Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đô thị Hoà Thành, gần và xa
Thứ tư: 07:51 ngày 05/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo những gì đã công bố về bản Quy hoạch chung đô thị này vào ngày 10.8.2018, đến năm 2020, thị trấn Hoà Thành sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại IV.

Chùa Gò Kén - Thiền Lâm. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Gần thì gần lắm! Từ trung tâm thành phố Tây Ninh, theo đường CMT8 chỉ tầm 4 cây số là tới cổng đầu tiên vào Toà thánh Cao Ðài. Ði xuyên hoặc vòng về chợ Long Hoa cũng chỉ hơn 2 cây số nữa. Theo quốc lộ 22B, cũng chỉ 4, 5 cây số là tới chùa Gò Kén- Thiền Lâm- trung tâm du lịch tâm linh- sinh thái của thị xã Hoà Thành tương lai. Theo những gì đã công bố về bản Quy hoạch chung đô thị này vào ngày 10.8.2018, đến năm 2020, thị trấn Hoà Thành sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại IV.

 

Nói xa thì cũng xa! Dù nằm kề bên thành phố Tây Ninh, nhưng khi nghe kể đến những Trường Lưu, Trường Phú, Bàu Ếch… hay Sân Cu cũng cảm giác xa xa sao ấy. Ðã đành Toà thánh Tây Ninh, điểm du lịch nổi tiếng khắp miền Nam là thuộc huyện Hoà Thành.

Nhưng người trong, ngoài tỉnh nhắc đến Toà thánh là nghĩ đến Tây Ninh, cái tên Hoà Thành ít người nhớ tới. Rồi chợ Long Hoa, cũng là trung tâm thương mại nổi tiếng khu vực, nhưng có lẽ việc xây dựng cải tạo đã quá lâu nên dần mất đi tăm tiếng của mình. Ðến cuối năm 2018, đường quanh chợ vẫn chịu cảnh mưa lầy, nắng bụi.

Một địa chỉ mới nổi vài năm gần đây là chùa Gò Kén - Thiền Lâm thuộc xã Long Thành Trung. Khoảng 10 năm nay, Gò Kén đã lấy lại vị thế từng có trong quá khứ. Như, đây từng là nơi tu hành của các vị tăng nổi tiếng cả miền Nam như Minh Ðạt Thiền sư (Yết Ma Lượng) hay hoà thượng Thích Từ Phong (Như Nhãn).

Hoặc lễ ra mắt của đạo Cao Ðài kéo dài suốt 3 tháng cuối năm 1926 và đầu năm 1927, người dân của nhiều tỉnh miền Nam nô nức kéo về… Ấy thế mà sau 1975 tới tận cuối những năm 2000, Gò Kén dường như đã trở thành một nhà máy gạch thủ công với hàng chục cái lò đêm ngày nhả khói đen mù mịt.

Thế rồi khoảng những năm 2009-2010, Nhà nước cương quyết buộc các chủ lò phải di dời, trả lại sự thanh sạch, bình yên cho một vùng gò. Cũng từ đấy, sư trụ trì với sự ủng hộ của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo đã xây dựng nơi đây thành một trung tâm văn hoá Phật giáo với nhiều công trình tiêu biểu và nổi bật. Ðấy là các khu đại cảnh mô tả Phật Thích Ca thành đạo, khu Phật đản sanh, vườn Lâm tỳ ni, cung Di Lặc, núi Ngũ Hành Sơn…

Ðặc biệt là tượng Phật nhập niết bàn dài hơn 20m, tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25m đứng giữa một hồ sen. Còn thêm chuông đồng nặng 4,8 tấn vừa được đúc xong dịp lễ Vu lan 2018. Và cuối năm là toà tháp Xá Lợi “Cửu phẩm liên hoa” cũng dần hoàn thiện… Gò Kén- Thiền lâm thật xứng đáng được đưa vào Quy hoạch chung đô thị Hoà Thành với cái tên là trung tâm du lịch tâm linh văn hoá Gò Kén - Thiền Lâm với 150 ha diện tích.

Trên thực tế, UBND huyện có những hành động cụ thể hướng về khu du lịch này, bằng những công trình cụ thể. Như con đường nối trục chính Phạm Văn Ðồng, từ dốc Ao Hồ đến quốc lộ 22B đoạn ngang qua Gò Kén. Rồi cầu bắc qua kênh lò gạch phía sau gò để tới vùng cù lao Gò Nhọn nằm giữa con rạch này với rạch Tây Ninh.

Vấn đề còn lại là đường vào chùa chỉ là đường độc đạo rộng hơn 5m, vài năm gần đây đã không đủ cho người đi vào, ra mỗi kỳ lễ hội. Nhất là vào dịp lễ hội Quán Thế Âm từ 17 đến 19 tháng Giêng (âl) hằng năm, người xe tới chùa đã không chỉ làm ùn tắc trên đường vào chùa, mà còn cả trên quốc lộ 22B. Vài năm gần đây, không chỉ có lễ hội mà ngay cả các ngày lễ hội Cao Ðài, cũng có rất nhiều đoàn khách từ ngoài tỉnh đến với Thiền Lâm- Gò Kén…

Từ tầng 9 của tháp Xá Lợi chùa Gò Kén, với một ống nhòm hoặc ống zoom máy ảnh là có thể nhìn thấy gương mặt của hai đô thị liền kề: thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành. Có sự khác biệt lớn rồi đây! Và có lẽ sự khác biệt nhất cũng chỉ mới xuất hiện trong 10 năm gần đây.

Ðấy là khi Thành phố đã có nhiều nhà cao từ 8 đến 10 tầng, thì Hoà Thành lại không có. Kiến trúc 7 tầng cao duy nhất, mà từ tháp nhìn thấy rõ chỉ có toà nhà Chi cục Thuế huyện mới hoàn thành cuối năm 2018. Trong khi đó, nhìn về phía Thành phố là thấy ngay các ngôi như ngân hàng Sacombank, khách sạn Sunrise và Victory, toà nhà trụ sở Ðiện lực Tây Ninh…

Ðặc biệt là toà nhà Vincom cao 25 tầng cũng đã hiên ngang bề thế giữa trời mây. Toà Chi cục Thuế huyện lại không nằm trên một trục đường lớn như các con đường Phạm Hùng, Phạm Văn Ðồng hay Tôn Ðức Thắng… Mà nó nằm khuất nẻo trong đường Hai Bà Trưng, thuộc khu phố 3, cách trục đường Phạm Hùng tới 300m. Do vậy, nó cũng chưa tạo được một điểm nhấn đô thị có tác động đột phá tới cảnh quan kiến trúc của đô thị Hoà Thành. Phần lõi của đô thị này (Thị trấn hiện nay) lại rất ít cây xanh.

Ðấy là kết quả sự kế thừa quy hoạch cũ của tôn giáo Cao Ðài có từ những năm 50 thế kỷ trước. Theo đó, quanh chợ Long Hoa là các con đường quy hoạch ô vuông, chia ra nhiều ô phố. Qua vài thế hệ các ô phố này được xây dựng nhà ở, công trình với mật độ xây dựng cao. Không dễ gì chỉnh sửa hay khắc phục. Dường như quy hoạch chung đã công bố cũng chưa xác định được hướng phát triển của vùng lõi đô thị, một khi mật độ xây dựng đã “bão hoà”.

Một đặc điểm quan trọng của đất và người Hoà Thành xưa nay cũng chưa được thấy trên bản đồ quy hoạch. Ðấy là sự đa dạng các ngành nghề, mà hầu như xã nào cũng có các làng nghề. Như tre, trúc, tầm vông ở Long Thành Trung, Long Thành Bắc; nghề chế biến bánh tráng, bột khoai, bột bán, se nhang… và các món ăn chay truyền thống của người dân có đạo Cao Ðài.

Gần đây có thêm nghề nuôi cá bè ở các ấp ven sông Vàm Cỏ Ðông. Mà quy hoạch này hầu như chưa đề cập gì đến các làng nghề đặc sắc ấy. Thêm nữa, là các bến bãi tự phát bên sông Vàm Cỏ Ðông, chứng tỏ một nhu cầu có thật của người dân về giao thông thuỷ. Vậy mà bến bãi quy hoạch chỉ có một nơi duy nhất ở khu vực Bến Kéo, nơi đã có cảng Fico. Thì liệu có đáp ứng đủ cho giao thông thuỷ hiện tại, chưa nói đến xu hướng phát triển tất yếu ở tương lai.

Xem kỹ quy hoạch này, còn có thêm cảm giác là các tác giả còn lãng phí những tài nguyên du lịch. Ðấy là cả một vùng triền sông thuộc các xã Long Thành Nam, Trường Tây, Trường Ðông với các di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và cấp quốc gia. Thật sự đấy là những vùng sinh thái mặt nước rất tiềm năng với ngành du lịch đã bị bỏ qua.

Khu vực thứ hai là khu du lịch sinh thái Trường Ðông ở cuối tuyến đường Nguyễn Văn Linh cần liên kết với Trường Hoà, nơi đã có những Trí Giác cung, Trí Huệ cung được đạo Cao Ðài coi như “gia bảo”. Và, sau cùng là khu “trung tâm du lịch được quy hoạch ở khu vực phía Ðông Toà thánh”. Khu này xuất hiện là do có Toà thánh, và mục đích để phục vụ du khách đến Toà thánh Tây Ninh. Vậy cũng cần phải đưa cả khu vực Toà thánh vào trong quy hoạch, mới thể hiện được đấy là khu du lịch tâm linh đầy bản sắc.

Ðứng bên cạnh một Thành phố đang phát triển theo hướng hiện đại, Hoà Thành cần khai thác những gì thật đặc trưng, thật bản sắc của riêng mình.

TRẦN VŨ

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục