Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đình Thanh Đông và vị thành hoàng
Thứ tư: 11:37 ngày 15/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo đường 786 từ TP. Tây Ninh ra cầu Gò Chai, qua khỏi gò Cổ Lâm chừng 200 mét là tới lối rẽ trái vào đình Thanh Đông thuộc ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

Lễ Kỳ yên đình Thanh Đông.

Chung quanh đình là những hàng cây tràm bông vàng ken dày đã mọc lên cao, vương đầy bóng mát. Đình quay về hướng Đông, nơi có dòng rạch Tây Ninh, nên kiến trúc ta gặp đầu tiền là hậu đình.

Kiến trúc còn giữ được đường nét Việt Nam cổ kính đã bị pha đi chút ít đường nét của kiến trúc thời thuộc địa. Ấy là những cột vuông có mũ, những vòm cong bắc qua mỗi nhịp hành lang. Hai nhịp bên lại cải biến thành nửa hình bát giác. Mũ cột cùng hoa lá cành kiểu Pháp. Phía trên, những công-xon của kèo nhà lộ ra, nâng đỡ bộ mái ngói móc hình bánh ít. Mái dốc vừa phải nên chiều cao mái thấp, tạo nên dáng hình nhẹ nhõm, thanh tao.

Vòng ra phía trước, nơi có cổng chính đường bệ với cổng tam quan 3 mái ngói đỏ au, mới thấy mặt tiền ngôi võ ca phía trước được xây dựng giản dị hơn mặt hậu. Cũng là cột tường xây, mái ngói nhưng cột thẳng băng từ dưới lên trên, những ô cửa sắt kính mới thêm vào càng làm cho ngôi võ ca thêm dáng vẻ “tân thời”. Lễ Kỳ yên đình Thanh Đông vừa mới diễn ra, vào các ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch, tức 12 và 13.3.2017.

Về cấu trúc, đình Thanh Đông vẫn là một ngôi thờ tự theo chuẩn mực của truyền thống đình chùa Nam bộ. Bề ngang 12,6m chia 5 gian với 2 gian ngoài chỉ rộng 2,2m, có công dụng giống như một hành lang. Từ trước ra sau, đình cũng được chia thành 2 lớp nhà với 2 lớp mái. Lớp trước là ngôi võ ca chỉ gồm 1 bước cột duy nhất rộng 5,4m và một hành lang rộng 2,2m phía trước. Cách một khoảng 2,5m nữa mới là ngôi chánh đình rộng sâu vào hơn 13m cũng được chia thành 5 nhịp với nhịp giữa trong gian tứ trụ, rộng nhất là 3m.

Ngoài các cột gắn với tường bao cũng như phần hành lang có tiết diện vuông kích thước 25x25 hoặc 30x30cm, tất cả các cột bên trong nội thất đều có tiết diện tròn đường kính 30cm, trong đó, 2 cột trước của phần tứ trụ được vẽ hình rồng cuộn. Cột và hệ kèo đều được đúc bằng bê tông cốt thép.

Khoảng hơn 10 năm trước đây, đình Thanh Đông được Nhà nước đầu tư xây cất chung quanh khá đàng hoàng. Ngoài cổng tam quan, còn có hàng rào song sắt và lưới sắt bao quanh khuôn viên rộng đến nửa héc ta. Phía trước võ ca còn có một đài Tổ quốc ghi công xây gạch theo hình trụ tháp.

Đình được thêm chức năng, kiêm luôn là đền thờ liệt sĩ và phòng trưng bày truyền thống. Trên 4 ban thờ bạch mã, thái giám, tiền hiền và hậu hiền được đặt bảng khắc tên liệt sĩ. Và vì vậy, lễ cúng chính cũng được thực hiện ngày 27.7 hằng năm. Chuyện này cũng kéo dài gần 10 năm. Đến 2014 thì đình mới được trở lại với tín ngưỡng dân gian thuần tuý.

Theo một số cụ cao tuổi ở ấp Thanh Đông, ngôi đình hiện có được xây dựng lại kiên cố vào khoảng năm 1930. Đến khoảng năm 1947-1948, sau trận bộ đội và du kích Thanh Điền phục kích đánh Tây trên đường 786, giặc Pháp trả thù đã đốt cả ngôi đình và chùa Cổ Lâm gần đấy. Trong trận này, đình bị cháy ngôi võ ca, nhà đãi ăn và cả 3 ngôi nhà phụ lợp ngói.

Sau này, người dân mới góp công, của xây lại võ ca. Bởi thế nên mặt tiền đình ngày nay mới có vẻ sơ sài hơn phần chánh điện của ngôi đình cũ. Theo lời ông Lê Văn Quang- người từng có nhiều năm coi giữ đình, thì do làng Thanh Điền được tách ra từ xã Thái Bình nên cần phải lập ngôi đình mới cho dân thờ cúng.

Cũng do sự tách ra từ đình Thái Bình nên đình Thanh Điền có chung vị thành hoàng là cụ Võ Văn Oai- một vị có công mở đất và giữ gìn bờ cõi ở Tây Ninh vào thế kỷ XVIII cùng thời với Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Điều này cũng đã được xác nhận lại của cơ quan quản lý di tích, căn cứ vào tấm bảng ghi tóm tắt di tích lịch sử văn hoá đình Thanh Đông.

Câu: “Ông Võ Văn Oai được triều Nguyễn phong chức Lãnh binh trấn giữ vùng đất Thái Bình”. Và sau đó: “ngày 18.3.1917, vua Khải Định phong cho lãnh binh Võ Văn Oai là thành hoàng đình Thanh Đông…” như là sự mặc nhiên thừa nhận sự kiện Thanh Điền được tách ra từ xã Thái Bình (hay vùng đất Thái Bình). Tuy nhiên, đây là điều nay cần được xem xét lại.

Năm 2016 vừa qua là năm kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển vùng đất Tây Ninh. Nhiều khoảng mờ trong quá khứ đã được nghiên cứu tìm tòi, soi sáng. Đặc biệt là khoảng thời gian đầu tiên thiết lập chính các địa danh hành chính, trước và sau năm 1836 thành lập phủ Tây Ninh.

Theo một kết quả nghiên cứu, thì thôn Thái Bình và Thanh Điền xuất hiện vào cùng thời điểm là năm Minh Mạng thứ 19 (1838) (theo “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”- Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính Trị Quốc Gia năm 2008). Sách này, cũng nêu rõ các thời điểm hình thành, tách nhập, giải thể… trong đó không có sự tách nhập nào giữa hai thôn, nên không thể có chuyện “Thanh Điền được tách ra từ xã Thái Bình”.

Ngay tại mục từ Hoà Ninh (trang 457, sđd) thì đến đầu Pháp thuộc (1862), tổng này thuộc hạt Thanh tra Tây Ninh vẫn có 14 thôn trong đó có hai thôn Thanh Điền và Thái Bình. Đến 12.11.1875, chính quyền thực dân mới sáp nhập: “Long Thành và Thanh Điền thành thôn Long Điền”. Đến 31.10.1877, hai làng lại được tách ra như trước. Đến 6.3.1891, Pháp lại giải thể hẳn làng Long Thành để nhập vào Thanh Điền.

Sau đó, Long Thành lại được tái lập nhưng sách đã không xác định được thời gian cụ thể. Rất may là sự kiện này đã được ghi lại trong cuốn sổ chép việc làng của Long Thành do các hậu duệ họ Trần gìn giữ. Đấy là vào năm Mậu Thân 1908 mà vị cai quản năm đầu tiên là cụ Hương thân Trần Văn Liêng (cháu gọi cụ Trần Văn Thiện là cụ sơ).

Sự hiểu nhầm này cũng đã dẫn tới sự nhầm lẫn về thành hoàng- vị thần được thờ cúng tại đình. Hiện tại, ngày Kỳ yên đình Thạnh Đông cũng có nghi thức rước sắc thần của đình Thái Bình về thực hiện lễ nghi cúng tế. Thế nhưng nội dung tờ sắc này cho thấy vị thành hoàng này không phải là nhân thần (thần có họ tên, sự tích cụ thể).

Do vậy, không thể là nhân vật Võ Văn Oai. Nguyên văn bản dịch nghĩa tờ sắc được nhà nghiên cứu Nam bộ Trương Ngọc Tường dịch như sau: “Sắc cho xã Thái Bình, tổng Hoà Ninh, tỉnh Tây Ninh, thờ phụng Bổn thổ thành hoàng tôn thần, giúp nước che dân, linh ứng đã rõ. Nay ta tiếp nối, lạm nương mạng sáng, liên miên nghĩ đến ân huệ của thần, nên phong Đôn ngưng dực bảo trung hưng tôn thần. Chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần phù hộ và bảo trợ cho lũ dân đen của ta. Kính đấy!/ Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ hai (18.5.1917)/ Ấn sắc mạng chi bảo”. Như vậy, từ xa xưa, Thanh Điền vẫn luôn là Thanh Điền.

Trong lịch sử 178 năm của mình, chỉ có 5 năm (1872- 1877) bị đổi tên là Long Điền, sau khi sáp nhập với thôn Long Thành. Và như vậy, sắc phong đình Thái Bình cũng không liên quan gì tới đình Thanh Đông.

Mặt khác, tờ sắc phong này cũng là phong cho “bổn thổ thành hoàng” của thôn Thái Bình, không phải là nhân thần Võ Văn Oai như trường hợp cụ Đặng Văn Trước- thành hoàng đình Gia Lộc, Trảng Bàng.

Tuy vậy! Tín ngưỡng là niềm tin đại chúng. Trường hợp tương tự đã có ở nhiều địa phương Tây Ninh. Dù thành hoàng là ai, thì đình Long Giang- Bến Cầu vẫn cứ thờ Lãnh binh Két, đình Thanh Phước- Gò Dầu vẫn cứ thờ Đặng Văn Châu- những vị quan binh tự tổ chức dân binh đánh Pháp sau khi triều đình đã phải giao 3 tỉnh miền Đông cho giặc (1862). Và như thế, nhiều đời truyền nối, người dân Thanh Điền vẫn đinh ninh thành hoàng đất quê mình là cụ Võ Văn Oai, một vị võ tướng có công giữ đất, bảo vệ dân lành làm ăn yên ổn. Ngôi vị của họ vẫn luôn luôn bền vững giữa lòng dân.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục