhân đức của mình, ông cùng bà Mỵ Nương đã giúp con dân làng Mọc diệt trừ dịch bệnh và miễn sưu sai, thuế dịch. Trong một lần bị giặc vây, để giữ vững khí tiết, ông đã trẫm mình tự “hóa”. Để tỏ lòng tôn kính ông, người làng suy tôn Hùng Lãng Công là Thần. Gian chính cung của đình chính là dùng để thờ Thần (Trung Túc Đại Vương Hùng Lãng Công), cùng với đó là 6 lần đình nhận sắc phong của các triều đại.

Đó là chuyện xa xưa, còn gần với niên đại ngày nay, Đình Quan Nhân cũng là một di tích Cách mạng ghi dấu những ngày tháng bất khuất và kiên cường của bà con làng Quan Nhân. Theo cụ Lê Sỹ Học (cụ Từ đảm trách việc trông giữ đình) kể lại: Những năm 1946 – 1953, sân đình là nơi chứng kiến tội ác của lũ cướp nước, tra khảo khủng bố bà con một cách hèn hạ và dã man. Nhà Tả mạc (như đã giới thiệu ở phần trên) trong suốt một thời gian dài Cách mạng tháng 8, trở thành nơi tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc Quan Nhân tiếp tế cho các gia đình khó khăn, góp phần chiến thắng nạn đói khốc liệt diễn ra cùng năm.

Đình Quan Nhân lại là chứng tích ghi dấu sự kiện phong trào cướp kho thóc Nhật đêm ngày 21.7.1945 do Đoàn Thanh niên Cứu quốc lãnh đạo và thực hiện. Nhiều chiến sĩ sinh ra từ làng đã ra đi tham gia chiến đấu và hi sinh tại mặt trận Liên khu 3, đáp lại cao trào cách mạng năm 1945 ở Thủ đô. Để ghi nhớ công lao với cách mạng của nhân dân, ngày 27.8.2006, Đảng và Chính phủ đã công nhận đình Quan Nhân là Di tích lịch sử Cách mạng. Đây là niềm tự hào lớn lao, tiếp nối sau khi đình được nằm trong danh mục quần thể di tích lịch sử văn hóa được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia ngày 30.9.1989.

Tiếp nối những truyền thống đáng quý

Ngày nay, sân đình rộng rãi và sạch sẽ đã trở thành một không gian sinh hoạt mở cho dân làng: Sân chơi cầu lông, tập chạy bộ, dưỡng sinh. Vào những dịp lễ Tết như đêm giao thừa, ngày mùng Một Tết Nguyên đán, đình trở thành nơi tụ hội của dân làng nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu, chúc tụng nhau một năm mới thịnh vượng, thắp nén hương đầu năm cầu phúc cho gia đình mọi sự tốt lành.

Một ngày lễ đáng trân trọng khác là vào ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, Hội người cao tuổi làng Quan Nhân tổ chức lễ mừng thọ tập thể các cụ đến tuổi cổ lai hy. Ngày lễ tổ chức cùng với dịp xuân về làm nổi bật lên nét đẹp nhân bản, kính lão đắc thọ rất ý nghĩa.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ những bản sắc truyền thống của làng, sau thời kỳ bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, dân làng đã phục hiện lại Hội Xuân - với đình Quan Nhân được chọn làm nơi khởi đầu cho lễ rước kiệu Thánh Ông - Thánh Bà, thể hiện cho sự ngưỡng vọng của người dân với công lao phù trợ của hai vị thánh thần, đem lại yên bình, ấm no cho nơi đây.

Theo NDĐT