Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dỡ cầu đường sắt Bình Lợi 118 tuổi: Mở ra tuyến hàng hải từ Cái Mép - Thị Vải tới Tây Ninh? 

Cập nhật ngày: 12/05/2020 - 09:05

"Trước đây, tĩnh không cầu Bình Lợi rất thấp (chỉ 1,5m), nhiều tàu xếp hàng dài chờ con nước mới vào được các cảng ở Tp. HCM, Bình Dương... Thậm chí, nhiều chủ tàu đã phải đổ thêm nước cho đầy tải, giúp sà lan chìm mới vượt qua được cầu. Nay cầu Bình Lợi cũ đã được tháo dỡ từ ngày 8/5, mở ra những cơ hội rất lớn cho giao thông đường thuỷ khu vực Tp.HCM, Bình Dương, Tây Ninh...", Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam (HHVN) Nguyễn Xuân Sang chia sẻ.

Cầu Bình Lợi mới - dự án BOT đường sông đầu tiên tại VN

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tuyến sông Sài Gòn có lợi thế rất lớn cho sự phát triển vận tải đường thủy mang tính kết nối vùng của thành phố Hồ Chí Minh, nhất là theo hướng đông nam.

Việc tháo dỡ cầu đường sắt cũ, xây dựng cầu Bình Lợi mới có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển nội địa và các tuyến hàng hải quốc tế; đặc biệt, giảm áp lực quá tải về giao thông đường bộ cho người dân là rất lớn. 

Trước đây, do tĩnh không của cầu đường sắt Bình Lợi cũ chỉ 1,5m nên việc đi lại trên tuyến đường sông trên là rất khó khăn. Riêng đối với các tàu có trọng tải lớn, độ cao trên 3 m, kể cả tàu buýt đường sông đưa đón khách gần như không thể qua cầu vì độ thông thuyền rất thấp.

Các hãng tàu biển muốn ra vào một số cảng ở Bình Dương và Tây Ninh, Bình Phước nhưng đành bất lực, trong khi đây là trung tâm của các cảng ICD trên cạn, dịch vụ logictics phát triển mạnh.

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ có tĩnh không thuyền quá thấp khiến tàu 5.000 tấn không thể vào lấy hàng tại các cảng ở Bình Dương, Tây Ninh.

Cầu đường sắt Bình Lợi đang kìm hãm đáng kể sự thông thương bằng đường thủy ở khu vực phía Nam, trong khi đây là một lợi thế vô cùng lớn mà các địa phương trong khu vực chưa tận dụng nhiều.

Nhận thấy sự bất cập đó, Bộ GTVT, UBND Tp. HCM cùng các đơn vị liên quan đã quyết định gọi vốn BOT để xây dựng cầu Bình Lợi mới, đồng thời, gỡ các nhịp cầu Bình Lợi cũ đã 118 năm tuổi. Có thể nói, đây chính là dự án BOT đường thuỷ đầu tiên trong cả nước.

Đại diện Sở giao thông vận tải Tp. HCM cho biết: Dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Lợi mới và nạo vét luồng sông Sài Gòn có tổng đầu tư dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Cầu mới sẽ có tĩnh không thông thuyền 7m, đảm bảo cho tàu thuyền chở hàng trên 5.000 tấn lưu thông từ cảng Bến Súc, Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cả vùng phía Đông Nam Tp. HCM. 

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Phần cầu Bình Lợi cũ theo kế hoạch tháo dỡ trong vòng 40 ngày. Dự kiến đến giữa tháng 6/2020 sẽ hoàn thành tháo dỡ, đảm bảo tàu lớn có thể lưu thông qua lại".

“Chia lửa” cho đường bộ

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá, “Sau khi hoàn thành cầu Bình Lợi mới, dỡ một số nhịp cầu đường sắt cũ, việc vận chuyển hàng hải, kết đường thủy nội địa đón hàng từ các cảng dọc các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải…, trong đó có các cảng nước sâu không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn giảm áp lực rất nhiều cho giao thông đường bộ,hạn chế đáng kể tình trạng kẹt xe, tắc đường và tai nạn giao thông do các xe container gây nên”.

“Hiện tại, các doanh nghiệp cảng ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, nhất là Cái Mép Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu và các chủ tàu, chủ hàng đang có chiến lược để tận dụng tối đa độ thông thuyền này để đưa tàu lớn ra vào hệ thống cảng góp phần thông thương hàng hóa được nhanh hơn”, ông Sang nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Dự án cầu sắt Bình Lợi mới đang mở ra những lợi thế lớn cho giao thông đường thuỷ, giúp chi phí hàng hoá lưu thông rẻ hơn, vận tải khối lượng lớn hơn, giảm ùn tắc cho các cửa ngõ và nội đô của Tp. HCM và các địa phương.

“Cục Hàng hải, Cục đường thủy nội địa phải có phương án phân luồng điều tiết hợp lý, khoa học để tàu có trọng tải lớn qua lại cầu sắt Bình Lợi mới được an toàn, thông suốt; hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư thu hồi vốn BOT thông qua hệ thống cảng vụ ở các khu vực. Ngoài ra, tích cực thu hút nguồn hàng qua vận tải thuỷ, “chia lửa” với giao thông đường bộ đang căng thẳng tại Tp. HCM”, ông Đông nói.

Nguồn vietnamfinance