Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần tết âm lịch năm nay, nhiều người trồng mãng cầu phấn khởi khi thương lái đến tận các vườn thu mua. Giá mãng cầu loại 1 hơn 60 ngàn đồng/kg, loại 2 khoảng 50 ngàn đồng/kg đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng nhất thời. Người trồng mãng cầu cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng chất lượng trái để sản xuất ổn định, hiệu quả.
Thu hoạch mãng cầu tại vườn nhà ông Huỳnh Biển Chiêu.
Anh Bửu, người trồng mãng cầu lâu năm tại xã Thạnh Tân cho biết, sở dĩ giá mãng cầu đợt tết vừa qua tăng mạnh và sau tết vẫn còn giữ giá cao do nhiều người trồng mãng cầu không làm trái cho vụ tết.
Theo ngành Nông nghiệp, Tây Ninh có diện tích trồng cây mãng cầu khoảng hơn 4.700 ha (lớn nhất nước), chiếm 1,2% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Hiện mới chỉ có khoảng 50 ha mãng cầu được canh tác theo quy trình VietGAP. Lợi nhuận bình quân trên 1 ha đất trồng mãng cầu khoảng 170 triệu đồng/năm, giá trị gia tăng khoảng 230 triệu đồng/năm - cao nhất trong các cây trồng truyền thống đã có ở tỉnh. Đáng chú ý, đây là loại cây trồng đầu tiên của Tây Ninh đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý (cũng có thể xem là thương hiệu). Xác định đây là loại cây trồng có mức độ ưu tiên cao của tỉnh nên trong quá trình cơ cấu lại, ngành Nông nghiệp đã định hướng sẽ duy trì diện tích đất trồng mãng cầu song song với việc nâng cao giá trị gia tăng, nhất là việc khép chuỗi trái mãng cầu và hoàn thiện cụm ngành. Cụ thể, trong thời gian tới, cây mãng cầu sẽ được quan tâm chuẩn hoá, bảo đảm chất lượng để đưa vào các chuỗi tiêu thụ lẫn xuất khẩu có uy tín. Trái mãng cầu sẽ từng bước được đưa vào sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... để bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Nếu có thể khép chuỗi và phát triển cụm ngành thì cây mãng cầu có thể mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Ước tính, đến năm 2030, ngành cây mãng cầu sẽ mang lại giá trị gia tăng khoảng hơn 1.360 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm cho 6.600 người. ĐÌNH CHUNG |
Vì sao nhiều người trồng mãng cầu không làm trái trong vụ tết, dù đây là loại trái cây rất hút hàng trong dịp tết cổ truyền? Anh Bửu cho biết, do tết năm ngoái, nhiều người đổ xô làm trái nên giá bán mãng cầu rất thấp, có lúc chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg khiến nhiều người trồng lỗ vốn. Tuy nhiên, giá mãng cầu tăng cao trong dịp tết vừa qua cũng chỉ là nhất thời.
Ông Huỳnh Biển Chiêu - nông dân đi đầu trong việc trồng mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP cho biết, dịp tết vừa qua, do có quá nhiều đơn hàng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với ông nên lượng mãng cầu thu hoạch không đủ cung cấp ra thị trường.
Theo ông Chiêu, do khách hàng - nhất là các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tín nhiệm sản phẩm trái mãng cầu của ông nên ông không phải phụ thuộc vào thương lái. Do vậy mà giá bán mãng cầu vườn nhà ông Chiêu luôn ở mức cao.
Vấn đề mà ông Chiêu quan tâm hiện nay là làm sao để người trồng mãng cầu cùng nhau nâng cao giá trị trái cây này. Để làm được điều đó, trước hết cần phải nâng chất lượng trái. Bởi lẽ, tuy được trồng trên cùng một vùng đất nhưng có nhiều loại giống khác nhau nên chất lượng trái mãng cầu cũng khác nhau.
Đáng lo nhất là tình trạng ruồi vàng đục trái khiến phần lớn sản lượng thu hoạch được bị giòi, gây ảnh hưởng xấu đến giá bán cũng như uy tín thương hiệu của trái mãng cầu Tây Ninh trên thị trường.
Ông Chiêu cho rằng, để không phải phụ thuộc vào thương lái, có đầu ra và giá cả ổn định, người trồng mãng cầu cần phải thay đổi dần cách chăm sóc để cung cấp cho thị trường trái mãng cầu đạt chất lượng.
Khi mãng cầu đã có đầu ra ổn định, tạo được chỗ đứng trên thị trường thì người trồng không còn lo tình trạng giá cả thất thường. Ông Chiêu đang hướng dẫn người trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP vì giá trị lâu dài khi canh tác sản phẩm chất lượng cao.
THIÊN TÂM