Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đổ trộm dầu thải 'đầu độc' nước sông Đà, ĐBQH: 'Đây là việc làm có chủ ý'
Thứ hai: 20:44 ngày 21/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
ĐBQH cho rằng, hành vi đổ trộm dầu thải 'đầu độc' nước sông Đà gây ô nhiễm là việc làm có chủ ý, không phải ngẫu nhiên.

Sự việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, khiến hàng triệu dân Hà Nội lao đao tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội.

Trả lời phỏng vấn VTC News, đại biểu Y Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đắk Lắk, bày tỏ bức xúc: "Đây là việc làm có chủ ý, không phải là ngẫu nhiên, vô ý huỷ lượng dầu nhớt này. Bởi khi anh đem đi đổ dầu thải, là có sự chủ động từ khi đi mua, tập kết, thuê phương tiện thực hiện nhiệm vụ đó. Hiện nay, người chủ mưu ra đầu thú rồi. Đây là cơ sở điều tra làm rõ. Nếu có chủ đích, chủ ý như vậy cần phải xử lý thật nghiêm minh".

Đại biểu Y Khút Niê.

Đại biểu Y Khút Niê đặt vấn đề: "Công ty cấp nước cho Thủ đô mà quản lý, kiểm tra, ngăn chặn sự việc hết sức chậm chạp. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, họ mới triển khai, rất chậm chạp.

Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản lý, như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu anh phát hiện sớm, ngăn chặn sớm thì chắc chắn không thể để xảy ra việc hàng triệu người thủ đô dùng nước không an toàn.

Nếu nhà phân phối nước có trách nhiệm hơn, sẽ không để nguồn nước bừa bãi như thế được. Đó là việc làm không thể chấp nhận được. Cần phải bị xử lý nghiêm

Đại biểu Y Khút Niê

Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn cho nhà quản lý, kinh doanh, phân phối nguồn nước cho dân. Phải tăng cường kiểm tra, bảo đảm chất lượng nguồn nước. Nếu nhà phân phối nước có trách nhiệm hơn, sẽ không để nguồn nước bừa bãi như thế được. Đó là việc làm không thể chấp nhận được. Cần phải bị xử lý nghiêm".

Sáng nay, trong báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, còn tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, sự chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục.

“Còn hiện tượng xả thải vào nguồn nước; ô nhiễm không khí, bụi mịn tại một số thành phố lớn” – ông Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Liên quan đến vụ đổ trộm chất thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà, tại cơ quan công an, Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Thuận Thành, Bắc Ninh) khai được một nữ giám đốc công ty gạch ở thị xã Phú Thọ thuê đổ dầu thải với giá 7 triệu đồng.

Thông tin này khiến nhiều người cho rằng Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (CTH), nơi nhóm Vũ lấy chất thải, là đơn vị liên quan vụ việc.

Trước thông tin này, Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ra văn bản thông tin chính thức.

Công ty Gốm sứ Thanh Hà khẳng định không liên quan đến hành vi xả thải dầu của nhóm Lý Đình Vũ.

“CTH hoàn toàn không biết và không tham dự vào việc Vũ và đồng phạm đã mang dầu đi đâu và xử lý như thế nào”, thông cáo báo chí của CTH nhấn mạnh.

CTH cũng khẳng định: “Thông tin cho rằng một nữ lãnh đạo của CTH đã thuê nhóm của Vũ xả thải là thông tin không chính xác”. CTH không bao giờ chấp nhận và dung túng cho hành vi xả dầu thải hủy hoại môi trường.

Trước việc sự cố đổ dầu thải gây ảnh hưởng tới hàng vạn người dân Hà Nội, CTH xin được kiểm điểm sâu sắc và sẽ xử lý nghiêm minh các cán bộ liên quan đã tắc trách trong công tác quản lý đồng thời chấn chỉnh lại quy trình quản lý để tránh những sự việc đáng tiếc ngoài ý muốn tương tự.

Ngoài ra, CTH cho biết sẽ trích 500 triệu đồng để hỗ trợ người dân khắc phục sự cố ban đầu. Lãnh đạo công ty cũng khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc.

Nguồn VTC

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục