BAOTAYNINH.VN trên Google News

DN nhỏ và vừa khó vay các khoản trung, dài hạn

Cập nhật ngày: 09/08/2011 - 10:57

Theo Sở Công thương, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng, đặc biệt là các khoản vay tín dụng dài hạn. Trong điều kiện nền kinh tế, tài chính thế giới gặp khó khăn những năm gần đây, các DNN&V càng thêm “vất vả”.

Nguyên nhân là do các dự án của nhiều DN chưa thuyết phục được ngân hàng. Phần lớn DN không thực hiện báo cáo thường xuyên về kiểm toán vì cho đây là quy định quá khắt khe. Do đó, ngân hàng khó có thể chấp nhận dự án là khả thi và không đồng ý cho vay. Năng lực lập dự án phát triển trong tầm nhìn trung và dài hạn của đa phần các DNN&V còn hạn chế, chưa xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp nên chưa tận dụng được sự hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tìm kiếm thị trường, quản lý, tiếp thị…

Giao dịch tại một ngân hàng ở Tây Ninh

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ phía ngân hàng. Để huy động vốn “đầu vào” đối với thời hạn trung và dài, ngân hàng phải trả lãi suất cao hơn lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn bị khống chế ở mức trần như cho vay ngắn hạn. Lợi nhuận hạn chế đã “kìm hãm” ngân hàng cho vay trung và dài hạn.

Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, Tây Ninh có khoảng 48,84% DNN&V được hưởng ưu đãi, hỗ trợ (hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay). Nguồn vốn cho vay ưu đãi thuộc chương trình khuyến công hiện do Quỹ Hỗ trợ phát triển của tỉnh quản lý nhưng quy trình, thủ tục thẩm định, giải ngân còn nhiều khó khăn nên DN khó tiếp cận. Trong giai đoạn 2005- 2010, số lượng DNN&V được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh và chương trình khuyến công cho đầu tư phát triển công nghiệp còn rất thấp. Cụ thể, Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh cho vay theo chương trình khuyến công được trên 10,6 tỷ đồng cho 7 dự án cỡ nhỏ như sản xuất hàng mây tre, chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, chế biến nhựa tái sinh, chế biến tinh bột khoai mì; hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia với số tiền trên 1,77 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, các DNN&V có ý kiến cho rằng cần có 1 sân chơi bình đẳng giữa DN và các ngân hàng. Có đến 80% DNN&V phải vay vốn ngân hàng để hoạt động nên ngân hàng không nên bội ước về mức lãi suất đã ký giao dịch với DN mà “đơn phương” điều chỉnh tăng lãi suất. Lãi suất ngân hàng tăng đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN tăng, gây tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của DN. Các DNN&V cũng cho rằng, hiện nay lãi suất vay vốn bằng USD ở Việt Nam là quá cao (dao động từ 18% đến trên 20%). Do đó, DNN&V muốn kinh doanh có lãi “khá” là “cực khó”.

HOÀNG THI