Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đỗ ôtô trước nhà người khác: Ai đúng, ai sai?
Thứ tư: 09:35 ngày 26/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện pháp luật chưa quy định chi tiết việc đỗ xe trước cửa nhà dân. Nhưng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, chỉ cấm đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức

Thông tin một người ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị đâm trọng thương vào ngày 23-4 có nguyên nhân từ việc đỗ ôtô trước cổng nhà người khác đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Tình trạng đỗ ôtô trước cổng nhà, quán ăn dẫn đến đánh nhau, hủy hoại tài sản đã từng xảy ra ở nhiều nơi và là nỗi bức xúc của tài xế lẫn người có nhà bị ôtô đỗ trước cửa ra vào.

Hết cả đường đi

Ghi nhận trưa 25-4 trên đường Thành Thái đoạn giao với đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP HCM, ôtô, xe khách… dừng, đỗ thành hàng dài, có đoạn cả 1 km. Nhiều phương tiện khi tham gia giao thông qua đây buộc phải lách sang làn đường còn lại. Tại ngã tư đường Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 (quận 10) cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều tài xế đỗ xe liên tục bật đèn xi-nhan nhưng chúng tôi quan sát trong hơn 15 phút, các xe này vẫn chưa có dấu hiệu rời đi.

Cách đó không xa, hẻm 339 Tô Hiến Thành chỉ rộng khoảng 5 m, ôtô, xe tải đỗ chiếm gần nửa mặt đường. "Sáng mở cửa đã có vài ôtô đỗ trước nhà khiến việc đi lại của gia đình tôi rất khó khăn. Nhắc tài xế nhưng họ không chịu đi. Cần có quy định cụ thể về dừng, đỗ xe nơi công cộng, làm sao để hài hòa giữa nhu cầu của tài xế và quyền lợi của chủ nhà" - ông Trần Tấn Khoa, người dân trong hẻm, nói.

Đường Dương Quang Trung (quận 10) là khu vực có nhiều bệnh viện nhưng vỉa hè, mặt đường hai bên đều bị ôtô đỗ kín dù nhiều bảng "Cấm đỗ xe" được dựng lên. Không còn lối đi, bệnh nhân và người nhà phải chọn đi giữa đường trong khi lưu lượng phương tiện qua đây rất đông.

Nhiều con đường ở quận 5 như Hùng Vương, Trần Bình Trọng, An Dương Vương… dù không phải là khu vực đỗ xe có thu phí, một số điểm còn có camera phạt nguội nhưng ôtô cũng dừng, đỗ nhiều giờ liền. Một số chủ nhà, cơ sở kinh doanh không chịu nổi đã cắm trước cửa nhà bảng "Vui lòng không đậu xe trước cửa", "Xin đừng đậu xe", "Cấm đậu xe, khu vực xe ra vào thường xuyên"…

Đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) cho phép đỗ ôtô có thu phí, có cửa hàng kinh doanh ở đây, anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải năn nỉ tài xế đậu ôtô né giùm lối lên xuống trước cửa hàng. Có người vui vẻ hợp tác, cũng có người cự cãi, lời qua tiếng lại. Tiền thuê mặt bằng mỗi ngày 1 triệu đồng, xe đậu chắn hết lối đi, làm sao mà buôn bán?".

Theo anh Tuấn, việc nhà nước cho phép đỗ ôtô trên một số tuyến đường, người dân sống ở đó phải chấp hành nhưng cần quy định thời gian bởi nhiều tài xế đỗ xe quá lâu khiến việc đi lại, kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng. "Như chiếc xe này, mỗi ngày đều đỗ trước cửa hàng tôi từ 7 giờ đến 21 giờ. Sau một vài lần nhắc nhở, tài xế đã đỗ xe lệch về phía gốc cây, chừa lối lên xuống cho cửa hàng" - anh Tuấn kể.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, có chủ xe phân trần: "Cũng biết gây phiền hà cho chủ nhà nhưng ngặt nỗi quanh đây không có chỗ nào đậu xe được"; cũng có tài xế taxi cho biết trong lúc chờ khách nên phải đỗ xe dọc các tuyến đường được phép. "Mình đỗ xe trước những nhà nào đóng cửa, né các nhà kinh doanh buôn bán, đậu nửa nhà này nửa nhà kia. Khi nào chủ nhà yêu cầu dời đi thì mình vui vẻ đi vì mình làm ăn, người ta cũng làm ăn. Mình đậu xe che hết cửa hàng người ta thì sao được" - ông Trương Công Bạch, tài xế taxi, chia sẻ.

Ôtô đậu hàng dài trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1, TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH

Phải tuân thủ pháp luật

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, cho biết theo quy định, lòng đường và vỉa hè chỉ sử dụng cho mục đích giao thông, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND tỉnh, thành phố quy định chi tiết.

"Hiện pháp luật chưa quy định chi tiết về việc đỗ xe trước cửa nhà dân. Nhưng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chỉ cấm đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức" - luật sư Trần Minh Hùng nói.

Ông Trần Minh Hùng lưu ý các bảng ghi biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý lập ra không có giá trị pháp lý. Người dân chỉ có quyền đối với phần diện tích đất đã được nhà nước cấp phép sử dụng. Còn hành lang đường bộ, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý, không ai được phép chiếm dụng làm của riêng. Việc người dân đem đồ vật chắn trước cửa nhà tại phần vỉa hè, hành lang công cộng, phần lòng đường… có thể bị xử phạt. Nếu làm hư hại ôtô đậu ngoài lòng đường, vỉa hè có thể bị xử phạt về hành vi hủy hoại tài sản hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Với tài xế, nên lựa chọn vị trí đậu ôtô để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu việc dừng, đậu xe có thể gây ảnh hưởng đến người dân, hãy để lại số điện thoại liên lạc nhằm hạn chế tối đa những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra" - ông Hùng nói. 

Cần quy định, chế tài rõ ràng

Theo ông Lê Tấn Huờn, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 3, người dân hay có suy nghĩ phần vỉa hè, lòng đường trước nhà thuộc sở hữu của mình. Chính vì vậy đã nảy sinh các tình huống chủ nhà phản ứng gay gắt với tài xế dù đường cho phép đỗ ôtô. Hiện chưa có chế tài hay quy định nào giữa người sử dụng lòng đường và các hộ kinh doanh buôn bán trên tuyến đường đó. Vì vậy, cần có những quy định, chế tài rõ ràng để hạn chế mâu thuẫn của 2 đối tượng này.

Nguồn NLDO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục