Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dịp tết, càng thêm lo thực phẩm không an toàn
Thứ hai: 05:43 ngày 29/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ vào dịp cận tết, tình trạng mua bán hàng hoá hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại diễn ra tràn lan. Có dịp theo chân các đoàn cán bộ liên ngành đi kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp đáng lưu tâm.

Kiểm tra hàn the trên hải sản tại siêu thị Auchan.

Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, ai cũng biết vậy. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng muốn lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng khó. Chính vì thế, nhiều người tiêu dùng đành “nhắm mắt” chọn đại hoặc chỉ trông cậy vào khâu quản lý của ngành chức năng. Điều đáng ngại là chính những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn khá hời hợt, vô tâm với chất lượng sản phẩm tại cơ sở của mình.

Cứ vào dịp cận tết, tình trạng mua bán hàng hoá hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại diễn ra tràn lan. Có dịp theo chân các đoàn cán bộ liên ngành đi kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp đáng lưu tâm.

Đối với các loại hàng hoá hết thời hạn sử dụng, lẽ ra các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ phải trả lại cho đơn vị sản xuất tiêu huỷ, nhưng vì lợi nhuận, nhiều người cố tình “lơ” đi chuyện này, vẫn vô tư bán hàng cho người tiêu dùng. Có khi họ đối phó bằng cách dùng nhãn hàng mới dán chồng lên nhãn cũ để che giấu tình trạng hết “đát” của món hàng. Nếu để ý, sẽ thấy các sản phẩm này đều có chung đặc điểm là vỏ bao bì đã cũ mèm nhưng thời hạn sử dụng vẫn còn khá lâu.

Tại một cửa hàng tạp hoá ở chợ Trường Lưu, thuộc xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, chúng tôi thấy nhiều loại bánh kẹo có ghi thời hạn sử dụng từ 3 đến 6 tháng kể từ ngày sản xuất, nhưng tìm hoài cũng chẳng thấy... ngày sản xuất ở đâu.

Tại đây cũng có nhiều loại bánh ngọt, bánh tráng trộn được bày bán, trên bao bì của chúng đều không có ghi hạn sử dụng hoặc có ghi nhưng cách ghi không đúng quy định. Đến một cửa hàng tạp hoá gần đó, cầm trên tay mấy hũ chao, nước tương được bày bán trên kệ, chúng tôi nhận thấy chúng đã lên mốc, bởi hạn sử dụng đã qua gần... 1 năm.

Khi hỏi chủ cửa hàng, chị này trả lời: “Loại này có quá hạn sử dụng cũng chẳng sao, vì càng để lâu thì vị của nó càng ngon!” Tương tự, một số loại thức ăn có hạn dùng ngắn, dù đã mốc meo nhưng vẫn được bày bán trên kệ. Với các trường hợp sản phẩm đã quá hạn sử dụng như thế này, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, đặt vấn đề, các chủ cửa hàng thường viện lý do là hàng để đó chờ trả lại cơ sở sản xuất, không bán cho người tiêu dùng. Nói là nói vậy nhưng thực tế ra sao chẳng ai biết được!

Trong đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước tết, đoàn liên ngành do Sở Công thương chủ trì đã phát hiện không ít hàng hoá, thực phẩm ngoại nhập không có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ đơn vị nhập khẩu, phân phối và ngày sản xuất, hạn sử dụng. Chất lượng các loại sản phẩm này chưa được kiểm định, không loại trừ chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng.

Tại nhiều ki-ốt bán bánh kẹo ở Trung tâm thương mại Long Hoa (huyện Hoà Thành), không khó để tìm ra các loại sản phẩm không hề có nhãn mác. Đa phần, đây là các mặt hàng kẹo, bánh, mứt đựng trong các túi giấy dùng bán lẻ cho khách.

Chúng có nhãn ngoài bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, thu hút nhưng không có thông tin cơ bản gì nên người mua hoàn toàn không biết được hạn dùng lẫn nguồn gốc sản phẩm. Người ta chỉ có thể phát hiện được trong quá trình sử dụng, khi sản phẩm đã hư hỏng, ẩm mốc, bốc mùi.

Vừa qua, ngành chức năng đã kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp hơn 1.000 suất ăn cho các công ty. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại cơ sở này có nhiều loại nguyên liệu chế biến thức ăn như thịt, cải chua, nước tương, đường cát không hề có nhãn mác, không có thời hạn sử dụng, cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này cũng không có giấy tờ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc của loại nguyên liệu mình đang sử dụng. Chưa kể, cơ sở không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như khâu sơ chế thực phẩm sống và khâu chế biến đều chung một khu vực (theo quy định là phải tách riêng ra); khâu bảo quản thực phẩm cũng không an toàn.

Tại một cơ sở làm hủ tiếu cũng ở xã An Tịnh, Đoàn thanh tra liên ngành phát hiện cơ sở này sử dụng bột nguyên liệu và chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Chủ cơ sở cho biết: “Bột làm hủ tiếu mua ở thành phố Tây Ninh, nhờ người ta chở về vậy thôi, còn nơi nào sản xuất bột, sản xuất thế nào thì... không biết!”.

Chủ cơ sở này cũng rất “hồn nhiên” khi cho biết: “Việc sử dụng chất bảo quản thực phẩm được thực hiện theo cảm tính, còn liều lượng cho phép thế nào thì... ai mà biết!”. Tại cơ sở này, chỗ sản xuất hủ tiếu được bố trí chung với nơi sinh hoạt, trông rất nhếch nhác, lộn xộn.

Dụng cụ làm hủ tiếu dính đầy bụi bẩn. Người trực tiếp tham gia chế biến, đóng gói sản phẩm không đeo khẩu trang, găng tay, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng cái khiến người ta phát hoảng hơn ở đây chính là việc phơi bánh làm hủ tiếu. Những liếp bánh nằm trực tiếp dưới sân đầy cỏ, mặc cho bụi bẩn, gà, chó, chim chóc “tung hoành”.

Tại một cơ sở sản xuất muối ớt tôm các loại ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, khi được hỏi nguồn gốc nguyên liệu để sản xuất muối, chủ cơ sở cho rằng mình sản xuất nhỏ nên không quan tâm chuyện đó!

Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm rong biển tại một cửa hàng thức ăn.

Theo Luật An toàn thực phẩm, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm phải có thời hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Luật cũng quy định rõ: các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm phải có hồ sơ, giấy tờ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị các đơn vị quản lý phát hiện và tiêu huỷ. Vì vậy, để bảo đảm sức khoẻ cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức, duy trì thói quen tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm như xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng, cách thức bảo quản.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm rất quan trọng. Bởi qua đó có thể biết sản phẩm có bảo đảm an toàn hay không và sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, nguyên nhân khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bà Loan khuyên, các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm dù lớn hay nhỏ cần nên quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu, có chứng từ, hoá đơn, hợp đồng khi nhập nguyên liệu, thực phẩm. Đó là một cách để bảo vệ quy tín của cơ sở, thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. 

Pha Tuyết Kha

 

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục