Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm qua, khi kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng đầu tư, người dân cũng đổ ra các mặt tiền đường để sinh sống, kinh doanh. Tuy nhiên cũng từ đây, xuất hiện tình trạng san lấp mặt bằng đất nông nghiệp khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Một mảnh đất ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu được chuyển đổi mục đích từ đất lúa sang đất ở.
ĐẤT RUỘNG NHƯỜNG CHỖ CHO ĐẤT THỔ CƯ
Một người dân sống tại khu vực cầu K13, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết, phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại khu vực này trước đây là đất trồng lúa nước, sau đó chuyển sang trồng mì. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người đã xin chuyển mục đích sử dụng đối với những thửa đất giáp với mặt tiền TL 784, 781 để kinh doanh. Và chắc chắn trong thời gian tới, tình trạng này sẽ còn tiếp tục.
Tại TL 784, khu vực đi qua xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, nhiều thửa đất nông nghiệp cặp theo mặt tiền đường cũng đã được đổ đất, san nền. Theo ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã, những thửa đất trên nằm trong quy hoạch được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy hoạch, tính từ mốc lộ giới TL 784 vào bên trong khoảng 100m, người dân được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Khi kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá gia tăng, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất như trên là điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng đã tạo ra không ít bất cập. Gần đây, tại khu đất lúa nằm trên đường Trần Văn Trà (gần cầu Gió), xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, sau khi xin chuyển đổi mục đích sang đất ở, chủ đất san lấp mặt bằng thì các hộ dân sống gần đó phản đối.
Lý do là, phần lớn nước mưa ở đây thoát ra suối, nếu chủ đất đổ đất san nền, nước mưa sẽ ứ đọng. Ông Nguyễn Viết Tiêm- Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, trước phản ứng của người dân, chính quyền địa phương đã mời chủ đất đến làm việc, nhằm thống nhất việc chừa đường thoát nước mưa cho khu vực các hộ dân lân cận.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Tây Ninh, hiện nay, dọc theo một số tuyến đường lớn trên địa bàn phường có tình trạng được gọi là “da beo”: đất thổ cư, đất lúa cùng các loại đất khác đan xen lẫn nhau… Điển hình như đường Trưng Nữ Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Tua Hai, Trần Văn Trà… Ông Minh kiến nghị, do tiến trình đô thị hoá, dân cư, dịch vụ thương mại phát triển, những khu vực nào không còn phù hợp trồng lúa, nhất là khu vực ở dọc các tuyến đường lớn nên cho người dân chuyển đổi sang đất ở.
SAN LẤP VƯỢT QUÁ DIỆN TÍCH CHO PHÉP
Dư luận cho rằng, có một số cá nhân lợi dụng thửa đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch được phép chuyển đổi sang đất ở, tuy nhiên, họ chỉ xin chuyển một phần diện tích, sau đó lại cho đổ đất san lấp mặt bằng toàn bộ diện tích. Do đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp này.
Bà Đỗ Diệp Tuyền- Chủ tịch UBND xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, cuối năm 2018, ở xã có 1 trường hợp san lấp đất trên đất lúa để xây nhà, địa phương đã phát hiện kịp thời và đình chỉ việc xây dựng để xử lý. Còn hiện nay, với các đơn vị đổ đất san lấp nền trên các trục lộ, đặc biệt là trục lộ lớn như TL 784, xã cũng đã chỉ đạo cán bộ địa chính kiểm tra việc có chuyển mục đích sử dụng đất chưa.
Đối với việc san lấp mặt bằng, UBND xã đã chỉ đạo các ấp nắm thông tin, theo dõi xuyên suốt trên địa bàn, nếu có phát hiện vấn đề gì về hiện trạng đất lúa sử dụng sai mục đích, báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Các ban, ngành, đoàn thể cũng phải nắm thông tin, có vấn đề gì phải báo về UBND xã. Đặc biệt là cán bộ chuyên môn, ngoài việc thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất trên địa bàn còn phải tiếp cận các thông tin để xử lý kịp thời.
Ông Huỳnh Hưng Thời- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết, trên địa bàn, những năm gần đây, tình trạng người dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng khi đổ đất san nền lại vượt quá diện tích được cấp phép diễn ra khá phổ biến. Có những trường hợp họ cố tình đổ lấn ra, thường là đổ vào ban đêm hoặc vào thứ bảy, chủ nhật.
Khu vực đất nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 4, phường 1 (TP. Tây Ninh) là đất lúa nhưng từ lâu đã để không, không sản xuất.
Cái khó của địa phương trong công tác quản lý là địa bàn dân cư đông. Theo quy định, người dân phải đến trình UBND xã (giấy chuyển mục đích sử dụng đất của huyện cấp) để xã xác định vị trí trên thửa đất đó. Có những trường hợp người dân không đến liên hệ, UBND xã không biết được khi nào họ tiến hành đổ đất. Nếu phát hiện trường hợp đổ đất vượt diện tích được cấp phép, địa phương sẽ lập tức đình chỉ để xử lý.
Mới đây (ngày 14.3.2019), trên địa bàn xã có một trường hợp người dân tự ý chuyển mục đích từ đất lúa sang thổ cư không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, người dân này đã đổ đất chiều ngang 26m, dài 30m, tổng diện tích 780m2, trong khi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất thổ cư là 400m2, như vậy đã đổ vượt 380m2. Cán bộ địa phương đã lập biên bản sự việc đề nghị người dân này ngưng ngay việc đổ đất và trả lại hiện trạng ban đầu.
Nếu đến hết ngày 15.3.2019 vẫn chưa thực hiện, UBND xã sẽ lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chủ đất chấp hành việc ngưng đổ đất và liên hệ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để xin chuyển thổ cư. Đến ngày 22.3, UBND huyện đã có quyết định cho phép người dân này chuyển mục đất sử dụng 600m2 đất trồng lúa nước còn lại sang đất ở.
Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, trong quá trình người dân xin chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở, khi san lấp mặt bằng, UBND xã phân công cán bộ giám sát để kịp thời xử lý những trường hợp san lấp vượt quá diện tích xin phép. Nếu phát hiện san lấp vượt quá diện tích xin phép chuyển đổi mục đích, UBND xã sẽ lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ sử dụng đất lập thủ tục chuyển đổi mục đích phần diện tích san lấp vượt quá. Về cơ bản, hiện nay trên địa bàn xã Truông Mít, các thửa đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi mục đích sang đất ở đều đổ đất san lấp mặt bằng đúng với diện tích xin phép chuyển đổi.
CÒN ĐÓ NHỮNG BẤT CẬP
Theo ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND phường 1, TP. Tây Ninh, trên thực tế tại nhiều khu vực có đất nông nghiệp trên địa bàn, người dân rất muốn chuyển đổi sang thổ cư nhưng theo quy hoạch đây là đất chuyên trồng lúa, không cho phép chuyển đổi. Tiếng là đất lúa nhưng trồng không hiệu quả nên hầu như bỏ không. Đây là vấn đề bất hợp lý.
Do đó vào tháng 9.2018, UBND Thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát hiện trạng đất trồng lúa trên địa bàn, làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh lại diện tích đất trồng lúa đúng với hiện trạng sử dụng; bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai; hạn chế tác động gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tạo điều kiện tăng thu ngân sách từ chuyển mục đích sử dụng đất cũng như tránh lãng phí và thất thoát ngân sách.
Đối với diện tích ghi trong giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là đất lúa nhưng hiện trạng sử dụng không phải đất trồng lúa hoặc không đủ điều kiện để trồng lúa và nằm ngoài quy hoạch sử đất trồng lúa cần phải cắm mốc bảo vệ theo Thông tư số 17/2014/TT-BTNMT, sẽ thực hiện việc điều chỉnh dần thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương.
Đối với diện tích ghi trong giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là đất trồng lúa qua rà soát hiện trạng đúng là đất trồng lúa và thuộc quy hoạch sử dụng đất trồng lúa thì khoanh vùng để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Ông Minh cho biết, UBND phường 1 đang thống kê các vị trí đất lúa không còn phù hợp trồng lúa để kiến nghị cấp trên điều chỉnh quy hoạch sang thổ cư. Tổng diện tích qua thống kê ước khoảng 10-15 ha.
THUÝ HẰNG - NGHĨA NHÂN