BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đìu hiu một khu mộ tộc

Cập nhật ngày: 22/12/2011 - 01:05

Ngôi mộ ông Phạm Ngọc Ẩn hiện tại

Cạnh dinh thờ vị thần đình Phước Hội (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) Đào Văn Chữ là khu mộ tộc của một dòng họ thuộc hàng danh gia thế phiệt, hậu duệ của ông thần đình thứ hai mang họ Phạm. Họ Đào và họ Phạm có mối quan hệ thông gia, là những người có công khai phá, gìn giữ và mở rộng vùng đất này từ cuối thế kỷ XIX, nay vùng đất đã trở thành khu dân cư đông đúc, trù phú, là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Dương Minh Châu.

Nhắc lại một chút về lịch sử: vị họ Phạm (chưa xác định rõ tên) là một quan chức của triều đình Huế, do bất đồng chính kiến và có tư tưởng chống Pháp nên ông bỏ vào phương Nam đến vùng rừng rậm hoang vu ẩn náu và trở thành rể nhà họ Đào. Vào khoảng năm 1850-1852, khi bị giặc Pháp truy đuổi, vị quan triều Nguyễn họ Phạm đã lánh vào rừng sâu rồi thọ bệnh mất, để lại đứa con trai duy nhất tên Phạm Ngọc Ẩn cho người em rể Đào Văn Chữ nuôi nấng. Con cháu hai họ Phạm, Đào về sau có nhiều người làm ăn thành đạt, có người đã định cư ở nước ngoài, không ít người tham gia hai cuộc kháng chiến của dân tộc trở thành cán bộ, chiến sĩ, liệt sĩ hoặc lãnh đạo cấp cao góp nhiều công lao cho Tổ quốc. Khi đất nước hoà bình, thống nhất, cháu con hai họ tụ về cùng nhân dân xã Suối Đá chung tay xây dựng, trùng tu lại ngôi đình, dinh thờ thần làng Phước Hội khang trang đẹp đẽ, trở thành một địa điểm sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương.

Tuy nhiên, một điều rất đáng buồn là hiện nay khu mộ tộc của dòng họ Phạm đang trong tình trạng đìu hiu, xuống cấp trầm trọng. Mộ ông Phạm Ngọc Ẩn và vợ thứ là bà Ngô Thị Xuyến nứt nẻ, bong tróc, xiêu vẹo, đầy rêu phủ thời gian. Văn bia khắc những dòng chữ sắc sảo bằng tiếng Pháp đã bị ai đó phủ lên lớp sơn màu trắng. Ngôi mộ của ông Phạm Tấn Sĩ, con trai ông Phạm Ngọc Ẩn - hương cả làng Phước Hội xưa và bà Bùi Thị Âm, vợ cả ông Ẩn cũng cùng chung số phận. Trong cái lạnh se se của buổi sáng những ngày cuối năm, cụ Nguyễn Văn Vân, năm nay đã chín mươi hai tuổi, một kỳ mục của làng Phước Hội xưa khi về thăm lại khu mộ, ngậm ngùi than: “Ông bà mình thường nói sống nhà chết mồ, nhìn khu mộ tộc họ Phạm tôi thấy rất bùi ngùi. Đây là những ngôi mộ được xây dựng gần cả trăm năm nay, rất hiếm. Không biết con cháu của các cụ đâu mà để mả mồ hoang phế thế này. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng nên quan tâm tu bổ, chăm sóc, xem như là một địa chỉ lịch sử văn hoá của xã. Bởi dù sao đây cũng là nơi yên nghỉ của những bậc tiền hiền đã có công khai sơn phá thạch vùng đất này. Việc bảo quản, trùng tu, gìn giữ là trách nhiệm chung của mọi người”.

P.H