Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đô thị Trảng Bàng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Thứ bảy: 12:10 ngày 13/08/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quy hoạch đô thị Trảng Bàng dựa trên ranh giới hành chính thị trấn Trảng Bàng hiện nay và 4 xã lân cận là Gia Lộc, Gia Bình, An Hoà và An Tịnh, với tổng diện tích tự nhiên gần 110 km2.

Tại kỳ họp lần thứ 2 HĐND huyện Trảng Bàng khoá X, nhiệm kỳ 2011-2016, đã thông qua đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Nội dung đồ án cho biết, phạm vi nghiên cứu quy hoạch đô thị Trảng Bàng dựa trên ranh giới hành chính thị trấn Trảng Bàng hiện nay và 4 xã lân cận là Gia Lộc, Gia Bình, An Hoà và An Tịnh, với tổng diện tích tự nhiên là 109,47km2. Về tính chất, đô thị Trảng Bàng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, thương mại-dịch vụ tổng hợp của huyện và vùng Nam Tây Ninh. Đô thị Trảng Bàng còn là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ của Tây Ninh đến thành phố Hồ Chí Minh và nằm ngay trên hành lang đường Xuyên Á đến cửa khẩu Mộc Bài. Hướng đến của đô thị Trảng Bàng là đô thị loại IV vào năm 2015 và đô thị loại III vào năm 2020.

Chợ mới Trảng Bàng

Về quy mô dân số đô thị, đến năm 2015, toàn đô thị Trảng Bàng có từ 100.000 đến 110.000 người, trong đó nội thị 38.500 người, đến năm 2020 tăng lên từ 135.000 đến 140.000 người, trong đó nội thị 70.000 người. Và tầm nhìn tới năm 2030 dân số đô thị Trảng Bàng khoảng 190.000 đến 200.000 dân. Về tổ chức cơ cấu, đô thị Trảng Bàng phân thành 4 khu vực: Khu I là khu vực Thị trấn hiện hữu, có diện tích là 367ha, bố trí khoảng 40.000 dân; Khu II là khu đô thị mới - dịch vụ thuộc Khu Công nghiệp Trảng Bàng, diện tích 150 ha, bố trí 25.000 dân; Khu III là khu đô thị mới nằm ở phía Đông (xã Gia Lộc) diện tích 450 ha, bố trí 55.000 dân và Khu IV là  khu đô thị mới phía Tây Nam - xã An Hoà. Trong mỗi khu đô thị tổ chức các trung tâm khu vực cửa từng khu.

Các trục cảnh quan chính: Chọn rạch Trảng Bàng và rạch Trảng Chừa làm trục mặt nước cây xanh cảnh quan chính. Kết nối dãy cây xanh ven rạch Trời Sanh bao bọc đô thị phía Đông-Bắc. Các điểm di tích lịch sử văn hoá dọc hành lang cây xanh ven rạch hiện có: Địa đạo An Thới, Đình An Tịnh, Đình An Hoà, bia tưởng niệm và các chùa, am hiện có là không gian cảnh quan văn hoá của đô thị.

Quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện đi qua đô thị gồm: Đường Xuyên Á là trục giao thông xương sống kết nối đô thị Trảng Bàng với các đô thị Gò Dầu, Mộc Bài và thành phố Hồ Chí Minh, có lộ giới 60,5 mét. Đoạn quốc lộ 22 từ ngã ba Ngân hàng đến ngã ba đường tránh Xuyên Á có lộ giới 40 mét; đường tỉnh (ĐT) 782 có lộ giới 60,5 mét; ĐT 787A và 787B có lộ giới 45 mét; đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận Trảng Bàng có lộ giới dự kiến 100 mét. Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh –Mộc Bài nối liền đô thị Mộc Bài với tuyến vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh đi ngang qua đô thị Trảng Bàng, với quy mô 6 làn xe. Khi cấp trên mở tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài-Thị xã Tây Ninh đi qua đô thị Trảng Bàng phục vụ vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu cho các khu, cụm công nghiệp sẽ lập ga hàng hoá và khu vực kho bãi, dự kiến bố trí ở phía Bắc đô thị. Về giao thông công cộng, mạng lưới giao thông công cộng đô thị Trảng Bàng dự kiến chủ yếu là xe buýt. Ngoài các bến xe buýt hiện hữu đề xuất mở các tuyến xe buýt nối trung tâm Trảng Bàng hiện hữu với Khu Chế xuất Linh Trung III, Khu Công nghiệp Trảng Bàng và Khu Công nghiệp-Dịch vụ Bourbon An Hoà…

D.H

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục